“Phép thử” để cán bộ trưởng thành hơn

Trong công tác cán bộ, việc rà soát, bổ sung quy hoạch và điều động, luân chuyển cán bộ có vai trò đặc biệt, không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà còn hướng đến mục tiêu đào tạo, rèn luyện cán bộ trưởng thành hơn khi về cơ sở.

Thử thách từ cơ sở

Luân chuyển, điều động có thể xem là phép thử đối với sự phấn đấu, trưởng thành của cán bộ. Thời gian qua, Thành ủy TPHCM tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ các cấp để chủ động tham mưu triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới.

%3a.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí lãnh đạo các ban tham mưu giúp việc của Thành ủy TPHCM, Thành ủy TP Thủ Đức và Huyện ủy huyện Cần Giờ chúc mừng hai đồng chí nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý đã được luân chuyển, điều động về cơ sở giữ các chức danh quan trọng. Trong đó, gần đây nhất là Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng được luân chuyển về huyện Cần Giờ giữ chức Bí thư Huyện ủy; Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân giữ chức Bí thư Quận ủy quận 3; điều động Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương giữ chức Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận; Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Lê Kim Hiếu được luân chuyển về quận 6 giữ chức Phó Bí thư Thường trực Quận ủy.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng ở cơ sở chú trọng rà soát, bổ sung quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ nguồn quy hoạch về cơ sở để thử thách. Tại quận Bình Tân, trên cơ sở nguồn cán bộ được phê duyệt quy hoạch, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo rà soát, xem xét, điều động, luân chuyển cán bộ về cơ sở và các cơ quan chuyên môn. Cụ thể, có 28 cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị; 5 cán bộ được bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo, quản lý… Ngoài ra, khi thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, quận Bình Tân đã bổ nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND phường tại 9 phường có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.

Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cho biết, với các vị trí chủ chốt, quận đã luân chuyển, điều động 13 đồng chí ở phường lên các phòng, ban và ngược lại… Về chất lượng đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Quận ủy quận 7 thông tin, đây là các đồng chí đã được thử thách qua rất nhiều môi trường, nhất là trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 và được quận tiếp tục thử thách đến nay. Đối với cán bộ được xem xét để đưa vào quy hoạch, quận giao thêm nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn để thử thách, đến nay cơ bản đã sàng lọc được các đồng chí có tâm, có trình độ và đáp ứng được yêu cầu của quận trong tình hình mới.

Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo

Nhằm cụ thể hóa Quy định 65 của Ban Bí thư và Quy định 1286 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về luân chuyển cán bộ, trong những năm qua, công tác bổ nhiệm, điều động cán bộ luân chuyển giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền và MTTQ Việt Nam quận 10 đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo sự đổi mới, phát huy năng lực và trách nhiệm của cán bộ. Từ năm 2021, quận 10 đã thực hiện điều động, bổ nhiệm cán bộ luân chuyển giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền và MTTQ Việt Nam đối với 56 lượt cán bộ. Riêng trong năm 2023, có 15 cán bộ luân chuyển.

Lãnh đạo Ban Tổ chức Quận ủy quận 10 đánh giá, việc bổ nhiệm, điều động cán bộ luân chuyển giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền và MTTQ Việt Nam cần được xem là một hoạt động thường xuyên và cần thiết để phát huy năng lực, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Đồng thời tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, thử thách, học hỏi nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Cùng với đó, cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ luân chuyển giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền và MTTQ Việt Nam.

Trao đổi về công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, Phó trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Thị Cẩm Tú cho biết, việc rà soát, bổ sung quy hoạch gắn với việc điều động, luân chuyển cán bộ về cơ sở và các cơ quan chuyên môn để rèn luyện, tiếp cận chức danh quy hoạch; cử cán bộ đi học các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ nhằm góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Nguyễn Phước Hưng đánh giá, việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý là việc làm hết sức quan trọng trong các khâu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Việc này làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt. Qua đó, đội ngũ cán bộ và cán bộ lãnh đạo quản lý tiếp tục được nâng cao cả về trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục