Tân Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn:

Xem xét lại việc bổ nhiệm cán bộ cấp vụ trong thời gian gần đây ở một số bộ

Nam Quốc
Xem xét lại việc bổ nhiệm cán bộ cấp vụ trong thời gian gần đây ở một số bộ

Xem xét lại việc bổ nhiệm cán bộ cấp vụ trong thời gian gần đây ở một số bộ ảnh 1
Bên lề hành lang phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ vào chiều qua 5-8, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP và một số báo khác liên quan đến vấn đề về cơ cấu tổ chức Chính phủ. Bộ trưởng Trần Văn Tuấn
(ảnh) cho biết:

Tại phiên họp sáng 5-8, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng các bộ: Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông thực hiện ngay việc bàn giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, biên chế cán bộ, công chức, viên chức, tài chính tài sản của các cơ quan, đơn vị. Công việc này phải hoàn thành trong tháng 8. 

- Thưa ông, trong những tháng cuối năm, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP phải trên 9%, kiềm chế tốc độ tăng giá… Vậy, Chính phủ có biện pháp gì để việc sáp nhập các bộ mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ lớn ấy?

Biện pháp là phải bàn giao, thực hiện thật nhanh. Các bộ sáp nhập thì chuyển nguyên hiện trạng để thực hiện. Thủ tướng rất quan tâm đến điều này nên đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ rất cụ thể. Bộ Nội vụ cũng đã trình phương án thực hiện sáp nhập, chia tách bộ theo hướng vừa nhanh, vừa không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu trong khi xây dựng nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ theo hướng tinh gọn, hợp lý, tránh chồng chéo… cần hợp nhất ngay các tổ chức: Văn phòng, Thanh tra, Tổ chức - Cán bộ, Hợp tác quốc tế, Pháp chế, Kế hoạch – Tài chính…

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ có sự thay đổi bộ trưởng thì tiến hành bàn giao ngay công việc. Thủ tướng giao cho tôi nhiệm vụ trước 15-8 phải trình Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định về sắp xếp, chuyển giao tổ chức bộ máy gồm: Nghị định của Chính phủ về chuyển giao Ban thi đua –Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ; Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ; Quyết định của Thủ tướng chuyển chức năng quản lý nhà nước và tổ chức làm công tác dân số vào Bộ Y tế (giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - PV); chuyển chức năng quản lý nhà nước và tổ chức làm công tác gia đình vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuyển nội dung quản lý, tổ chức làm công tác trẻ em vào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đồng thời, chuyển chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản và Cục Báo chí, Cục Xuất bản sang Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Thưa ông, theo quy định hiện hành, mỗi bộ chỉ có tối đa 7 thứ trưởng và 7 Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng. Nhưng nay sáp nhập như Bộ Công thương chẳng hạn, sẽ có trên 10 thứ trưởng. Vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào?

Theo đề án chúng tôi trình thì các thứ trưởng các bộ khi chuyển sang bộ mới về cơ bản sẽ vẫn làm thứ trưởng. Còn các đơn vị mới như Tổng cục Thể dục thể thao… muốn đề nghị thành cục hoặc tổng cục thì phải cân nhắc. Quá trình này lâu hay nhanh phụ thuộc vào các bộ, không đặt ra thời gian ở đây.

- Vừa rồi ở Bộ Thủy sản và Bộ Thương mại có hàng loạt cán bộ cấp vụ mới được bổ nhiệm. Vậy, khi sáp nhập sẽ xử lý ra sao?

Về nguyên tắc quá trình hợp nhất, chuyển giao không được bổ nhiệm, đề bạt nhiều cán bộ như vậy. Còn các trường hợp cụ thể thì Bộ Nội vụ sẽ xem xét. Ở đây, cần phân biệt việc bổ nhiệm, đề bạt có theo quy hoạch trước đó hay không? Còn khi biết có chủ trương sáp nhập, hợp nhất mà bổ nhiệm, đề bạt ồ ạt nhằm tạo chính sách cho cán bộ thì là sai. Cần phải xem xét lại từng trường hợp này. 

- Có nhân dịp sắp xếp này để tinh giản biên chế không thưa ông?

Bản thân việc sáp nhập, hợp nhất bộ là thực hiện chủ trương tinh giản. Còn khi sắp xếp có dôi dư cán bộ, công chức thì vận dụng chính sách lao động dôi dư để giải quyết chính sách thỏa đáng để không bị thiệt thòi.

- Trụ sở của các bộ sẽ giải quyết ra sao?

Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm chủ trì, họp bàn, quyết định về trụ sở bộ. Căn cứ vào tình hình thực tế và chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Bộ trưởng chọn trụ sở của bộ nào làm trụ sở khi sáp nhập. Cũng có ý kiến băn khoăn về việc Bộ trưởng mới liệu có mua xe ô tô mới. Về vấn đề này, tôi khẳng định ngay là Chính phủ mới sẽ gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Hai Phó Thủ tướng mới đã được giao nhiệm vụ chưa?

Đối với hai Phó Thủ tướng mới, như đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã nói, cả hai chưa được Thủ tướng phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách mới. Trước mắt, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục tham gia quá trình sáp nhập Bộ Công thương. Khi nào xong thì mới phân công nhiệm vụ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vẫn kiêm nhiệm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Văn phòng Chính phủ sẽ công bố nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách của hai Phó thủ tướng mới.

- Xin cảm ơn ông!

Nam Quốc

Tin cùng chuyên mục