Sáng nay, Hà Nội chính thức mở rộng

Dân vui, cán bộ lo…

*Sáng nay: Khai mạc kỳ họp đầu tiên HĐND TP Hà Nội (mới)
Dân vui, cán bộ lo…

*Sáng nay: Khai mạc kỳ họp đầu tiên HĐND TP Hà Nội (mới)
Sáng nay, 1-8, thực hiện tinh thần Nghị quyết 15/2008/QH của Quốc hội khóa 12, TP Hà Nội đã chính thức được mở rộng cả về diện tích tự nhiên và quy mô về dân số ra toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Đây là sự kiện trọng đại và nhiều ý nghĩa không chỉ đối với Thủ đô Hà Nội mà đối với cả nước.

Dân vui, cán bộ lo… ảnh 1

Một góc Thủ đô Hà Nội

  • “Ăn mừng” ngày về Hà Nội

Từ nay, cái tên gọi “Hà Tây” sẽ không còn nữa. Thế nhưng, hàng triệu người dân “xứ Đoài” lại rất hân hoan vì kể từ nay, họ đã trở thành công dân Hà Nội và hãnh diện hơn là được trở thành “người thủ đô”. Chỉ vài ngày nữa, CMND, sổ hộ khẩu của họ sẽ có dấu đỏ mang tên “TP Hà Nội”. Con em họ sinh ra cũng được khai quê quán là “Hà Nội”. Thế rồi, số điện thoại, biển số xe cũng là “Hà Nội”… 

Mỗi người một suy nghĩ, tâm trạng khác nhau. Song, phần lớn đều cho rằng, sau khi được nhập vào Hà Nội, cơ sở hạ tầng nơi họ sống sẽ được đầu tư mạnh hơn. Sẽ có các dự án lớn mọc lên cạnh làng của họ. Bộ mặt nông thôn sẽ dần được đô thị hóa. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống sẽ cải thiện hơn. Đặc biệt, sẽ có nhiều tuyến đường, khu đô thị mới được quy hoạch. Các công ty, nhà máy cũng sẽ mọc lên nhiều hơn và nhờ vậy, con em của họ sẽ có công ăn việc làm nhiều hơn, có thể tạo ra nguồn thu nhập khấm khá hơn.

Trong khi người Hà Tây đang hân hoan trước sự kiện Hà Nội - Hà Tây hợp nhất thì có không ít người dân Hà Nội lại có phần “thờ ơ”. Có lẽ tình hình giá cả, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn đã làm họ bận lo toan với nhiều thứ khác. Tuy vậy, cho đến sáng nay, trên các diễn đàn, blog của giới trẻ, đã có không ít thành viên bày tỏ niềm sung sướng và tự hào về việc từ nay, Việt Nam có một thủ đô quy mô lớn không kém nhiều thủ đô trên thế giới. Nhiều người còn bày tỏ rằng, Hà Nội cần phải rộng lớn để tạo điều kiện cho nhiều dự án phát triển, để trở thành một thủ đô ngày càng giàu có và hiện đại. 

  • Cán bộ lo chuyện ăn ở, đi lại…

Trong khi đó, cho đến sáng nay, tại nhiều cơ quan, công sở hàng ngàn cán bộ, nhân viên vẫn đang lo toan, tất bật với việc di chuyển trụ sở, máy móc, tài liệu… Trên gương mặt của mỗi người đều có một chút “bùi ngùi” khi phải thay đổi thói quen, nơi làm việc.

“Nhà mình vẫn ở tận dưới Kim Bài (Thanh Oai). Hằng ngày, từ nhà đi ra TP Hà Đông xa gần 20km. Bây giờ, Hà Tây đã sáp nhập vào Hà Nội, cả cơ quan phải chuyển ra 47 Hàng Dầu, Hà Nội. Thế là mỗi ngày lại phải đi hơn 10km nữa. Tổng cộng cả đi và về, mỗi ngày phải đi 55-60km”, chị T., nhân viên của Sở VH-TT và DL tỉnh Hà Tây (cũ) nói.

Vậy nhưng, nhà chị T. vẫn còn quá gần so với hàng chục cán bộ, nhân viên khác đang làm việc ở TP Hà Đông. Chị kể, Hà Đông là thủ phủ của tỉnh Hà Tây. Thế mà đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều cán bộ phải “ở trọ” ngay tại phòng làm việc của cơ quan vì ở cách xa tới 40-50km. Bây giờ chuyển cơ quan ra Hà Nội, chắc chắn họ phải lo thêm một khoản tiền để thuê nhà.

Ông Nguyễn Mạnh Thường, quyền Chánh văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Hà Tây (cũ) tỏ ra lo lắng trước nạn kẹt xe hiện nay. Ông bảo: “Cơ quan tôi đang làm thủ tục chuyển về ở Hà Nội. Trước đây làm ở Hà Đông, buổi trưa có thể ù cái là về đến nhà ăn cơm, ngủ trưa. Bây giờ chắc chắn phải lê la ăn cơm bụi”.

Chánh văn phòng Sở Công thương tỉnh Hà Tây (cũ) Trần Phương Lan bảo rằng, nhiều chị em tính sơ sơ, chi phí xăng xe đi lại, ăn trưa sẽ “đội” khoản chi tiêu của gia đình lên tiền triệu mỗi tháng.

Sáng nay, Sở Tư pháp TP Hà Nội (mới) đã bắt đầu chuỗi công việc mới tại số 2 Phùng Hưng, Hà Đông. Trong khi cán bộ của tỉnh Hà Tây cũ đang “toát mồ hôi” lo chuyện làm sao bắt nhịp ngay với công việc khi vào nội thành Hà Nội thì tâm trạng của nhiều cán bộ Sở Tư pháp Hà Nội cũng rất ngổn ngang, tơ vò. Trong đó, đi lại, ăn ở vẫn là câu chuyện “nóng” nhất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhân viên của Sở Tư pháp Hà Nội có trên 60% là nữ, có nhiều người vừa lập gia đình hoặc mới sinh con. Nhiều chị em đã từng mất nhiều thời gian mới chọn được nơi gửi con ở gần cơ quan. Bây giờ, một là vào Hà Đông tìm nhà trẻ mới. Hai là ngày ngày, chở con đến nhà trẻ cũ gửi xong lại lặn lội vào tận Hà Đông giữa cảnh kẹt xe, bụi bặm.

Cũng sáng nay, Sở GTVT Hà Nội sau khi chuyển về làm việc tại Hội trường tầng 2 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cũng đã bắt tay vào công việc mới. Anh H., một nhân viên của sở, tâm sự: “Những ngày đầu chuyển vào đây, cái gì cũng trở nên lạ lùng, bỡ ngỡ. Buổi trưa, anh em tùy nghi di tản đi tìm cơm bụi để ăn”. Tuy thế, mọi người đều hy vọng khó khăn sẽ qua đi và cuộc sống sẽ trở lại với nhịp điệu ngày thường.

VIỆT HÀ

*Sáng nay: Khai mạc kỳ họp đầu tiên HĐND TP Hà Nội (mới)
° Chiều nay, bầu và công bố những chức danh quan trọng của TP Hà Nội (mới)

(12G).- Đúng 8g30 sáng nay, 1-8, tại trung tâm thủ đô Hà Nội, kỳ họp đầu tiên hợp nhất HĐND TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây đã được khai mạc trọng thể. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tới dự cùng với 164 đại biểu của Hà Nội “mới”.

Phát biểu tại kỳ họp đầu tiên của HĐND Hà Nội mở rộng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là một sự kiện lịch sử rất thiêng liêng, trọng đại không chỉ riêng với thủ đô Hà Nội mà với cả sự phát triển của một dân tộc, có ý nghĩa sâu sắc khi cả nước đang hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trong lịch sử phát triển của thủ đô Hà Nội, đã có nhiều lần mở rộng. Tuy nhiên, đây là lần mở rộng địa giới hành chính quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Mở rộng Hà Nội là để tạo cơ hội cho Hà Nội và cả Hà Tây cùng các địa phương liên quan cùng phát triển.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, mở rộng Hà Nội là chủ trương đúng song việc tổ chức thực hiện không đơn giản, có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, cách làm nghiêm túc, khoa học và thận trọng.

Trong buổi làm việc chiều nay, HĐND TP Hà Nội (mới) sẽ tiến hành bầu và công bố các chức danh, gồm: Chủ tịch HĐND TP Hà Nội (mới), các Phó Chủ tịch và các ủy viên thường trực HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội (mới), các Phó Chủ tịch và ủy viên UBND TP Hà Nội, Hội thẩm nhân dân của TAND TP Hà Nội (mới).

VĂN PHÚC HẬU

 Mô hình phát triển thành phố Hà Nội

Kể từ hôm nay, địa giới hành chính của TP Hà Nội (mới) sẽ có tổng diện tích tự nhiên là 334.470,02ha và dân số hiện tại là 6.232.940 người, trong đó bao gồm diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì (thuộc Hà Nội cũ) và Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Mê Linh, TP Hà Đông, TP Sơn Tây và các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Thủ đô Hà Nội nằm giáp với các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên và Phú Thọ.

Tin cùng chuyên mục