Bổ sung nhiều hình thức tố cáo mới vào dự thảo Luật Tố cáo

Bổ sung nhiều hình thức tố cáo mới vào dự thảo Luật Tố cáo

• Bổ sung quy định về khiếu nại đông người vào Luật

(SGGPO).-Nhiều nội dung trong dự án Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 12-10.

Phiên họp thứ 3 Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng.
Phiên họp thứ 3 Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, dự thảo Luật Tố cáo đã được chỉnh lý, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật đã nhận được ý kiến của 40/63 đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội chưa đạt sự thống nhất cao, trong đó có 2 vấn đề nổi lên: về chủ thể tố cáo và các hình thức tố cáo mới (bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại...).

Về chủ thể tố cáo, dự thảo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án 1 là bổ sung cơ quan, tổ chức vào phạm vi chủ thể có quyền tố cáo. Phương án 2 giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình là chỉ có công dân có quyền tố cáo tương tự như quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rằng, nếu cho phép các cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo thì có thể làm phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến cơ chế, cách thức để các chủ thể này thực hiện quyền tố cáo. Bên cạnh đó, vẫn có cơ chế khác để các cơ quan, tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật cho các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, đề nghị lựa chọn phương án 2 (chỉ có công dân có quyền tố cáo). Đề xuất này của Ủy ban Pháp luật nhận được sự đồng tình cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Liên quan đến các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, dự thảo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật cũng đưa ra hai phương án. Phương án 1 là giữ như Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành (chỉ có hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo). Phương án 2 là bổ sung hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng các tài liệu nghe được, nhìn được. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 2 do Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất.

Đồng ý với phương án này, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý tính chất phức tạp, khó kiểm định của nguồn thông tin tố cáo thông qua các hình thức mới được bổ sung. Do đó, cần có quy định nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền tố cáo đồng thời có chế tài đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi này.

Đối với dự án Luật Khiếu nại, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án bổ sung quy định về khiếu nại đông người vào luật, đồng thời quy định cụ thể trình tự thủ tục giải quyết. Đây chính vấn đề “mắc” nhất và có nhiều ý kiến tranh luận nhất tại phiên họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật này.

 Chưa áp dụng rộng rãi phạt “nguội”

Buổi chiều 12-10, UBTVQH xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật cũng như nhiều quan điểm lớn trong Tờ trình của Chính phủ về dự luật, song cơ quan thẩm tra dự án cũng đã nêu rõ một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như về phạm vi điều chỉnh; quy định thẩm quyền xử phạt; các hình thức xử phạt; mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương…

Về các hình thức xử phạt, dự thảo Luật này bổ sung 3 hình thức xử phạt hành chính mới: buộc lao động phục vụ cộng đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật; bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Tuy cơ bản tán thành các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả này, song Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị cân nhắc thêm về hình thức “buộc lao động phục vụ cộng đồng” vì cho rằng không phù hợp với Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam tham gia.

Đáng lưu ý, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định giao cho Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn (nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng với cùng một hành vi vi phạm) trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan thẩm tra còn cho rằng “cần có quy định nâng mức phạt tiền cao nhất theo mức đã quy định trong một số văn bản luật mà Quốc hội đã ban hành”.

Về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xác minh hành vi, đối tượng vi phạm hành chính, quan điểm của Ban soạn thảo và Thường trực Ủy ban Pháp luật chưa đồng nhất.

“Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng trước mắt chưa nên quy định nội dung này vào Luật mà cần tổng kết việc sử dụng các phương tiện này trên một số lĩnh vực đang được áp dụng thí điểm ở nước ta”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.

Một nội dung khác trong dự thảo Luật cũng được Thường trực Ủy ban Pháp luật yêu cầu cân nhắc là “mức phạt tiền trong dự thảo Luật là quá cao so với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân; đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ Luật hình sự (Phụ lục). Đơn cử, đối với người có hành vi huỷ hoại rừng sẽ bị Toà án tuyên phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng theo Bộ Luật hình sự, nhưng có thể bị xử phạt tiền tối đa đến 2 tỷ đồng theo dự thảo Luật này. Do đó, đề nghị cần làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn để tăng mức phạt tiền cao như dự thảo Luật.

Ngoài ra, để bảo đảm xử lý hành chính có hiệu quả thì bên cạnh việc phạt tiền, phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác. Chẳng hạn, đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt tiền để cảnh cáo, nhưng áp dụng tốt biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng tình cao với việc áp dụng mức phạt cao hơn trong một số lĩnh vực ở nội đô các thành phố trực thuộc trung ương. “Nhưng phạt tiền phải đồng thời với việc giáo dục pháp luật cho người dân, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức”, ông nói thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng ủng hộ quan điểm này. Ông Phan Xuân Dũng cung cấp thêm thông tin: “Ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi biết người ta chia thành nhiều vành đai và ở các khu vực khác nhau mức phạt cũng đã khác nhau, càng vào trung tâm càng cao hơn”. Tuy nhiên, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần củng cố cơ sở pháp lý cho có tính thuyết phục hơn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước cũng nhất trí về nguyên tắc với nội dung trên, nhưng yêu cầu quy định rõ mức trần vào dự luật, sau đó “Hội đồng Nhân dân thành phố trực thuộc trung ương sẽ quyết định mức cụ thể”. Điều này giúp tăng cường tính chủ động và thể hiện quyết tâm của HĐND các địa phương.   

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục