Phân loại làng nghề để có chính sách thích hợp

Chưa đảm bảo hạ tầng bảo vệ môi trường
Phân loại làng nghề để có chính sách thích hợp

Ngày 7-11, Quốc hội đã nghe ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế (KKT), làng nghề và dành trọn cả ngày làm việc để thảo luận về vấn đề này.

Chưa đảm bảo hạ tầng bảo vệ môi trường

Theo báo cáo giám sát, hiện ở nước ta có 3 loại hình KKT: KKT ven biển, KKT cửa khẩu và KKT quốc phòng. Đợt giám sát này tập trung vào 15 KKT ven biển đã được Thủ tướng quyết định thành lập cho đến năm 2010. Qua giám sát, có thể thấy việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các KKT hiện nay là rất chậm. Với sự phát triển của các KKT trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại của môi trường KKT hiện nay, theo bản báo cáo, là do những bất cập trong mô hình ban quản lý (BQL) các KKT - một cấp quản lý được UBND cấp tỉnh ủy quyền với nhiều chức năng quản lý nhà nước. Báo cáo kiến nghị, tới đây cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định về chức năng quản lý nhà nước của BQL KKT phù hợp với hệ thống phân cấp quản lý nhà nước hiện hành, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của BQL KKT phù hợp với pháp luật hiện hành về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.

Đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Lâm (Long An) nhấn mạnh nguyên nhân là từ năng lực cán bộ quản lý KKT, làng nghề còn non kém, việc xử lý vi phạm còn nương tay. Thậm chí, nhiều trường hợp KKT chưa xây dựng xong hạ tầng xử lý chất thải môi trường nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động và xả thải.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phát biểu trong phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phát biểu trong phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Phát biểu tại hội trường, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tán thành cao với việc lựa chọn chuyên đề giám sát này, nhằm khắc phục tình trạng “suy thoái môi trường song hành với phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, ông thẳng thắn phê bình: “Tôi cho rằng riêng phần giám sát về KKT là chưa đạt yêu cầu. Trong khi chỉ thực hiện giám sát tại 15 KKT ven biển, bản báo cáo lại không nêu ra được đặc thù của các KKT ven biển mà chỉ nhận định rất chung chung”.

Khó xử lý ô nhiễm làng nghề

Về vấn đề làng nghề, báo cáo nhìn nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề là một trong những thách thức lớn và rất khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Năng lực cán bộ cũng là một bất cập lớn: 95% số cán bộ làm công tác môi trường cấp huyện không có chuyên môn về môi trường. Ở cấp xã, cán bộ môi trường lại kiêm nhiệm nhiều việc và trình độ dĩ nhiên không thể khá hơn!

Hậu quả là nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, theo quan sát, nước thải ở làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) đặc quánh “như có thể đi trên đó được”! Hệ lụy của tình trạng ô nhiễm này là tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến môi trường gia tăng trông thấy, xã hội ngày càng xuất hiện nhiều “bệnh lạ”.

Đóng góp ý kiến nhằm tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn nạn này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận xét: “Chúng ta thường chỉ quan tâm đến những dự án triệu đô, tỷ đô mà chưa dành sự quan tâm đúng mức đến các làng nghề - những chiếc cầu nối giữa truyền thống với hiện đại. Phát triển làng nghề đồng thời cũng là mấu chốt để giải quyết vấn đề di dân từ nông thôn ra thành phố”.

Nhất trí với việc xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh, vấn đề này cần gắn liền với việc quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển làng nghề trong điều kiện mới, nếu không thì không có cách gì giải quyết được tận gốc vấn đề. Đây cũng là quan điểm của ĐB Dương Trung Quốc khi ông cho rằng, cuộc chiến với ô nhiễm môi trường làng nghề phải gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới, nếu không muốn trở thành “cuộc chiến với cối xay gió”.

Một vấn đề khác được ĐB  Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội và nhiều ĐB khác cảnh báo là tình trạng một số doanh nghiệp “ẩn” sản xuất ô nhiễm của mình vào làng nghề và kiếm lợi nhuận bất chính từ việc né tránh những nghĩa vụ về môi trường.

ĐB Nguyễn Văn Tiên kiến nghị, phải phân loại làng nghề với các mức độ gây ô nhiễm khác nhau. Những trường hợp gây ô nhiễm nặng nề lại nằm xen lẫn trong khu dân cư thì phải chấm dứt hoạt động ngay. Đồng thời, cần xã hội hóa công tác xử lý ô nhiễm mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt chú trọng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, bằng không thì dù có tăng ngân sách dành cho công tác này từ 1% lên tới 2%, thậm chí 3% cũng không đủ để giải quyết.

Anh Thư


Chế tài mạnh hơn với hành vi xả thải

Ngày 7-11, Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với một số đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về trách nhiệm đối với những vi phạm xả thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty CP DV Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành).

  • Ông TRƯƠNG VĂN VỞ, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:

Sai phạm của Sonadezi Long Thành đã được kết luận, đã bị xử phạt công khai và yêu cầu có giải pháp khắc phục. Hiện nay họ đang trong quá trình khắc phục. Nếu trong quá trình khắc phục mà họ vẫn tiếp tục vi phạm như báo chí phản ánh thì phải xem xét trách nhiệm thuộc về ai. Theo nguyên tắc, cấp nào cấp phép thì cấp đó phải kiểm tra xử lý, sai phạm tới đâu xử lý tới đó theo quy định của pháp luật. Tôi cũng cho rằng, việc Sonadezi Long Thành có tái diễn các vi phạm hay không phải căn cứ trên thông số kỹ thuật để xác định mức độ vi phạm.

Từ các vụ vi phạm về xả thải, cá nhân tôi cho rằng, Chính phủ phải rà soát lại, làm rõ liều lượng các chất thải, thông số kỹ thuật như thế nào là vi phạm. Khắc phục sau xử lý vi phạm cũng phải rõ ràng. Đối với Đồng Nai, chúng tôi luôn đề nghị chính quyền phải quan tâm vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh cũng đang trực tiếp chỉ đạo theo hướng như vậy, tỉnh Đồng Nai không bỏ qua việc này đâu. Tuy nhiên, qua đây tôi cũng đề nghị chế tài xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường cần tính toán thêm. Xử lý hành chính là cần thiết nhưng xử lý hình sự phải rõ ràng. Cần nói rõ thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng trong xử lý hình sự, chứ nói chung chung như hiện nay thì không giải quyết triệt để được. Xử lý hành chính cũng phải có tác dụng phòng ngừa và răn đe.

  • Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:

Nếu Sonadezi Long Thành tái diễn vi phạm về xả thải như báo chí phản ánh thì chính báo chí nên chất vấn các cơ quan chức năng: tại sao họ không thực thi quyền của họ? Sở TN-MT Đồng Nai, cơ quan công an TƯ phải giải quyết vấn đề này. Hiện tượng có rồi, luật có rồi, tại sao không xử lý triệt để được? Chúng tôi, với tư cách là ĐBQH cũng đã đề nghị địa phương phải làm rõ để tránh tác động mạnh đến dư luận, làm giảm uy tín của địa phương.

Từ hàng loạt các vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, tôi cho rằng vấn đề phải là chế tài của pháp luật. Dư luận cũng rất quan trọng nhưng để xử lý triệt để phải dựa trên những định lượng của pháp luật. Chế tài xử phạt cần phải mạnh hơn để ngăn không có các vụ xả thải ra môi trường.

Ph.Thảo

Tin cùng chuyên mục