Bước tiến trong xây dựng chính quyền số

Thực hiện chủ đề công tác năm 2024, các sở, ngành, địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành các nền tảng phục vụ quản lý điều hành, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhằm thực hiện mục tiêu đưa nền hành chính công vụ của thành phố lên môi trường số.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Quản lý, điều hành trên môi trường số

Giữa tháng 4-2024, cùng với hoạt động công bố Nghị quyết số 11 của HĐND TPHCM về sắp xếp khu phố trên địa bàn, UBND phường 9, quận 11 cũng công bố hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành của phường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Ghi nhận của phóng viên, mỗi cán bộ phường, công an phường, Ban Chỉ huy quân sự phường đều được cấp một tài khoản có phân quyền sử dụng theo từng vị trí, chức vụ. Hệ thống cung cấp thông tin cần thiết cho cán bộ, công chức về tiến độ công việc, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và điều hành khu phố. Bên cạnh đó, công chức phường có thể tra cứu thông tin về khu phố, nóc gia, hộ gia đình, công dân… Tất cả dữ liệu có thể xuất ra văn bản giấy để phục vụ cho việc báo cáo khi cần.

Ông Trần Ninh Đông, Chủ tịch UBND phường 9, quận 11, cho biết, bên cạnh việc cấp quyền cho công chức phường sử dụng, hệ thống có thể cấp quyền truy cập thông tin tương ứng cho các ban ngành cấp quận, thành phố để khai thác báo cáo, số liệu. Xác định việc cập nhật dữ liệu là điều rất quan trọng trong vận hành hệ thống, nên mỗi khi có thay đổi về các thông tin của người dân, công chức phường sẽ cập nhật ngay trên hệ thống, qua đó giúp số liệu đảm bảo sát với thực tế.

Ông Nguyễn Trần Bình, Chủ tịch UBND quận 11, cho biết, hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành phường 9, quận 11 là một trong những giải pháp quan trọng áp dụng công nghệ để quản lý, điều hành ở địa bàn dân cư. Bước đầu triển khai đã cho thấy, hệ thống này cung cấp cho cán bộ lãnh đạo các bảng hiển thị trực quan phục vụ cho việc quản lý, điều hành và ra quyết định; giúp hỗ trợ cho các dự báo, cảnh báo trong công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Ban điều hành khu phố có được công cụ hỗ trợ công tác khu phố, làm cầu nối giữa phường với Ban điều hành khu phố kịp thời, chính xác, minh bạch.

Trong khi đó, UBND xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi đã triển khai mã QR cho tất cả thủ tục hành chính cấp xã đang được triển khai. Hệ thống mã QR được bố trí ở trụ sở UBND xã, khu công viên, nơi công cộng để người dân, doanh nghiệp có thể quét mã thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi.

Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, cho biết, trước đây muốn làm thủ tục hành chính thì người dân phải đến trụ sở UBND xã, khai báo hồ sơ giấy. Mặt khác, số người có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính ngoài giờ cũng khá đông nên xã bố trí lực lượng giải quyết công việc cho người dân vào tối thứ 5 hàng tuần.

Sau khi mã QR được triển khai và áp dụng chữ ký số, mặc dù số lượng thủ tục hành chính hàng ngày không giảm nhưng số lượng người dân đến trụ sở cơ quan giảm hẳn. Địa phương cũng không cần bố trí cán bộ trực ngoài giờ để tiếp nhận hồ sơ vì người dân có thể ngồi ở nhà hay công ty đều thực hiện được.

Tăng đặt hàng chuyên gia, doanh nghiệp

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh cho biết, năm nay, sở tiếp tục triển khai các hệ thống tổng hợp theo dõi kế hoạch, báo cáo, đánh giá trên môi trường số. Đồng thời, công khai tiến độ các hạng mục, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại sở cũng như chỉ số chuyển đổi số trên cổng thông tin điện tử của sở để các cơ quan, đơn vị cùng theo dõi, giám sát.

Sở cũng thu hút, tập hợp rộng rãi nguồn lực chuyên gia, doanh nghiệp tham gia giải quyết các yêu cầu đặt hàng về chuyển đổi số. Triển khai phối hợp kết nối nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức chuyển đổi số trong thúc đẩy chuyển đổi số.

B3a.jpg
Công chức Sở LĐTB-XH giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM. Ảnh: NGÔ BÌNH

Mặt khác, sở tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong quý 1-2024, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên tổng hồ sơ thuộc thẩm quyền tiếp nhận của sở chiếm gần 90%, trong đó hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực việc làm chiếm hơn 93% và lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài đạt 100% tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến. Tỷ lệ số hóa kết quả và hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đạt tỷ lệ 99,7%.

Theo Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng, việc ứng dụng chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương từ đầu năm đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự quyết liệt để cải cách nền hành chính công vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. TPHCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản đưa nền hành chính công vụ lên môi trường số. Do đó, thành phố ưu tiên hoàn thiện các thể chế, quy định để các ngành, các cấp tham gia đồng bộ và xem kết quả chuyển đổi số là một trong những chỉ tiêu trong chương trình công tác năm, đánh giá thi đua của các cá nhân, tập thể.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng nhìn nhận, vẫn còn tình trạng chưa liên thông dữ liệu giữa các đơn vị, địa phương. Do đó, sở sẽ tham mưu UBND TPHCM ban hành quy định để cả hệ thống chính trị sử dụng nền tảng chung, chia sẻ dữ liệu chung toàn thành phố. Khi đó, người dân, doanh nghiệp chỉ cần khai báo thông tin một lần và sử dụng lâu dài.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục xây dựng nền tảng số quan trọng trong lĩnh vực nhà đất để tạo chuyển biến rõ nét hơn trong quản trị của thành phố và tương tác của người dân, doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục