Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15-2-1961 – 15-2-2011)

Giải phóng quân anh dũng chiến thắng

Giải phóng quân anh dũng chiến thắng

Ngày 15-2-1961, tại Chiến khu Đ, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam làm lễ ra mắt. Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao cho Quân giải phóng Quân kỳ thêu dòng chữ Giải phóng quân anh dũng chiến thắng. Kể từ đây, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức tái thành lập.

Quán triệt những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, trong suốt quá trình tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trung ương Cục miền Nam và các cấp ủy Đảng ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ xuất phát từ tình hình thực tiễn đã lãnh đạo xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ba thứ quân, phát động quần chúng xây dựng lực lượng chính trị và trên cơ sở đó xây dựng lực lượng vũ trang đi đôi với vũ trang cho quần chúng rộng rãi.

Quân giải phóng miền Đông Nam bộ hành quân trong chiến dịch Đông Xuân 1966-1967. Ảnh: T.L.

Quân giải phóng miền Đông Nam bộ hành quân trong chiến dịch Đông Xuân 1966-1967. Ảnh: T.L.

Từ sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Mỹ - Diệm tiến hành phá hoại hiệp định, điên cuồng sử dụng bạo lực đánh phá khốc liệt cách mạng miền Nam. Trước nhu cầu bức xúc bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, tại nhiều nơi ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ, từ năm 1956, ta từng bước tổ chức các đơn vị vũ trang (xã, ấp có du kích, tự vệ, tỉnh có đại đội).

Đó là những cán bộ quân sự từ kháng chiến chống Pháp được bố trí ở lại, những cơ sở nòng cốt trong lực lượng chính trị và một bộ phận tích cực trong lực lượng giáo phái Cao Đài - Hòa Hảo - Bình Xuyên. Có thể nói đây là lực lượng quân sự đầu tiên hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vừa mới ra đời, các đơn vị vũ trang nói trên đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian, bảo vệ cán bộ và tác chiến tiêu diệt địch. Họ là lực lượng chủ yếu làm nên những thắng lợi quân sự ở Trại Be, Bến Củi, Minh Thạnh, Dầu Tiếng, Giồng Thị Đam, Gò Quản Cung, Tua Hai và cao trào Đồng Khởi năm 1960.

Khi Mỹ - ngụy thay đổi chiến lược, tiến hành “Chiến tranh đặc biệt”, cách mạng miền Nam chuyển sang thời kỳ chiến tranh cách mạng, hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang tập trung được đẩy mạnh hơn. Tháng 11-1961, Hội nghị Trung ương Cục quyết định “gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, khắc phục chênh lệch giữa ba thứ quân”.

Ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ, hệ thống dân quân du kích phát triển mạnh, các huyện nỗ lực củng cố và xây dựng bộ đội địa phương huyện, các tỉnh xây dựng tiểu đoàn tập trung, khu và miền xây dựng bộ đội chủ lực, đến cấp trung đoàn. Chất lượng lực lượng vũ trang phát triển một bước căn bản.

Lực lượng vũ trang ba thứ quân trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh làm phá sản các chiến thuật thiết xa vận, trực thăng vận, quốc sách “ấp chiến lược” của địch và làm nên các sự kiện quân sự vang dội như trận Phước Thành, sân bay Biên Hòa, chiến dịch Bình Giã…

Từ giữa năm 1965, Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ào ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Nam bộ trở thành “đầu cầu” tiếp nhận quân viễn chinh xâm lược. Tháng 8-1965, Hội nghị Trung ương Cục quyết định “nỗ lực xây dựng chủ lực ta thành những quả đấm thật mạnh và tinh nhuệ, đồng thời hết sức củng cố và phát triển lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương”.

Cũng từ năm 1965, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh hơn trước. Căn cứ miền và vùng giải phóng được mở rộng liên hoàn giữa các vùng, phát huy được tác dụng hậu phương tại chỗ, hành lang chiến lược hình thành. Sự chi viện của miền Bắc ngày một nhiều. Đây là giai đoạn phát triển quan trọng, đánh dấu sự hoàn chỉnh cả về tổ chức và trang bị của lực lượng vũ trang ba thứ quân, giai đoạn phát triển cao độ tiến công địch bằng hai chân, ba mũi, ba vùng, lần lượt góp phần đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của địch và thực hành tổng tiến công và nổi dậy trong xuân Mậu Thân 1968.

Sau Tết Mậu Thân, Mỹ - ngụy thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến hành đánh phá ác liệt phong trào cách mạng miền Nam. Chúng tập trung mọi nỗ lực để bình định nông thôn, tìm diệt lực lượng vũ trang và mở rộng chiến tranh sang Campuchia.

Lực lượng vũ trang Nam bộ phải tiến hành xây dựng trong điều kiện tác chiến liên tục: đánh trả sự phản công ào ạt của địch, mở rộng hoạt động sang chiến trường Campuchia, thực hành đòn tiến công chiến lược năm 1972. Đây là thời kỳ lực lượng vũ trang Nam bộ và cực Nam Trung bộ vừa chiến đấu vừa xây dựng với nhịp độ khẩn trương và gay go nhất.

Trên toàn chiến trường B2, đến cuối năm 1971, lực lượng chủ lực có 135.586 người, bộ đội địa phương còn 33.918 người và dân quân du kích còn 54.294 người. Chất lượng chiến đấu của các thứ quân được nâng lên một bước rõ rệt. Một số đơn vị bộ đội binh chủng kỹ thuật ra đời. Các lực lượng vũ trang đã kiên cường trụ bám và chiến đấu, khôi phục thế chiến tranh nhân dân trên các vùng chiến trường, tiến công có hiệu quả trong mùa hè năm 1972, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân Mỹ về nước.

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ được xây dựng một cách toàn diện. Nhờ có sự chi viện ồ ạt của hậu phương miền Bắc (quân số, vũ khí và phương tiện kỹ thuật, hàng quân y, quân nhu, xăng dầu…), lực lượng vũ trang phát triển nhảy vọt.

Bộ đội Miền hình thành 2 binh đoàn chủ lực. Lực lượng chủ lực của khu thành lập đến cấp sư đoàn. Bộ đội địa phương của tỉnh, huyện tăng gấp đôi quân số so với cuối năm 1972. Lực lượng dân quân du kích cũng phát triển lên một bước mới. Nhờ vậy, lực lượng vũ trang các thứ quân đã giành thế chủ động, tấn công giải phóng Lộc Ninh, Phước Long, giải phóng cục bộ từng vùng, chuẩn bị địa bàn về mọi mặt, tạo điều kiện và phối hợp cùng các binh đoàn chủ lực tiến công giải phóng các địa phương và thành phố Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, công tác xây dựng lực lượng vũ trang được đặt ra như một trong những vấn đề trung tâm của công cuộc kháng chiến. Đó là một quá trình từng bước hoàn thiện và phát triển theo đồ thị liên tục tăng trưởng và nhảy vọt.

Quá trình ấy chứa đựng những đặc điểm riêng nằm trong sự vận động tất yếu mang tính phổ quát của toàn bộ chiến trường miền Nam, chiến trường cả nước. Đó là, các lực lượng vũ trang ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ tiếp nối ra đời và phát triển trên cơ sở hai nguồn: từ phong trào chính trị tại chỗ và từ nguồn chi viện của các chiến trường bạn, của miền Bắc XHCN. Đó là sự phát triển từng bước, từ nhỏ đến mức cao nhất (từ đại đội lên tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, đến quân đoàn).

Sinh trưởng trong điều kiện cuộc chiến tranh diễn ra ngày một dồn dập, ác liệt, các lực lượng vũ trang đã phải vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa khắc phục những ấu trĩ, vấp váp vừa mạnh dạn thí điểm hoàn thiện cách đánh trong thực tiễn chiến đấu, lấy xây dựng, huấn luyện để phục vụ chiến đấu và lấy chiến đấu để xây dựng lực lượng, “càng đánh càng mạnh”.

Lịch sử xây dựng, chiến đấu và công tác của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.

Đó là, phải luôn quán triệt đường lối quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, thấu hiểu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể để từ đó vạch định chủ trương, đề ra nội dung, biện pháp xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang một cách đúng đắn, linh hoạt, sát hợp với thực tiễn.

Đó là, trong xây dựng lực lượng vũ trang, thường xuyên chú trọng xây dựng cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; có quy hoạch hợp lý trong mối tương quan chung giữa các lực lượng vũ trang sao cho phù hợp với đặc điểm từng vùng chiến trường, từng nhiệm vụ được giao ở mỗi thời kỳ lịch sử.

Đó là, để lực lượng vũ trang ngày càng phát triển và hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chiến đấu, công tác vừa xây dựng, chiến đấu và công tác; lấy chiến đấu và công tác để rèn luyện phát triển lực lượng và hướng việc xây dựng lực lượng vào mục đích nâng cao hiệu suất chiến đấu, công tác.

Đó là, luôn chủ động phát huy nội lực, tự lực tự cường, đồng thời hết sức tranh thủ sự chi viện của Trung ương, địa phương và các chiến trường bạn. Đó là, không ngừng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu những kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự trong thời kỳ chiến tranh để kế thừa và phát triển trong điều kiện lịch sử mới.

Một số bài học kinh nghiệm nêu trên không nằm ngoài bài học kinh nghiệm lớn của Đảng ta về xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang.

Đó là phải xuất phát từ việc quán triệt đường lối chính trị và đường lối quân sự của Đảng, huy động quần chúng tham gia lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang; xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị tư tưởng, về rèn luyện kỹ chiến thuật và quản lý chỉ huy, làm cho lực lượng vũ trang luôn luôn là lực lượng tin cậy của Đảng và có khả năng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó.

HỒ SƠN ĐÀI

Tin cùng chuyên mục