Hôm nay, 21-5, khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII

(SGGP).- Hôm nay, 21-5, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội và sẽ kéo dài đến hết ngày 21-6.

Đây là kỳ họp tập trung vào công tác xây dựng pháp luật. Dự kiến Quốc hội (QH) sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 7 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật. Trong số các dự án luật được thông qua tại kỳ này có nhiều luật sẽ có tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như Bộ luật Lao động sửa đổi; Luật Giá; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Giáo dục đại học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Biển Việt Nam…

Các phiên thảo luận, thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và Luật Xử lý vi phạm hành chính tại hội trường sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp, bên cạnh những nội dung khác theo thông lệ.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, liên quan đến cả 3 hoạt động quan trọng nhất của cơ quan quyền lực tối cao.

Trong hoạt động lập pháp, đó là những cải tiến, đổi mới trong việc lập chương trình xây dựng pháp luật; thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật trong thời gian giữa hai kỳ họp QH và tại kỳ họp QH.

Trong hoạt động giám sát, đó là việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn hàng năm; chất vấn và trả lời chất vấn; xây dựng chương trình hoạt động giám sát. Quy trình lập, thẩm tra, thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước cũng sẽ có nhiều cải tiến, sửa đổi quan trọng…

Ngay tại kỳ họp này, nhiều đổi mới trong công tác tổ chức kỳ họp đã được áp dụng bước đầu.

Kỳ họp thứ ba QH khóa XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Cùng với thiên tai, dịch bệnh và những hạn chế, yếu kém tích tụ từ nhiều năm của kinh tế trong nước, công tác điều hành tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường theo Nghị quyết của QH đang được đặt trước những thách thức to lớn.

Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế của QH, Chính phủ đã chủ động và kiên định thực hiện các chủ trương, giải pháp tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Từ sau kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, tích cực, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 5,89%; quý 1-2012 ước đạt 4%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 là 18,73%; 4 tháng đầu năm 2012 đã giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,05% so với tháng 3-2012 sau khi đã tăng rất thấp trong cả quý 1 (khoảng 2,55% so với cùng kỳ năm trước). Lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, trong đó giải ngân vốn FDI, ODA đạt khá. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn vẫn có chuyển biến và duy trì tăng trưởng. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết, tai nạn giao thông giảm, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định; công tác đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tích cực. Cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm đang được triển khai tích cực...  

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục