Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phân định rõ trách nhiệm từng cán bộ cơ sở

Ngày 14-1, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo, dẫn đầu làm việc với TPHCM. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng các đồng chí lãnh đạo TP tiếp và làm việc với đoàn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phân định rõ trách nhiệm từng cán bộ cơ sở

(SGGP). – Ngày 14-1, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo, dẫn đầu làm việc với TPHCM. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng các đồng chí lãnh đạo TP tiếp và làm việc với đoàn.

Từ khi có Nghị quyết (NQ) TƯ 4 khóa X “Về đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội” và NQ TƯ 5 khóa IX “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở phường - xã, thị trấn”, TPHCM có nhiều cách làm năng động trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Ngoài thực hiện các chính sách của TƯ, Thành ủy TPHCM đã ban hành nhiều chính sách đối với cán bộ. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, việc tinh giản biên chế ở TPHCM vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, thậm chí còn “phình ra”; chính sách cán bộ ở cơ sở còn bất cập, khó thu hút người tài; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức tuy được nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của TP…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kiến nghị với đoàn, TP đề xuất thêm cơ chế, chính sách cho bộ máy cơ sở. Cụ thể, cho phép TP tách một số phường xã có dân số từ 60.000 người trở lên để phù hợp với công tác quản lý nhà nước ở địa phương; TP được chủ động tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND đối với phường, thị trấn có trên 35.000 dân và xã có trên 25.000 dân; bố trí thêm 1 ủy viên hành chính hoặc 1 ủy viên văn phòng để giải quyết hồ sơ hành chính cho dân. Tăng số lượng cán bộ, công chức để thay thế những người hoạt động không chuyên trách theo yêu cầu quản lý đô thị lớn như TPHCM, nhằm thu hút cán bộ trẻ có trình độ về công tác ở cơ sở, đồng thời tăng thêm số lượng cán bộ chuyên trách MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Giải trình cho những thắc mắc của đoàn khảo sát TƯ về các kiến nghị sẽ dẫn đến “phình to” thêm biên chế của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết: “Trong 4 năm, TP đã tăng hơn 1 triệu dân, đến nay TP đã có tổng số dân lưu trú hơn 10 triệu người, kèm theo đó là rất nhiều các vấn đề liên quan. Việc tăng thêm biên chế là để quản lý đô thị đặc biệt như TP hiệu quả hơn, bởi nếu quản lý không chặt thì tình hình TP sẽ diễn biến rất phức tạp”.

Giải thích thêm đề xuất của TP, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng việc thực hiện NQ TƯ 5 ở cơ sở đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp, đặc biệt với một đô thị đặc biệt như TPHCM. Nếu không có cơ chế mới thì UBND TPHCM cũng không ngoại lệ, vẫn phải tiếp tục kiến nghị tăng biên chế đi liền với cơ chế, chính sách. “Cho phép TP thực hiện sắp xếp bộ máy, nhân sự phường xã, thị trấn phù hợp với điều kiện thực tế của TP và hướng tới thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chỉ có như vậy mới giải quyết được căn bản những bất cập hiện nay” - đồng chí Lê Thanh Hải đề xuất.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ: “Tôi thấy rất thương đội ngũ bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND phường xã, thị trấn, lúc nào cũng nơm nớp lo lắng, việc gì cũng phải lao vào mà làm, không biết lúc nào thì dừng lại, nhất là ở những địa bàn đang đô thị hóa mạnh”. Đồng chí cũng bày tỏ lo lắng nhiều về chức năng nhiệm vụ của bộ máy cơ sở. 10 năm triển khai thực hiện NQ TƯ 5 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường thị trấn, làm thay đổi khá nhiều ở cấp chính quyền này. Cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, trình độ cán bộ xã phường nâng cao.

Tuy nhiên, số lượng cán bộ xã, phường, thị trấn tăng quá cao, dù khắp nơi vẫn kêu thiếu. Với bộ máy chính quyền quá cồng kềnh như hiện nay, không thể nào thực hiện được cải cách tiền lương. Nếu tổ chức bộ máy không ổn định, quy mô cán bộ không phù hợp, tiền lương không tăng được. “Cái gốc của vấn đề là chưa phân định trách nhiệm rõ ràng cho chính quyền cơ sở. Nhất định phải làm rõ trách nhiệm này. Có như vậy, mới giảm được số lượng cán bộ, ổn định được công việc, tăng được quỹ tiền lương, đồng thời phân định được trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cùng ngày, Chủ tịch nước cũng đi khảo sát tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Sau 10 năm, dân số phường có trên 55.000 người, tăng 250%, trong đó số người tạm trú chiếm 43%. Việc tăng dân số nhanh đang là áp lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường…Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, các phường, xã cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ của mình, từ đó sẽ xác định khối lượng công việc cũng như số lượng biên chế. Chủ tịch nước khuyến khích chế độ làm việc kiêm nhiệm và đây là cơ sở để xây dựng đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức. 

H.HIỆP – H.VIỆT

Tin cùng chuyên mục