Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Làm rõ nội hàm giáo dục quốc phòng, an ninh

Sáng 14-1, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

(SGGP). – Sáng 14-1, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh. Nhiều ý kiến trong UBTVQH yêu cầu làm rõ tên gọi và nội hàm của dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; quy định rõ thành phần của Hội đồng giáo dục quốc phòng an ninh ở các cấp. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý thêm, việc hướng dẫn thi hành luật này phải hết sức chi tiết, cả về nội dung và phương pháp giáo dục để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các đối tượng khác nhau. Cũng trong buổi sáng, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về 2 nghị định của Chính phủ: Nghị định về hoạt động mỹ thuật và Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam.

Nghị định về hoạt động mỹ thuật quy định về thi sáng tác và triển lãm mỹ thuật; cửa hàng mỹ thuật, sao chép, đấu giá, giám định tác phẩm mỹ thuật; tượng đài, tranh hoành tráng; trại sáng tác điêu khắc; được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động mỹ thuật. Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, mặc dù tên chương III dự thảo nghị định có phần sao chép tác phẩm mỹ thuật, tuy nhiên, cả chương này chỉ có một điều (Điều 18) quy định về điều kiện sao chép tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ. Trong khi đó, hiện tượng sao chép tác phẩm mỹ thuật đang có những diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm quản lý chặt chẽ. Ban soạn thảo cần bổ sung nội dung này vào dự thảo nghị định.

Về dự thảo Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thẳng thắn đặt câu hỏi: “Nghị định này ra đời có hạn chế việc “đẻ” thêm các ngày kỷ niệm, hạn chế tối đa chi phí tổ chức những ngày kỷ niệm này, gây lãng phí nguồn lực xã hội hay không?”. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, với trình tự thủ tục được quy định rất chặt chẽ, sẽ khó có việc gia tăng số ngày kỷ niệm, từ đó sẽ hạn chế được việc chi tiêu lãng phí.

Song song với nghị định này còn có nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức các ngày truyền thống, ngày kỷ niệm – hiện đang trình Chính phủ xem xét. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhắc nhở: “Vấn đề cốt lõi là không phải là nhiều ngày truyền thống mà là tổ chức kỷ niệm ngày đó như thế nào, không phải năm nào cũng tổ chức rình rang. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu quy định cấp có thẩm quyền quy định ngày truyền thống cho phù hợp với pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi”.

A.THƯ

>> Cả nước hiện có hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm 
 

Tin cùng chuyên mục