Phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Vẫn chưa ổn cách tính bảng giá đất

(SGGPO).- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được  Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều 15-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 14 của UBTVQH. Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, so với bản đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này có 206 điều, trong đó bỏ 7 điều, sửa đổi 38 điều, bổ sung mới 23 điều. Nhiều vấn đề được quy định cụ thể hơn, như về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Dự thảo lần này cũng đã quy định rõ các trường hợp thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội; cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định rõ hơn về định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất và các trường hợp áp dụng giá đất.
Vẫn chưa ổn cách tính bảng giá đất

(SGGPO).- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được  Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều 15-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 14 của UBTVQH. Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, so với bản đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này có 206 điều, trong đó bỏ 7 điều, sửa đổi 38 điều, bổ sung mới 23 điều. Nhiều vấn đề được quy định cụ thể hơn, như về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Dự thảo lần này cũng đã quy định rõ các trường hợp thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội; cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định rõ hơn về định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất và các trường hợp áp dụng giá đất.

Nhà diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân còn thiếu. Trong ảnh: Một dự án nhà ở xã hội tại quận 2. Ảnh: Huy Anh
Nhà diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân còn thiếu. Trong ảnh: Một dự án nhà ở xã hội tại quận 2. Ảnh: Huy Anh

Nhiều ý kiến về công chứng, chứng thực các giao dịch đất đai

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của cơ quan thẩm tra, một vấn đề còn ý kiến khác nhau là việc công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Dự thảo Luật không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, song cũng có ý kiến đề nghị quy định các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng, chứng thực (các trường hợp khác tùy theo nhu cầu).
 
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng nghĩa đã xác lập đầy đủ tính pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, có thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất hay không nên để cho các bên lựa chọn để tạo thuận lợi cho người dân.

Tham gia ý kiến về công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, trong điều kiện hiểu biết pháp luật của người dân nói chung còn hạn chế, một số loại hợp đồng, giao dịch có tính chất chuyển dịch tài sản quan trọng, nguy cơ rủi ro cao, cần phải bắt buộc công chứng, chứng thực để các công chứng viên giúp kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; đảm bảo an toàn pháp lý cho dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành quan điểm này.
 
Giá đất vẫn vướng mắc!

Về bảng giá đất, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện vẫn còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và được công bố vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Các trường hợp còn lại như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện.

Góp ý về nội dung này, ông Phan Trung Lý bày tỏ quan điểm: “Tôi chưa hài lòng với cả hai phương án. Phương án 1 thì vai trò điều chỉnh thị trường của nhà nước rất yếu, vả lại, việc “chạy theo” điều chỉnh giá như thế là không khả thi. Còn phương án  5 năm mới điều chỉnh bảng giá một lần lại là quá dài, cần cân nhắc. Nên chăng quy định bảng giá sử dụng trong 5 năm, nhưng được xem xét lại hàng năm”…
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận nhiều điểm chỉnh lý, bổ sung tại dự thảo mới, nhưng vẫn cho rằng dự thảo Luật cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng chi tiết hơn nữa, giảm thiểu văn bản hướng dẫn để Luật sớm đi vào cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, sau khi dự thảo được công bố rộng rãi lấy ý kiến nhân dân; trên cơ sở những ý kiến đóng góp đó, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tập trung chỉnh lý một lần nữa, trình lại UBTVQH cho ý kiến lần cuối trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. “Tôi đọc nhiều điều trong này chưa biết thực hiện cách gì, nhất là chuyện giá đất, mà cứ làm thì có thể người dân không chịu đâu”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở.
 

 Theo dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung xin ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng Báo Nhân dân, các trang thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu góp ý kiến.

Ở Trung ương, cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến theo khu vực, từng vùng thông qua các hội nghị lấy ý kiến. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến về dự án Luật. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến về dự án Luật gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân gửi về Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án Luật.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013.

ANH THƯ



Quỹ phòng chống thiên tai phải chi đúng mục đích

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống thiên tai và dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật (không điều chỉnh vấn đề tái thiết sau thiên tai). Tuy nhiên, trong khi Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất cao với Ban soạn thảo về tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai thì nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng tên gọi “Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai” mới thể hiện đúng quan điểm, phương châm ứng xử đúng đắn đối với thiên tai.

Về nguồn tài chính cho công tác này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, nhiều quy định trong dự thảo Luật “vừa thiếu, vừa thừa, vừa có độ vênh so với pháp luật về tài chính”. Tán thành ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định, nguồn hình thành quỹ như quy định trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng. Theo ông, nghĩa vụ tài chính bắt buộc thực chất có thể coi là một loại thuế hoặc phí. Mà nếu vậy thì giao cho Chính phủ quy định là không đúng.

Chia sẻ ý kiến của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị nêu rõ trong Luật quy định việc thành lập; đối tượng đóng góp, mức đóng góp; đối tượng được miễn, giảm đóng góp; việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ Phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, Luật cần có quy định về điều phối nguồn lực đóng góp tự nguyện từ xã hội cho hoạt động này để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả.

Về các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lực lượng tại chỗ mới là lực lượng phòng chống thiên tai hiệu quả nhất và phải được coi là lực lượng chủ chốt. Lực lượng vũ trang có vai trò quan trọng, nhưng nên coi là một trong những lực lượng nòng cốt, có vai trò hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp, khi xảy ra thiên tai nghiêm trọng trên diện rộng. “Quy định lực lượng vũ trang là lực lượng chủ chốt có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại vào lực lượng này, không quyết liệt thực hiện “4 tại chỗ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn giải thích.

Một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị luật hóa vai trò của lực lượng Chữ Thập Đỏ; trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm: “có một việc vẫn đang làm tích cực lâu nay cần phải luật hóa. Đó là rà soát, di dời dân cư ra khỏi những vùng có nguy cơ cao. Hết sức tránh việc xảy ra thiên tai rồi mới đi thăm viếng, hỗ trợ”. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh yêu cầu lập quy hoạch dân cư cho những vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai.

ANH PHƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục