Tiếp tục khẳng định việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp

Sáng 22-10, Quốc hội đã nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trình bày báo cáo về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

(SGGPO).- Sáng 22-10, Quốc hội đã nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trình bày báo cáo về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Ông Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về chế độ chính trị như trong dự thảo. Về bản chất Nhà nước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, tiếp tục quy định: "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4), tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của dự thảo. Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Về các thành phần kinh tế (khoản 1, Điều 51), Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Về thu hồi đất, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3, Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Về quyết định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (khoản 8, Điều 70), Ủy ban DTSĐHP tán thành với ý kiến này và thấy rằng, việc không quy định lấy phiếu tín nhiệm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng không ảnh hưởng đến thẩm quyền Quốc hội quyết định lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Liên quan đến nội dung về trưng cầu ý dân (khoản 15, Điều 70), ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ nội dung và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp.

“Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, trưng cầu ý dân là một nội dung quan trọng, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Do vậy, quy định về trưng cầu ý dân cần phải được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, việc quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của mỗi giai đoạn phát triển đất nước. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp, không cần thiết quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp mà để luật quy định”, ông Phan Trung Lý giải thích.

Về Chính phủ, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội là phù hợp với nguyên tắc “quyền lực Nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Về nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và mối quan hệ giữa Chính phủ và các thành viên Chính phủ (các điều 95, 96, 98, 99), Ủy ban DTSĐHP đã rà soát, sắp xếp lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác trong Chương này để làm rõ hơn trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ trước Thủ tướng. Cụ thể, đã bổ sung vào Dự thảo quy định Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ (Điều 95); Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Thủ tướng Chính phủ (Điều 99)…

Theo chương trình nghị sự kỳ họp, sáng mai, 23-10, các vị đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

 ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục