Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ

Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ

Gần đến kỷ niệm 68 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2013), nhà riêng Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc nào cũng tấp nập khách tới thăm vì ông là nhân chứng sống chứng kiến những ngày Nam bộ kháng chiến hào hùng. Tuy bận rộn nhưng vị tướng già với 89 tuổi đời, 65 tuổi Đảng vẫn dành thời gian kể chúng tôi nghe câu chuyện không thể nào quên…

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945).

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945).

Năm 1945, tôi mới 21 tuổi, đang phụ trách Đội Thanh niên Tiền phong ở tỉnh Tây Ninh. Sau ngày 23-9-1945, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa thì Đội Thanh niên Tiền phong đổi tên thành Đội Phòng thủ để bảo vệ Tổ quốc, tôi được phân công trực tiếp chỉ huy đội phòng thủ với 200 dân quân du kích tham gia chặn đánh địch ở khắp các ngả đường. Lúc đó, quân ta còn thiếu thốn vũ khí, chủ yếu dùng cung tên, cà ná thô sơ và chai xăng, lựu đạn để chống giặc, riêng tôi là chỉ huy được trang bị một khẩu súng ngắn. Thế nhưng, ai nấy đều giàu lòng yêu nước và ra trận với khí thế bất diệt “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” như lời Bác Hồ dặn.

Tôi chiến đấu ở Tây Ninh nhưng khá rành về tình hình chiến sự ở Sài Gòn vì thông tin liên lạc như thoi đưa. Sáng 23-9-1945, ngay sau khi Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra lệnh bãi công, bãi thị, không hợp tác với giặc thì người dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên kháng chiến. Người người, nhà nhà mang đồ đạc, cây cối chất ra đường làm chướng ngại vật để ngăn chặn quân giặc. Với phương châm đánh địch “trong đánh, ngoài vây”, ngay trận đầu tiên ta đã tiêu diệt 200 tên địch và bao vây chúng nhiều ngày trong thành phố. Khi chúng tiến ra các tỉnh, quân ta bố trí lực lượng tại khắp các ngả đường để tiêu diệt chúng. Cánh quân do tôi chỉ huy đã nã đạn tiêu diệt nhiều tên địch và bắn cháy một xe Jeep của chúng. Đi đến đâu, kẻ địch cũng gặp phải sự kháng cự dữ dội của quân ta. Tuy nhiên, do lực lượng của địch quá đông và được trang bị vũ khí hiện đại nên chúng lấn ra các tỉnh Nam bộ khiến quân ta phải chuyển sang lối đánh du kích, mở đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm đầy gian khổ mà vô cùng anh dũng.

Như vậy là sau 3 tuần giành độc lập, người dân Nam bộ lại bước vào cuộc chiến đấu mới đầy gian khổ. Cả nước hướng về Nam bộ, những đoàn quân “Nam tiến” từ ngoài Bắc lên đường vào Nam chi viện cho tiền tuyến. Các tướng lĩnh nổi tiếng như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn… được cấp tốc cử vào Nam. Bác Hồ ra lời kêu gọi ủng hộ nhân dân Nam bộ kháng chiến và tặng quân dân Nam bộ danh hiệu vinh quang “Thành đồng Tổ quốc”.

Với tinh thần yêu nước và ý chí chống ngoại xâm, thế hệ chúng tôi đều thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhiều người đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để đất nước có ngày độc lập tự do thật sự như hôm nay. Sau này, Bác Hồ còn có lời kêu gọi dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì ta cũng phải giành cho được độc lập tự do của dân tộc. Hôm nay, ôn lại thời khắc lịch sử của 68 năm về trước, tôi thấy bài học về gìn giữ nền độc lập vẫn còn nguyên giá trị.

MINH NGỌC (ghi)

Tin cùng chuyên mục