Khắc chế tham nhũng từ chủ trương đầu tư

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc cuối chiều qua 23-9. Trong ngày làm việc cuối cùng UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về 2 dự thảo luật: Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư công.

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc cuối chiều qua 23-9. Trong ngày làm việc cuối cùng UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về 2 dự thảo luật: Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư công.

        Quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo luật đã đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng. Đơn cử, dự thảo quy định việc quản lý dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng theo nguyên tắc dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức khác nhau. Dự thảo cũng đã phân định chức năng quản lý nhà nước đối với dự án và nhiệm vụ quản lý dự án của chủ đầu tư; bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực. Dự thảo đã chú trọng việc kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng.

Các quy định mới bao gồm: quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trong việc ban hành, hướng dẫn thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn; thẩm định thiết kế xây dựng; những yêu cầu đối với các công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng; điều kiện năng lực hoạt động đối với tổ chức, cá nhân tham gia...

Cho ý kiến về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hoạt động đầu tư xây dựng thời gian qua, đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn NSNN vừa qua còn nhiều lãng phí, thất thoát. Một vấn đề lớn phải giải quyết được từ gốc rễ chính là khâu quy hoạch. Luật phải giải quyết được tình trạng quy hoạch chồng chéo, thay đổi quy hoạch liên tục một cách tùy tiện. Những quy định trong dự thảo luật về giá đấu thầu công trình xây dựng là chưa chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng nhà thầu cố tình không chịu thi công, ngồi đợi điều chỉnh giá. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự thảo luật cần “nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, từ khâu quy hoạch, thiết kế, đấu thầu, thi công” bằng cách tạo ra kênh thông tin 2 chiều giữa cơ quan quản lý với người dân.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cụ thể hóa trong dự luật về các loại công trình được bảo hành, bảo trì; thời hạn và trách nhiệm của các bên: chủ sở hữu, nhà thầu, chủ đầu tư... Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người phê duyệt quy hoạch; cơ chế quản lý đầu tư xây dựng đối với từng loại dự án. Việc cấp phép xây dựng hiện nay “còn khá tùy tiện”, cần phải được luật hóa rõ ràng hơn. Không thể quản lý được đô thị nếu cứ cấp phép như hiện nay.

        Trách nhiệm người đứng đầu khi dự án kém hiệu quả

Về dự thảo Luật Đầu tư công, nhiều ý kiến tại phiên họp nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng của dự luật là hạn chế được thất thoát, tham nhũng ngay từ khâu quyết định chủ trương đầu tư. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, tham nhũng lớn nhất xuất phát từ chủ trương đầu tư và chia sẻ, khi đi thị sát thực tế, chính Thủ tướng từng bức xúc tại sao đường miền núi làm to đến 60 - 70m, ai quyết định. Hoặc việc đầu tư xây dựng dự án đường ven biển miền Trung, tiền bỏ ra lớn nhưng hiệu quả mang lại rất thấp do không có người sử dụng. Tương tự là hàng loạt dự án đầu tư xây dựng chợ dân sinh, trung tâm thương mại tại cửa khẩu… bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của nhà nước. “Có những công trình khổng lồ mấy chục ngàn tỷ đồng, quyết xong, đâm lao phải theo lao, gây ra lãng phí vô cùng lớn. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể quy trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trần tình.

Qua thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bổ sung: “Cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí”. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Vừa qua, việc điều chỉnh giá sau đấu thầu khá phổ biến, thậm chí sau điều chỉnh giá đội lên nhiều lần. Luật tới đây phải khắc phục tình trạng này, nếu không thì không sao chống tham nhũng trong đầu tư công được”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải trình thêm: “Luật đang theo hướng tổ chức đấu thầu trọn gói, trong đó đã có cả dự phòng rủi ro. Chỉ trong trường hợp kinh tế vĩ mô bất ổn, trượt giá quá lớn, chính sách thay đổi thì mới đưa vào dự toán và chuyển đấu thầu sang hình thức khác, không trọn gói”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục