Giá thuốc và thiết bị y tế có thể rẻ hơn

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6-11 về việc Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ vừa ra trát lệnh yêu cầu công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ) trình báo vụ đã đưa hối lộ gần 7,5 triệu USD cho các quan chức ở Việt Nam, Nga và Thái Lan từ năm 2005 đến năm 2010, các đại biểu Quốc hội đã cho biết:

(SGGPO).- Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6-11 về việc Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ vừa ra trát lệnh yêu cầu công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ) trình báo vụ đã đưa hối lộ gần 7,5 triệu USD cho các quan chức ở Việt Nam, Nga và Thái Lan từ năm 2005 đến năm 2010, các đại biểu Quốc hội đã cho biết:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên:

Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã xử phạt một công ty của Mỹ là Sasco Smith mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ và tập đoàn này đã chấp nhận chịu phạt. Với cáo buộc mới ở Việt Nam, chúng ta cần phải xác định Bio-Rad hoạt động trong lĩnh vực nào, thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm mà chỉ có 2,2 triệu USD có lẽ còn quá nhỏ. Trên thực tế nhiều năm nay, chuyện chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là một chuyện phổ biến. Các công ty nước ngoài trong lĩnh vực y tế nhiều năm qua cũng thực hiện việc tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo. Nhiều công ty có thể tài trợ cho mấy trăm người đi dự hội thảo, chi phí mỗi người vài ngàn USD, cộng lại đã thành một khoản lớn. Bình thường thì đây cũng là dịp tốt cho cán bộ y tế nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng ẩn bên trong đó, có chế độ, chính sách tài chính cho người cán bộ, bác sĩ được mời đó thì chúng ta khó biết được. Ở đây là vấn đề y đức, sự tự giác hay cách thức quản lý của cơ quan chủ quản cán bộ, bác sĩ đó.

Ngoài tài trợ cho cán bộ cho đi thăm (du lịch), trả tiền trực tiếp hoặc hoa hồng theo đơn thuốc, gói thiết bị…, còn có những cơ chế hối lộ rất tinh vi, không qua tài khoản, không qua ngân hàng. Tôi nghĩ là với những công bố, phát hiện của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy cũng sẽ giúp chúng ta thấy được mức giá thuốc, giá thiết bị y tế thực tế mà các công ty nước ngoài cung cấp cho ta như thế nào!

Việt Nam có cơ chế buộc kê khai tài sản rồi. Nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt ở Việt Nam dẫn đến việc rất khó kiểm soát. Ở Nhật, họ kiểm soát thu nhập bác sĩ rất chặt. Thu nhập của bác sĩ ở họ gấp 3 lần ở nhiều lĩnh vực khác nhưng vì kiểm soát chặt, bác sĩ chỉ có thu nhập chính thôi. Còn ở ta, lương bác sĩ nhiều bệnh viện lớn theo chế độ thế thôi, nhưng chúng ta cũng không kiểm soát được hết các nguồn thu nhập khác. Tôi nghĩ, chỉ sau này, khi chúng ta kiểm soát được tất cả các nguồn thu nhập qua tài khoản thì tình hình chống tham nhũng mới thuận lợi hơn.

ĐB Trần Văn Độ, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao: 

Về nguyên tắc, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo tội phạm thì cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh, xác minh thấy có dấu hiệu thì điều tra; phát hiện có tội thì truy tố trách nhiệm hình sự. Hiện Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc; như vậy tôi cho là đã thể hiện tinh thần trách nhiệm. Với đề nghị hợp lý đó, bây giờ vụ việc thuộc trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan điều tra; họ sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. 

Cá nhân tôi với tư cách là một người dân, tôi thấy giá thuốc đúng là vẫn cao quá, mà người bệnh thì không có quyền mặc cả và phần lớn là người khó khăn; vì điều kiện sống càng kém thì bệnh tật càng nhiều. Làm sáng tỏ vụ việc này không chỉ là chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy; mà còn hạn chế được chi phí trung gian, giúp cho thuốc và thiết bị y tế có thể đến được người dân với giá rẻ hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền:

Tôi không bất ngờ về thông tin này vì cơ chế quản lý của chúng ta quá lỏng lẻo, nhất là thiếu thiết chế kiểm soát quá trình thực hiện các đề án, mua bán tài sản công. Hiện chúng ta đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Interpol để điều tra, xử lý tội phạm quốc tế nên nếu quả thực có sự việc như vậy xảy ra thì chắc chắn sẽ tìm ra. Những người nhận hối lộ - nếu có - phải chịu trách nhiệm hình sự, đứng trước vành móng ngựa. Về phía Bộ Y tế cũng có trách nhiệm quản lý cán bộ, có thể liên quan đến nhiều thế hệ lãnh đạo. Kể cả trường hợp về hưu thì cũng không thể coi là đã “hạ cánh an toàn” mà vẫn phải xử lý nghiêm minh. Không có vùng cấm nào cho việc xử lý đối với hành vi tham nhũng cả.

ANH PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục