Bài 2: Khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế

Bài 2: Khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế

Nhân sự đại hội Đảng các cấp - Từ chủ trương đến thực tế

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 36, các cấp ủy Đảng khi xây dựng đề án nhân sự cho đại hội ở cấp mình đều chú trọng đến những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể bảo đảm là nhân tố mới, có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học, cán bộ dân tộc thiểu số.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chúc mừng các cán bộ nữ tham gia lớp đào tạo bổ sung, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cán bộ nguồn quy hoạch Thành ủy khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lượng đủ, chuẩn thiếu

Kết quả khảo sát từ thực tế của đoàn công tác Thành ủy TPHCM cho thấy nhiều cấp bộ Đảng khi xây dựng công tác nhân sự chưa nắm vững và quán triệt sâu sắc tính kế thừa, có cũ, có mới theo tiêu chuẩn có ít nhất 1/3 trong tổng số cấp ủy viên lần đầu tiên tham gia ban chấp hành. Ở yêu cầu bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy nhiệm kỳ mới, nhiều nơi phải gượng ép, hoặc hạ tiêu chuẩn mới quy hoạch, giới thiệu cho đủ với số lượng quy định. Tỷ lệ là trẻ, nữ đưa vào cấp ủy mới bảo đảm yêu cầu cao hơn nhiệm kỳ cũ cũng có nhiều nơi không đạt, hoặc có đạt về số lượng nhưng tiêu chuẩn thì “không thiếu cái này thì hụt cái kia”. Trong đó, phổ biến là “nợ” bằng cấp về chính trị, ngoại ngữ, tin học… Thế nhưng, như nhận xét của Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Minh Tấn, trong nhiều trường hợp dù đã đủ tiêu chuẩn theo quy định nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn và thiếu phương pháp, cách tiếp cận, giải quyết công việc phát sinh hàng ngày trong lĩnh vực mình phụ trách. Đồng chí Lê Minh Tấn cho rằng: “Chủ trương luân chuyển cán bộ từ các sở ngành TP về quận huyện và từ quận huyện về cơ sở là đúng và phù hợp với yêu cầu của công tác quy hoạch. Song do chậm chuyển bộ với thực tế nên một số cán bộ nắm bắt công việc rất chậm, nhất là việc triển khai các chủ trương, chính sách vào đời sống xã hội và kiểm tra, giám sát xem kết quả thực hiện tới đâu. Không khắc phục được điểm yếu này, khi được bố trí vào vị trí công tác mới, nhiều cán bộ sẽ không theo kịp”.

Cũng từ thực tế kiểm tra ở một số cấp bộ Đảng cho thấy, có đến 13 quận huyện chưa đạt tỷ lệ 15% cán bộ trẻ ứng cử, 5 quận huyện chưa đảm bảo yêu cầu không dưới 30% là nữ. Vấn đề này được Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Trần Văn Ước nhận định, khả năng trúng cử theo yêu cầu sẽ rất thấp. Hay về các chức danh nằm trong 8 chức danh quy định hiện cũng còn là người địa phương. Trong đó có 2 bí thư huyện, 2 chủ tịch UBND huyện, 3 viện trưởng viện kiểm sát, 4 chánh án TAND quận huyện, 9 chánh thanh tra, 10 trưởng phòng tài chính - kế hoạch, 7 chi cục trưởng chi cục thuế… Thời điểm đi kiểm tra cuối năm 2014, có 21 quận huyện đảm bảo việc đổi mới không dưới 1/3 ủy viên ban chấp hành so với nhiệm kỳ 2010-2015. Riêng quận Thủ Đức dự kiến bước đầu đổi mới 23,26%, huyện Củ Chi 29,79%, huyện Nhà Bè 25,64% và các địa phương này phải tiếp tục hoàn thành việc đổi mới không dưới 1/3 ủy viên ban chấp hành cho đến thời hạn cuối.

Cơ cấu “treo”

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 16, quận Gò Vấp Ngô Văn Minh cho biết, đối với nhân sự cấp cơ sở ở phường xã hiện nay khó khăn nhất là bảo đảm tiêu chuẩn có ít nhất 15% ở độ tuổi dưới 30. Về số lượng cấp ủy được duyệt đối với phường 16 là 15, giới thiệu phải 18, trong đó phải có 2 dưới 30 tuổi. Chọn tìm mãi cũng chỉ được 1, còn trường hợp kia nằm trong độ tuổi hiện đang là Bí thư Đoàn phường nhưng đến cuối tháng 8-2015 mới chuyển Đảng chính thức. Để phù hợp với thực tế này, Đảng ủy đưa ra hình thức cơ cấu “treo”, có nghĩa là số lượng cấp ủy chỉ 14, giới thiệu 17. Thiếu 1 để khi nào có đủ điều kiện sẽ xin bổ sung sau.

Tại cấp quận huyện nhiều nơi như quận 1, 5, 7, 8, 9, 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Cần Giờ đến tháng 9-2014, chưa đạt các chỉ tiêu cán bộ trẻ hoặc cán bộ nữ. Cán bộ nữ dưới 30% như quận 12, Thủ Đức cũng chưa bảo đảm. Về độ tuổi dưới 40 cơ cấu ban thường vụ cấp ủy, các quận 4, 6, 9 và huyện Nhà Bè vẫn còn thiếu. Có nơi như quận Bình Tân, thời điểm nói trên cơ cấu cán bộ nữ chỉ đạt dưới 20%. Để khắc phục sự thiếu hụt về tỷ lệ cơ cấu này, nhiều quận, huyện có cách làm riêng, phù hợp với thực tế của từng nơi. Trong đó, cách làm phổ biến nhất là luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, đơn vị trong đảng bộ với nhau. Nơi thiếu nữ, thiếu trẻ thì điều chuyển từ nơi thừa qua; hoặc độ tuổi ở những cấp ủy quy hoạch chưa đồng đều thì bổ sung từ dưới lên, từ trên xuống, từ đơn vị này qua đơn vị khác…

Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Văn Hiếu cho biết, vấn đề tiêu chuẩn cấp ủy viên từng cấp khi xây dựng đơn vị nào cũng bị vướng. Biết trước điều này, từ những năm cuối nhiệm kỳ, quận đã mạnh dạn thử việc những cán bộ trong quy hoạch ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Một thời gian sau, số cán bộ này đều bộc lộ thế mạnh của mình về công tác Đảng, chính quyền, MTTQ hay các đoàn thể để cấp ủy xem xét luân chuyển cho phù hợp. Từng cấp ủy sẽ cân nhắc, tính toán và lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bổ sung những tiêu chuẩn thiếu hụt để đến khi chuẩn bị nhân sự là có đủ ngay.

HOÀI NAM - HỒNG HIỆP

>> Bài 1: Bảo đảm nguồn nhân lực cấp ủy các cấp

Tin cùng chuyên mục