Hãy hành động có trách nhiệm vì vận mệnh đất nước

Từ sự kiện ở một số tỉnh miền Trung có nhiều sinh vật biển bị chết khiến dư luận quan tâm, lo lắng môi trường biển bị xâm hại, các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch đã lợi dụng cơ hội này để gây hoang mang, ly gián, kích động những người nhẹ dạ cả tin, tạo hiệu ứng tâm lý bất bình trên mạng xã hội và hô hào xúi giục người dân tuần hành phản đối, nhằm gây rối trật tự an ninh. Nhiều bạn đọc đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến, nhắc nhở mọi người đừng để bị kẻ xấu lừa mị, giật dây; và nên hành động vì môi trường, vì biển đảo một cách thực sự có ý nghĩa.
Hãy hành động có trách nhiệm vì vận mệnh đất nước

LTS: Từ sự kiện ở một số tỉnh miền Trung có nhiều sinh vật biển bị chết khiến dư luận quan tâm, lo lắng môi trường biển bị xâm hại, các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch đã lợi dụng cơ hội này để gây hoang mang, ly gián, kích động những người nhẹ dạ cả tin, tạo hiệu ứng tâm lý bất bình trên mạng xã hội và hô hào xúi giục người dân tuần hành phản đối, nhằm gây rối trật tự an ninh. Nhiều bạn đọc đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến, nhắc nhở mọi người đừng để bị kẻ xấu lừa mị, giật dây; và nên hành động vì môi trường, vì biển đảo một cách thực sự có ý nghĩa.


Công an TPHCM cho biết, trong các ngày chủ nhật 1-5 và 8-5 vừa qua, lợi dụng tình hình bức xúc của dư luận trước sự cố môi trường làm cá biển chết hàng loạt ở miền Trung và các cơ quan chức năng chậm công bố nguyên nhân, biện pháp xử lý, các tổ chức phản động đã kêu gọi, kích động, lôi kéo một số người tham gia tuần hành tại khu vực trung tâm thành phố. Cuộc tuần hành được các tổ chức trên chuẩn bị khá kỹ lưỡng, bài bản; có trang bị các loại dù, nón với khẩu hiệu chống đối và các vật cứng, nhọn để sẵn sàng khiêu khích và xô xát với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự; có chuẩn bị quay phim, chụp ảnh để phát tán lên mạng.

Với các tang vật thu giữ được, có thể thấy rõ mục tiêu của các tổ chức phản động là kích động dư luận tổ chức tuần hành để chống đối, phá hoại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trong ảnh: Một trong những chiếc dù được cơ quan chức năng thu giữ trong cuộc tuần hành ngày 8-5 vừa qua. Trên chiếc dù, ngoài khẩu hiệu “Bảo vệ môi trường”, “Sức khỏe nòi giống Việt”… còn có những lời kêu gọi sai trái như “Xóa độc quyền lãnh đạo”, “Tư hữu đất đai”…

P.V.

Đừng để bị kẻ xấu kích động

Việc người dân quan tâm lo lắng về vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung là chính đáng, vì không ai có thể thờ ơ trước những nguy cơ đối với môi trường và tài nguyên biển, đời sống ngư dân, an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, sáng chủ nhật 8-5 vừa rồi, khi ra khu trung tâm TPHCM, tôi tình cờ chứng kiến vụ tụ tập đông người, hô khẩu hiệu và cầm băng rôn phản đối một cách quá khích. Từ nỗi lo và yêu cầu làm rõ nguyên nhân nước biển ô nhiễm, một số người còn săm soi, xỉa xói… các vụ việc khác, cá nhân khác.

Theo tôi, yêu nước có nhiều cách thể hiện, bức xúc có nhiều cách bày tỏ, những người sáng suốt và thật tâm yêu nước sẽ không hành động bốc đồng, quá khích, không để bị kích động bởi những kẻ giả danh vì môi trường để gây rối. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành chức năng, địa phương liên quan đang tập trung xem xét, xử lý các nguy cơ môi trường biển bị xâm hại, mời cả các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài tham gia để có kết luận và xử lý trên cơ sở khoa học, khách quan, chính xác. Không hề có chuyện bỏ qua hay cho “chìm xuồng” vì động cơ gì như lời vu cáo của những kẻ xấu đang lợi dụng chuyện môi trường biển ô nhiễm để “đục nước béo cò”.

Đây là vấn đề mà người dân cả nước đang quan tâm, do vậy, các vị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan và các nhà khoa học nên nhanh nhạy và thường xuyên đăng đàn cung cấp thông tin kịp thời cho dân, để người dân nhận rõ thực chất, không phải nóng lòng và bị lung lạc, mắc mưu kẻ xấu. Khi xác định có kẻ “ném đá giấu tay” âm mưu kích động biểu tình, bạo loạn, nên truy ra để người dân nhận rõ bộ mặt, hành vi, thủ đoạn của kẻ xấu.

NGUYỄN ĐỨC THẮNG
(CCB Sư đoàn 316, ngụ phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Ý thức giữ gìn an ninh trật tự xã hội

Tôi thực sự xốn xang khi hay đã xảy ra các vụ tuần hành phản đối với danh nghĩa bảo vệ môi trường biển. Sao lại phải căng thẳng đến vậy khi vụ cá chết hàng loạt và nghi án xả thải gây ô nhiễm môi trường biển đang được xem xét. Nếu như xả thải gây ô nhiễm biển trầm trọng như vậy thì theo luật, doanh nghiệp sẽ phải khắc phục hậu quả, đền bù thích đáng cho dân, chấm dứt xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, phải cam đoan không tái phạm - như đã xử lý vụ xả thải gây ô nhiễm nước sông Thị Vải năm 2008. Không nên vội suy đoán thiếu căn cứ rồi nghe theo những kẻ kích động mà biểu tình, dẫn đến bất ổn an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Trải qua rất nhiều năm tháng chiến tranh, chúng ta mới có được một đất nước hòa bình, thống nhất. Sự quá khích gây rối không phải là hành động có trách nhiệm vì vận mệnh đất nước. Nếu như có điều gì, vấn đề gì thấy chủ trương, giải pháp, hành xử của chính quyền không ổn, không thuận lòng dân, thì người dân có thể thẳng thắn góp ý kiến, kiến nghị, thậm chí gửi đơn khiếu nại, tố cáo. Chứ biểu tình sẽ vô tình tạo cơ hội cho các tổ chức chống phá nhà nước, chống phá đất nước mình ra tay gây rối ren, bạo loạn, thì được lợi ích gì? Rất mong các bộ, ngành, địa phương liên quan, các nhà khoa học và những người chân thành yêu đất nước hãy cùng chung tay khắc phục căn cơ hiểm họa về môi trường biển, giải quyết tốt việc an sinh, giữ gìn cuộc sống bình yên. Đó chính là hành động có trách nhiệm vì vận mệnh đất nước.

DƯƠNG VĂN MINH LỘC
 (phường Bình Trưng Tây, quận 2, TPHCM)

Cần có hành lang pháp lý

Chuyện biểu tình diễn ra với danh nghĩa bảo vệ môi trường, nhưng rồi đã gây ra mất trật tự, là sự việc đáng tiếc. Không khó để nhận ra có bàn tay tổ chức, giật dây của kẻ xấu, lợi dụng nỗi bức xúc, lo ngại của người dân về hiểm họa môi trường biển. Lẽ ra các lực lượng giữ an ninh trật tự đã không phải đối phó khó khăn như vậy nếu như Luật Biểu tình đã được ban hành và có hiệu lực thực thi.

Luật Biểu tình sẽ xác lập hành lang pháp lý cho việc tổ chức và tiến hành biểu tình - một hoạt động bày tỏ chính kiến mà Hiến pháp đã quy định. Theo đó, tổ chức hay cá nhân muốn biểu tình sẽ phải xin phép, có giới hạn thời gian và địa điểm cụ thể, diễn ra hợp pháp trong tầm kiểm soát. Tất cả mọi hành vi quá khích, vi phạm pháp luật của người biểu tình sẽ bị xử lý trước pháp luật. Như vậy sẽ bảo đảm cho việc biểu tình diễn ra êm thấm trong khuôn khổ pháp luật. Hiện nay, do chưa có Luật Biểu tình, nên việc tụ tập, tuần hành đều mang tính tự phát, dễ gây mất trật tự, dễ bị kẻ xấu khiêu khích kích động. Khi việc tụ tập, tuần hành của người dân không được chính quyền cho phép và thiếu sự hỗ trợ, bảo vệ của lực lượng chức năng nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, biến việc chính đáng thành sai trái nhằm phục vụ âm mưu diễn biến hòa bình.

Do vậy, Quốc hội khóa mới nên đưa ngay vào chương trình nghị sự việc xem xét thông qua Luật Biểu tình.

NGUYỄN HIỀN
(phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ  Đức, TPHCM)

Bảo vệ và khai thác biển bền vững, hài hòa

Sự cố cá chết ở một số tỉnh miền Trung do nước biển ô nhiễm đang được người dân cả nước quan tâm theo dõi, lo ngại. Qua đó cho thấy những người Việt Nam có trách nhiệm với sự tồn vong của đất nước rất có lòng tự hào dân tộc đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và có ý thức khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo. Song, có một số người dân đã quá bức xúc, phản đối, thậm chí tham gia biểu tình, vì bị lung lạc bởi luận điệu của kẻ xấu cho rằng các bộ, ngành chức năng và địa phương liên quan đã thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường biển và thờ ơ với cuộc sống của ngư dân.

Thực tế nhà nước ta nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm về phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Tháng 5-2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tạo hành lang pháp lý cho việc quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo và bảo vệ môi trường biển, đảo. Luật đã quy định cụ thể, chi tiết vai trò, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc tham gia khai thác, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo; đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Trong những năm gần đây, nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cải thiện đời sống người dân trên các đảo, hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Do vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng vấn đề môi trường biển bị ô nhiễm và những hệ lụy đang được nhà nước quan tâm một cách rất ý thức và đầy trách nhiệm. Rất mong việc đưa Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào cuộc sống sớm mang lại những chuyển động tích cực, bảo vệ và khai thác biển bền vững, hài hòa.

LÊ HUY NGHĨA
(phường Phước Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)

 Cung cấp thông tin chính thức để an dân

Vụ cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung và “nghi án” ống xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nước đã làm dư luận lo ngại, bất bình và đã bị kẻ xấu khai thác để kích động biểu tình gây rối. Qua sự việc này, các bộ, ngành và địa phương nên rút bài học kinh nghiệm về việc cần chú trọng việc cung cấp thông tin chính thức và kịp thời để an dân. Họp báo là việc quan trọng trong chuỗi công việc xử lý những tình huống tương tự.

Mục đích của họp báo nhằm cung cấp thông tin cho báo chí. Để báo chí đưa thông tin kịp thời đến độc giả. Để có một cuộc họp báo thành công, thì người chủ trì, người đồng chủ trì cuộc họp báo phải nắm vững và biết cách trả lời cho báo chí mọi thông tin liên quan về chủ đề cuộc họp báo. Trước khi tổ chức họp báo, cần phải soạn thảo thông cáo báo chí, nêu rõ thông điệp của cuộc họp báo là gì. Kèm theo thông điệp là giải pháp và cam kết của người chủ trì, người đồng chủ trì cuộc họp báo với báo chí và cộng đồng… Thông điệp và giải pháp là hai chỉ dấu mang tính nguyên tắc đối với bất kỳ cuộc họp báo nào.

Khi có chuyện không bình thường, sẽ dẫn tới nhiều bình luận (nhận định, đánh giá, nhận xét, suy diễn…), đồn đoán, dư luận lan tỏa theo hiệu ứng domino. Khi chưa có thông tin và thông điệp chính xác của người có trách nhiệm thì dư luận tiếp tục nóng lên… Do vậy, họp báo nhằm cung cấp thông tin chính thức và đầy đủ cho báo chí. Người chủ trì hoặc người đồng chủ trì phải nắm vững nội dung sự việc, biết cách trả lời với các câu hỏi của phóng viên báo chí. Nội dung câu trả lời luôn phải kèm theo thông điệp và giải pháp. Muốn vậy, phải có đầy đủ thông tin, nếu trả lời vu vơ thì cuộc họp báo sẽ trở nên phản tác dụng. Nên thành thực trả lời những vấn đề báo chí quan tâm để báo chí kịp thời thông tin đến cộng đồng.

Luật gia TRẦN THÚC HOÀNG  (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Tin cùng chuyên mục