Chứng chỉ hành nghề dược: 5 năm hay cả đời?

Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 23-2 đã được bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết.
Chứng chỉ hành nghề dược: 5 năm hay cả đời?

(SGGPO).- Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 23-2 đã được bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết.

Ưu tiên phát triển dược cổ truyền

Theo đó, tiếp thu ý kiến đề nghị phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn và ưu tiên phát triển công nghiệp dược, dự thảo Luật đã quy định tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, đây là những thế mạnh vốn có của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định về y học cổ truyền (YHCT) như: tạo điều kiện phát hiện, đăng ký lưu hành, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; kế thừa và bảo mật bài thuốc cổ truyền; các bài thuốc do bệnh viện YHCT sản xuất được bán trong hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bằng YHCT; miễn thử lâm sàng/một số giai đoạn thử lâm sàng với bài thuốc YHCT được Bộ Y tế công nhận; quy định về gìn giữ và phát huy các bài thuốc quý; cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) cho người hành nghề tại các hộ kinh doanh thuốc cổ truyền...

Song song đó những giải pháp bảo hộ công nghiệp sản xuất dược trong nước mà không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng đã được cân nhắc; đơn cử như việc giao Chính phủ quy định việc quản lý nhập khẩu dược liệu để phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, Bộ Y tế đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu một số dược liệu làm thuốc YHCT để kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Luật Dược sửa đổi

Chứng chỉ hành nghề dược: sao không phải là vĩnh viễn?

Theo Thường trực cơ quan thẩm tra, việc cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay. Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban đề nghị trình ra Quốc hội 2 phương án: phương án cấp CCHN có thời hạn 5 năm và phương án cấp CCHN dược 1 lần. Sau đó, Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH.

Đây cũng chính là nội dung được nhiều thành viên trong UBTVQH tập trung cho ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Nghề dược là 1 nghề, không phải chức vụ, quy định 5 năm một lần cấp lại CCHN chỉ làm phát sinh rắc rối phiền hà, thậm chí tạo điều kiện cho tiêu cực. Tôi thì đề nghị chỉ cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần, trong quá trình hoạt động có vi phạm thì xử lý nghiêm”.

Tán thành quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bình luận: “Bằng kỹ sư, cử nhân kinh tế… có giá trị suốt đời, sao bắt riêng nghề dược phải 5 năm một lần? Vấn đề là nhà thuốc phải đáp ứng tiêu chuẩn và thường xuyên được kiểm tra, nhất là không để xảy ra tình trạng cho thuê bằng. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì rút giấy phép kinh doanh. Phải làm sao đảm bảo để mọi người được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, đừng để những thủ tục hành chính cay nghiệt “hành” dân”!

Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với việc dự thảo Luật quy định về sản xuất thuốc trong nước tại luật này, theo hướng làm rõ trách nhiệm của các Bộ Công Thương, Bộ Y tế; “làm sao để người Việt được sử dụng những loại thuốc tốt nhất từ những dược liệu tốt nhất của Việt Nam”.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý thêm, tuy ưu tiên sử dụng thuốc nội, nhưng cũng cần hài hòa giữa lợi ích của nhà sản xuất với người tiêu dùng. “Đưa ra yêu cầu đảm bảo về số lượng, chất lượng thuốc rồi, nhưng còn giá thành sản xuất trong nước cũng phải có quy định để người tiêu dùng không phải chịu giá cao”, ông nói.

Có ý kiến hơi khác với Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu băn khoăn: “Chứng chỉ hành nghề dược khác với bằng tốt nghiệp; không nhất thiết có giá trị vĩnh viễn như bằng đại học. Cần phân tích rõ hơn để quyết định cấp có thời hạn hay không”.

Tổng kết thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu, trình Quốc hội cả 2 phương án: cấp CCHN có thời hạn 5 năm và chỉ cấp 1 lần.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục