Chung tay tặng sách

Đầu tháng 6 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) tổ chức lễ khánh thành thư viện container tại Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).

Thư viện được thi công trên container, lắp đặt vật dụng, trang thiết bị hiện đại như bàn ghế, máy tính, máy lạnh, quạt, camera…, với tổng chi phí đầu tư hơn 300 triệu đồng. Thư viện có hơn 2.000 đầu sách thuộc các thể loại: kiến thức khoa học, lịch sử, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, kỹ năng sống, truyện tranh… phù hợp với các em học sinh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó Chủ tịch YBA, đây là thư viện đầu tiên của dự án “Thư viện container - Mỗi trang sách, vạn ước mơ” được YBA triển khai vào tháng 11-2008, với mục đích mang đến cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa một môi trường lành mạnh để học tập, vui chơi; qua đó hình thành văn hóa đọc sách và lan tỏa giá trị của việc đọc sách. Năm nay, YBA dự kiến trao thêm ít nhất 2 thư viện container nữa cho các trường ở vùng sâu, vùng xa.

Sau chương trình trao tặng sách của dự án “Sách hay dành cho học sinh tiểu học” ở Long An vào năm 2018, TTC Edu đã quyết định đồng hành với dự án này trong thời gian 12 tháng (trị giá gần 1 tỷ đồng). Số tiền này sẽ được quy ra sách, dành trao tặng cho các em vùng sâu, vùng xa mà dự án sẽ thực hiện theo định kỳ hàng tháng.

Ông Đinh Hoàng Triều - Phó Tổng giám đốc TTC Edu, nói: “Chúng tôi chú trọng vào gốc rễ của vấn đề, đó là tạo thói quen đọc sách cho các em ở vùng sâu, vùng xa, những vùng còn khó khăn. Chúng tôi mong muốn với sự hỗ trợ này, các em sẽ có một thói quen tốt để tự vượt khó bằng việc học từ những kiến thức trong sách. Chúng ta làm giáo dục, cố gắng dạy học sinh kho tàng kiến thức, nhưng đối với giáo dục mới hiện nay, việc truyền tải kiến thức không ý nghĩa bằng việc động viên tinh thần các em để các em tự tìm hiểu kiến thức. Và sách là tiền đề đầu tiên giải quyết câu chuyện đó”. 

Hiện tại, có rất nhiều dự án hoạt động với mục đích chung là mang sách đến cộng đồng. Có điều, các dự án này chủ yếu là của những người trẻ, giàu nhiệt huyết và sức khỏe; trong khi, vấn đề kinh phí lại không dư dả. Khi đó, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, bởi đây chính là nơi giải quyết vấn đề này.

Ngoài tiền, một điều cũng cần không kém ở các doanh nghiệp đó chính là cái tâm, những nơi sẵn sàng cho đi mà không mưu cầu nhận lại. Giống như TTC Edu, kỳ vọng đối với sự đồng hành trong hành trình lan tỏa văn hóa đọc, đơn giản chỉ là những lá thư gửi về cho dự án và những nụ cười khi quay lại nơi đó.

“Chúng tôi không mưu cầu gì cả, chỉ cần chúng ta làm được việc tốt, chúng ta cảm thấy việc làm đó có thể giúp lan tỏa các giá trị tốt đẹp tới cộng đồng thì coi như chúng ta đã thành công”, ông Đinh Hoàng Triều chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục