Giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền, cán bộ công chức

Nên làm việc 40 giờ hay 48 giờ/tuần?

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi một số bộ, ngành và địa phương chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến về việc cử cán bộ công chức (CBCC) làm việc thêm hai ngày thứ bảy và chủ nhật tại các cơ quan công quyền để giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho dân và doanh nghiệp. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm bàn luận.

  • Những người “trong cuộc” nói gì?
Nên làm việc 40 giờ hay 48 giờ/tuần? ảnh 1

Giải quyết hồ sơ cho người dân tại phường 8 quận Phú Nhuận. Ảnh: M.Y.

Một người dân ở quận Gò Vấp cho biết: “Tôi đến quận nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng, cô nhân viên trẻ đưa phiếu biên nhận hẹn tôi 15 ngày sau quay lại nhận hồ sơ. Đúng hẹn, 15 ngày sau tôi đến thì lại đúng vào ngày thứ bảy, nhân viên nghỉ hết,  tôi đành phải ra về. Về nhà, đợi thêm hai ngày nữa, là 17 ngày. Khổ nỗi, sau 2 ngày thứ bảy, chủ nhật lại tiếp đến ngày lễ 30-4 và 1-5 báo hại tôi phải đợi hơn 20 ngày…”.

Một doanh nghiệp ở quận 12 than thở: “Doanh nghiệp phải thuê nhân công, mặt bằng bến bãi và nhiều khoản chi phí khác… Vì vậy, cứ mỗi giờ trôi qua đều phải tính bằng tiền, xót ruột lắm! Ấy vậy mà trong tuần phải “nằm chờ” mất hai ngày thứ bảy, chủ nhật…”.

Một công chức đang làm việc tại “điểm nóng” về cấp chủ quyền nhà đất thì bộc bạch: “Gần đây, do lượng hồ sơ quá tải, chúng tôi làm việc tối mắt tối mũi, thời gian thì cứ… quay qua quay lại là đã hết tuần! Nếu không có sự thông cảm hiểu biết lẫn nhau giữa doanh nghiệp và công chức sẽ dẫn đến những mâu thuẫn…”. 

Ông Phan Văn Cheo, Trưởng phòng Công chứng số 1, TPHCM, một trong những người mỗi ngày trực tiếp tham gia giải quyết hàng trăm hồ sơ công chứng bộc bạch: “Nếu Thủ tướng quyết định làm thêm giờ thì CBCC chúng tôi cũng chấp hành, nhưng theo tôi, không nên làm thêm ngày thứ bảy và chủ nhật vì hai mục đích: Thứ nhất để tái tạo sức lao động cho CBCC sau một tuần làm việc căng thẳng, dành thời gian đoàn tụ gia đình, nuôi dạy con cái thăm hỏi cha mẹ và người thân… Thứ hai, nhằm mục đích “kích cầu”, thu hút người dân đi mua sắm, du lịch, góp phần phát triển nền kinh tế, xã hội chung. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chế độ nghỉ hai ngày từ lâu, còn ở nước ta mới thực hiện vài năm nay…”.

Cách đây khoảng 5 năm, Nhà nước đã quyết định cho CBCC giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 giờ /tuần, theo đó CBCC được nghỉ  2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Mục đích của việc giảm giờ làm là nhằm kích cầu, giảm chi ngân sách tiền lương và tái tạo sức lao động cho người lao động.

Chủ trương này khá phù hợp với cơ chế thị trường, vì chỉ sau một thời gian ngắn, hiệu ứng của việc giảm giờ làm đã tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách chi tiền lương, tăng lượng người đi mua sắm và du lịch, góp phần phát triển ngành “công nghiệp không khói” đầy tiềm năng của đất nước. 

Thế nhưng, nay lại tăng thời gian làm việc từ 40 giờ/tuần lên 48 giờ/tuần, theo Giáo sư Nguyễn Văn Thông, Học viện Hành chính quốc gia: “Khi làm thêm giờ sẽ kéo theo nhiều hệ quả: làm thêm giờ thì phải điều chỉnh chế độ lương cho phù hợp, sử dụng nguồn ngân sách phải có sự quản lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ, thậm chí phải sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp v.v.”.

Mặt khác, theo quy định của Luật Lao động: nếu người lao động làm thêm giờ thì phải được nghỉ bù, phải được tăng lương gấp đôi… từ đó dẫn đến ý thức sai lệch trong không ít CBCC là “làm thêm giờ để có thêm tiền”. Trong khi đó, các cấp chính quyền đang lúng túng chưa biết nên lấy nguồn ngân sách nào để chi cho người  lao động làm thêm giờ.

Điều đáng nói, giải quyết thủ tục hành chính tại chính quyền các cấp đòi hỏi phải có cả bộ máy (từ thủ trưởng đến nhân viên) cùng “vào cuộc” chứ không thể một vài nhân viên, bởi “người nào việc nấy”, người tiếp nhận hồ sơ, người giải quyết, người ký tên, đóng mộc...

  • Giải pháp: cần thực hiện đúng nghĩa “8 giờ vàng ngọc”

Vậy làm thế nào để CBCC vừa được nghỉ hai ngày, vừa đảm bảo giải quyết nhanh thủ tục hành chính? Ông Phan Văn Cheo hiến kế: “Muốn giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, nhất là tại các “điểm nóng”, chỉ cần tăng thêm nhân viên. Cụ thể, tại lĩnh vực cấp chủ quyền nhà đất, công chứng, hộ tịch… nếu hai người giải quyết “không xuể” thì bổ sung thêm từ 3 đến 5 người để giải quyết nhanh chóng các giấy tờ kịp thời cho dân, cương quyết không để hồ sơ bị tồn đọng… Theo đúng thời gian quy định, nếu CBCC nào không hoàn thành nhiệm vụ thì cần có biện pháp chế tài”.

Mới đây, Sở Tư pháp TPHCM đã tổ chức tọa đàm góp ý kiến về việc làm thêm giờ, đa số ý kiến cho rằng chỉ cần tăng thêm nhân sự và phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi CBCC. Theo anh Trần Phương, kỹ sư, đang làm việc tại một doanh nghiệp cổ phần: “Thật ra, CBCC nhà nước không nhất thiết phải làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật nếu như họ tận dụng đầy đủ “8 giờ vàng ngọc” và phát huy tinh thần “làm hết việc chứ không phải làm hết giờ” tại cơ quan. Hiện nay, tại không ít cơ quan công quyền, vẫn còn cảnh “đi muộn về sớm”, trong giờ làm việc thì ngồi tán gẫu, chơi game, bỏ bê công việc rủ nhau ra quán uống cà phê, hát karaoke… Đến khi hết giờ, công việc tồn đọng bê trễ, hậu quả chỉ khổ người dân phải chờ đợi…”.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Thông muốn giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn mà CBCC không phải làm thêm giờ, phải giải quyết được cái gốc của vấn đề là đơn giản hóa thủ tục giấy tờ từ cấp trung ương xuống địa phương và các bộ, ngành…

Hiện nay, còn nhiều loại thủ tục hành chính nhiêu khê, chồng chéo… khiến dân và doanh nghiệp thường bị rơi vào “mê hồn trận” không biết lối ra. Nếu giải quyết tốt “phần gốc” thì “phần ngọn” là bố trí cán bộ làm thêm giờ sẽ trở thành vấn đề thứ yếu.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ công chức viên chức (Bộ Nội vụ): “Chính phủ cần tăng cường phân cấp về cơ sở và nhanh chóng đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước mang các dịch vụ hành chính đến gần dân, chuyển từ “cơ chế xin- cho” sang “cơ chế phục vụ”, để cơ quan nhà nước thật sự là của dân, do dân và vì dân…”.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục