Ý kiến

Hội và... họp

Trong một buổi tiếp xúc cử tri tại quận 5, một cán bộ hưu trí tham gia hoạt động mặt trận khu phố mình sinh sống cho biết, trong năm 2006, chỉ tính đến giữa tháng 12, ông đã được mời dự hoặc chủ trì tới… 368 cuộc họp các loại (!).

Còn một phó chủ tịch UBND quận của TPHCM thì kiêm nhiệm trên 30 chức vụ, chức danh, từ Trưởng ban Xóa đói giảm nghèo, Trưởng ban Vận động vì người nghèo… đến Trưởng ban Phòng cháy chữa cháy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, Ban kế hoạch hóa gia đình… Vì thế ông đi họp liên miên. Họp tiếp nhận các chỉ thị, chỉ đạo từ cấp trên, rồi họp triển khai các chỉ thị xuống cấp dưới, dự họp tổng kết của cấp dưới, rồi lại dự họp báo cáo tổng kết cho cấp trên...

Không chỉ họp, mà hội thảo, hội nghị… cũng đang trở thành hội chứng và có xu hướng phát triển. Có những cuộc hội thảo mà khi nghe đến tên nhiều người cũng lắc đầu như Hội thảo “Quản lý hoạt động nghề giã cào bay”, Hội thảo “Tổng kết và triển vọng hợp tác khoa học”. Hội thảo quốc tế “Thư viện: Hội nhập và phát triển”, Hội thảo “Xây dựng bài giảng điện tử”, Hội thảo “Quy trình kỹ thuật canh tác hoa cát tường”… Hiệu quả đâu chưa thấy, nhưng với chi phí tổ chức, ăn ở, đi lại cho ít nhất vài chục quan khách mỗi cuộc hội thảo, nếu cộng lại, chắc chắn sẽ là con số… khổng lồ.

Ai cũng biết, để triển khai, bàn bạc, thảo luận các chủ trương, đường lối, chỉ thị, ý tưởng… ra tập thể, người ta phải tổ chức… họp, hội thảo, hội nghị. Tuy nhiên, họp đến mức không còn thời gian để làm, “họp để triển khai nội dung từ các cuộc họp trước” lại là… “bệnh họp”.

Trong thời đại Internet, người ta ngồi một chỗ có thể liên lạc với khắp nơi trên thế giới, với nhiều người trong cùng một lúc. Tại sao trong cùng một cơ quan, một địa phương, lại không thể gửi thông tin văn bản, gửi ý kiến chỉ đạo cũng như ý kiến phản hồi cho nhau qua mạng để tiết kiệm thời gian, công sức, thay vì tổ chức… họp? 

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục