Giải quyết khiếu kiện

Vai trò của đại biểu nhân dân?

Tình trạng hàng trăm hộ dân ở các tỉnh kéo lên Văn phòng Quốc hội tại TPHCM hoặc ra Hà Nội để khiếu kiện, khiếu nại, gây mất an ninh trật tự khu vực, là điều không ai muốn. Thế nhưng vì sao vẫn xảy ra? Về bản chất, khiếu kiện, khiếu nại phát sinh do mâu thuẫn về quyền lợi của người dân với cách giải quyết của chính quyền.

Khi khiếu kiện, khiếu nại, người dân muốn được chính quyền nghe và giải quyết thấu tình đạt lý. Do nguyện vọng không được đáp ứng nên họ phải đến cấp cao hơn. Đó là khiếu kiện vượt cấp. Tất nhiên, có lỗi của người khiếu kiện là hành xử trái quy định của pháp luật. Theo cơ quan chức năng, còn có hiện tượng xúi giục, kích động của các đối tượng chống phá chính quyền…

Thế nhưng từ đây một vấn đề lại được đặt ra: ở địa phương nào, tỉnh nào, huyện nào cũng có đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Họ là các “đại cử tri” đại diện cho quyền lợi người dân ở địa phương, họ có tiếng nói trực tiếp với chính quyền các cấp.

Vậy tại sao người dân lại không đến “cầu cứu” các đại biểu Quốc hội, HĐND ở địa phương nơi mình sinh sống, mà phải “vượt cấp”, để rồi kéo thêm bao nhiêu khó khăn, hệ lụy?

Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân dễ nhận thấy nhất, đó là vì lý do này hay lý do khác, các đại biểu Quốc hội, HĐND ở các địa phương chưa thật sự sâu sát với dân, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, thậm chí đôi khi còn… thờ ơ với chính nỗi bức xúc của dân.

Thực tế trong thời gian qua, hầu hết đại biểu Quốc hội chỉ tiếp xúc cử tri theo định kỳ một năm đôi ba lần, mỗi lần tập trung ở một địa điểm và cũng chỉ mời… đại diện cử tri tham dự. Đã vậy, trong nhiều buổi tiếp xúc, không ít đại biểu còn vắng mặt, không hề hay biết những mâu thuẫn liên quan đến lợi ích của dân, đến xã hội đang phát sinh hàng ngày, hàng giờ.

Để xảy ra khiếu kiện, điều hiển nhiên là chính quyền địa phương, cán bộ địa phương có trách nhiệm. Thế nhưng để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc cho xã hội, thì không thể không tính đến trách nhiệm của các đại biểu của dân.

Cho nên, muốn giải quyết kịp thời những đòi hỏi liên quan đến quyền lợi của dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, công chức, đòi hỏi cơ quan dân nguyện, các đại biểu của dân phải thay đổi lề lối làm việc, tiếp xúc với dân.

Mỗi đại biểu, đại diện cho cử tri ở khu vực nào phải chịu trách nhiệm trước cử tri và Quốc hội, HĐND về vai trò “đại diện” của mình ở khu vực đó. Họ sẽ là nơi tiếp nhận mọi khiếu kiện, khiếu nại, bức xúc của cử tri trong khu vực, đại diện cho cử tri đi “gõ cửa” từng cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu được giải quyết đúng pháp luật…

Làm được như vậy, chắc chắn tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp sẽ giảm.

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục