Phú Quốc chuyển mình

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường PHẠM KHÔI NGUYÊN:

Phú Quốc, hòn đảo nằm ở phía cực Nam của Tổ quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, dù đã có tên trong bản đồ du lịch của Việt Nam và được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến nhưng vẫn còn rất hoang sơ. Người dân nơi đây vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển, làm nước mắm… với thu nhập không cao.

  • Đánh thức Vịnh Đầm
Phú Quốc chuyển mình ảnh 1
Đo đạc thủy văn tại Phú Quốc.

Vịnh Đầm nằm ở xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc với phía Nam là rạch Cầu Sấu, phía Bắc giáp núi Dương Tơ, phía Đông là biển vịnh Đầm, phía Tây giáp tỉnh lộ 46. Toàn khu vực rộng khoảng 180ha, hiện chỉ là một bến neo đậu nhỏ của ngư dân với cây mắm và đước mọc rậm rạp.

Vào ngày 16-9-2007 vừa qua, một đoàn cán bộ của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Port Coast) đã lên đường đến vịnh Đầm. Họ được Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng - Thương mại Sài Gòn “đặt hàng” nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực vịnh Đầm để biến nơi đây thành một cảng hàng hóa và du lịch tầm cỡ của khu vực.

Vào những ngày này, Phú Quốc mưa dữ dội, gió giật từng cơn, sóng biển ầm ầm đập vào đất liền. Thời tiết xấu đến nỗi những ngư dân dày dạn kinh nghiệm nhất cũng ngại đi biển. Thế nhưng, với người làm công tác tư vấn “bắt mạch con nước” đây lại là cơ hội thu thập được những thông tin tốt nhất để làm quy hoạch. Trên hai chiếc thuyền nhỏ, thuê của ngư dân, neo đậu cách đất liền khoảng 2km, 9 cán bộ trẻ của Port Coast túc trực 24/24 để đo hướng gió, vận tốc dòng chảy, sóng và lấy mẫu bùn cát..., những thông số cần thiết để nghiên cứu xây dựng cảng. Cứ vài giờ, lại có một chiếc ghe nhỏ từ trong đất liền chạy ra, tiếp thêm nhiên liệu và… trái cây cho đoàn đo đạc. “Phải có chút trái cây ngậm trong miệng để không bị nôn và mất sức”, Tiến sĩ Trương Ngọc Tường - Kỹ sư trưởng của Port Coast, chỉ huy đoàn khảo sát - giải thích.

Được núi Dương Tơ che chắn, thuận tiện cho việc lập cảng nhưng vịnh Đầm lại khá cạn, độ sâu chỉ khoảng 5m. Tuy nhiên, theo ông Tường, vẫn có thể có những giải pháp kỹ thuật để giải quyết vấn đề này. Đó là, nạo vét lòng vịnh Đầm cho sâu hơn đồng thời xây đê chắn sóng để mở rộng cảng ra phía biển. Ông Tường cho biết, trước cuộc khảo sát thủy văn nêu trên, Port Coast đã tiến hành khảo sát địa hình, địa chất toàn khu vực vịnh Đầm. Kết quả bước đầu cho thấy, những giải pháp kỹ thuật này hoàn toàn có thể thực hiện mà không để lại những hậu quả xấu cho môi trường nơi đây. Dự kiến, Port Coast sẽ hoàn thành những nghiên cứu đầu tiên về vịnh Đầm trong khoảng một tháng nữa.

  • Chuyển mình

Ngay trong thời điểm vịnh Đầm được nghiên cứu, tại Phú Quốc, một dự án giao thông quan trọng cũng đã được khởi động, con đường đi qua thị trấn Dương Đông (trung tâm của Phú Quốc) đi đến khu vực phía Bắc đảo bắt đầu được xây dựng. Con đường này, theo quy hoạch phát triển giao thông đảo Phú Quốc đến năm 2010, định hướng 2020 sẽ là một trong những trục đường chính của Phú Quốc với lộ trình đi qua nhiều khu nghỉ mát và rừng nguyên sinh. Đây sẽ là một trong những đòn bẩy giúp Phú Quốc phát triển - nhiều người dân ở đây nhận định. Với hệ thống giao thông hiện có, chủ yếu là đường đất rải sỏi, Phú Quốc không chỉ chưa hấp dẫn trong mắt du khách mà còn làm nhiều nhà đầu tư ngán ngại. Không ít khu đất ở đây đã có nhà đầu tư “để mắt” nhưng chưa “mang trầu cau đến hỏi” vì giao thông chưa thuận tiện.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông đảo Phú Quốc đến 2010, định hướng 2020, Phú Quốc sẽ phát triển đồng bộ cả đường biển lẫn đường hàng không. Ngoài vịnh Đầm, tại vịnh An Thới sẽ xây dựng một bến nhô để neo đậu tàu có trọng tải đến 3.000DWT, khu vực Dương Đông cũng sẽ làm một bến phao để neo đậu tàu có sức chở đến 2.000 hành khách, tại mũi Đất Đỏ cũng sẽ có một cảng để neo đậu tàu có sức chở 2.000 hành khách… Ngoài ra còn có các bến tàu du lịch quanh đảo để tổ chức đưa du khách đi tham quan đảo bằng đường biển. Sẽ giữ nguyên cảng hàng không Dương Đông nhưng đồng thời sẽ xây dựng thêm một cảng mới, đảm bảo tiếp nhận đến 2,5 triệu hành khách/năm…

“Nếu giao thông thuận tiện, Phú Quốc sẽ chuyển mình rất nhanh chóng”, một cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải khẳng định. Chính vì vậy, các dự án về giao thông đã và đang triển khai khá rầm rộ tại đây mà dự án làm cảng ở vịnh Đầm và xây dựng đường qua Dương Đông là một ví dụ. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường PHẠM KHÔI NGUYÊN: Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tài nguyên đất, tài nguyên nước, địa chất và tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước, tại nhiệm kỳ này, Bộ Tài nguyên - Môi trường được giao thêm chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án thành lập một số tổng cục: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển, Đảo để đáp ứng các nhiệm vụ mới. 

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục