Cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất: Tự tin khẳng định công nghệ

Sở KH-CN TPHCM, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển vi mạch TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) phối hợp tổ chức phát động cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất. Từ cuộc thi này, nhìn rộng hơn, trong bối cảnh TPHCM đang gấp rút xây dựng ngành vi mạch, có khá nhiều điều đặc biệt và đáng mong đợi.
Cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất: Tự tin khẳng định công nghệ

Sở KH-CN TPHCM, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển vi mạch TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) phối hợp tổ chức phát động cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất. Từ cuộc thi này, nhìn rộng hơn, trong bối cảnh TPHCM đang gấp rút xây dựng ngành vi mạch, có khá nhiều điều đặc biệt và đáng mong đợi.

Hướng đến công nghệ thuần Việt Nam

Đối tượng tham gia cuộc thi nói trên khá mở, dành cho tất cả người, tổ chức quan tâm và yêu thích công nghệ vi điều khiển và trình biên dịch và không hạn chế về số lượng ý tưởng tham dự. Trong cuộc thi, các thí sinh đưa ra ý tưởng ứng dụng chip vi điều khiển SG8V1 trong những sản phẩm điện tử cụ thể. Được biết, vi điều khiển SG8V1 là dự án do Sở KH-CN TPHCM đầu tư cho ICDREC thiết kế và gửi đi chế tạo thương mại với số lượng 150.000 con chip. Hiện chip SG8V1 đã được giới công nghệ vi mạch khẳng định là dư sức cạnh tranh với chip cùng chủng loại của các hãng danh tiếng thế giới về chất lượng và giá thành. Việc chế tạo 150.000 con chip để thực hiện thương mại hóa trên các sản phẩm của Công ty SaiGon Track chuyên về định vị cũng đã được xác định. Tức là từ khâu chế tạo đến đầu ra cho SG8V1 đã sẵn sàng.

Nghiên cứu thiết kế chip tại ICDREC.

Nghiên cứu thiết kế chip tại ICDREC.

Khi một sản phẩm đã tự tin khẳng định về công nghệ và thị trường thì cứ thế mà sản xuất, ứng dụng. Tuy nhiên, ban tổ chức cuộc thi mong muốn nhận được sự tham gia của cộng đồng để phát huy tiềm lực nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm điện tử trong nước sử dụng các vi điều khiển của Việt Nam vào thực tế tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Ban tổ chức cũng khẳng định, các ý kiến phản biện về vi điều khiển và trình biên dịch Việt Nam xung quanh con chip SG8V1 của các chuyên gia, lực lượng nghiên cứu, sinh viên sẽ được ghi nhận và xem xét để phát triển sản phẩm hoàn thiện hơn nữa trước khi gửi đi sản xuất hàng loạt.

Tại lễ phát động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Phó ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển vi mạch TPHCM cho biết: “Chúng tôi cũng kỳ vọng là phổ biến rộng rãi, tạo được niềm tin từ nhà khoa học đến các sinh viên rằng, chúng ta bắt đầu đã có sản phẩm công nghệ của người Việt Nam và bây giờ chúng ta cùng chung tay góp sức để thực hiện, xây dựng ngành công nghiệp mới đó”.

Tại sao là chip 8 bit SG8V1?

Từ lâu, thị phần của vi điều khiển 8 bit được dự báo sẽ giảm và dịch chuyển dần sang vi điều khiển 16/32 bit nhưng đến nay, các số liệu thống kê từ thị trường vi mạch danh tiếng trên thế giới cho thấy vi điều khiển 8 bit vẫn có tổng doanh thu rất cao. Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, vi điều khiển 8 bit với đặc điểm giá thành rẻ, dành cho ứng dụng không yêu cầu tần số cao, công xuất hoạt động thấp, chương trình xử lý đơn giản và nhỏ về mặt dung lượng… được ứng dụng rộng rãi trên các sản phẩm tiêu dùng giá rẻ như máy giặt, máy lạnh, thiết bị chống trộm, thiết bị trong điều khiển thang máy… là một thế mạnh làm chip 8 bit đứng vững trên thị trường. Ông Ngô Đức Hoàng cũng cho biết, đã đến lúc đưa sản phẩm ra thi trường, “sống chết” với thị trường…

Với chip 8 bit SG8V1, đây không phải là sản phẩm mới của ngành vi mạch TPHCM nói chung và của ICDREC nói riêng. Việc sản xuất con chip này đã có kế hoạch, đi tìm đối tác từ năm 2010. Nhưng trong năm 2010 và các năm sau đó, các nhà sản xuất chip trên thế giới không nhận các đơn hàng nhỏ trong việc sản xuất chip từ các trung tâm nghiên cứu, đến nay mới có đối tác chấp nhận sản xuất SG8V1. Theo thời gian, từ năm 2010 đến nay, các tính năng đăng ký trong thuyết minh của chip SG8V1 đã lỗi thời và khó đưa vào ứng dụng. Chính vì thế các tính năng của SG8V1 đã được nâng cao, như về tập lệnh, 63 lệnh thay cho 37 lệnh trước đây; 2 mức ngắt so với 1 mức ngắt trước đây… khẳng định vẫn là sản phẩm có tính ứng dụng cao. Nói cách khác, chip SG8V1 ngày càng hoàn thiện tính năng trước khi gửi đi sản xuất hàng loạt. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM khẳng định, chip SG8V1 là con chip thương mại hóa đầu tiên của Việt Nam. Việc sản xuất và nắm vững công nghệ nguồn trong vị mạch điện tử không chỉ đơn thuần có giá trị về mặt tăng trường kinh tế, khẳng định vị thế về khoa học kỹ thuật mà còn có ý nghĩa đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo mật thông tin quốc gia.

Sự kỳ vọng, cầu thị, khẳng định quanh con chip SG8V1 đã rõ, nhưng đặt cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển nói trên trong bối cảnh TPHCM đang gấp rút xây dựng ngành vi mạch mới thấy hết “sức nóng” của nó. TPHCM đã thống nhất chủ trương phát triển ngành vi mạch của TP với các mục tiêu khá rõ ràng, các “bộ máy” nhân sự liên quan cũng đã bước đầu hình thành, mục tiêu làm chủ công nghệ cũng đã đặt ra thì cuộc thi lần này hay sản phẩm chip SG8V1 sắp được sản xuất và tích hợp vào sản phẩm cụ thể như đã khẳng định phải có sản phẩm vi mạch thương mại, sẽ sống chết với thị trường.

Khi tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ được cung cấp, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng vi điều khiển SG8V1. Ngoài ra, khi thí sinh tham dự thực hiện mạch ứng dụng, sẽ được tài trợ toàn bộ kinh phí để thực hiện mạch in, linh kiện và lắp ráp để hoàn thành sản phẩm dự thi.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục