Cuối trời, mây trắng vẫn bay

"Năm nay em được phân công tổng hợp tin khai giảng năm học mới, em lại không đưa con đi khai giảng được rồi chị à… Em đang viết về tiền trường đầu năm, thành phố đã cho các trường thu tiền hỗ trợ bán trú, nghe mà mừng ghê chị à, mấy cô bảo mẫu tội lắm, làm cực nhưng thu nhập thấp quá. Nhưng nếu các trường triển khai không tốt, không khéo lại lạm thu thì khổ phụ huynh nghèo, tội lắm…”.
Cuối trời, mây trắng vẫn bay

"Năm nay em được phân công tổng hợp tin khai giảng năm học mới, em lại không đưa con đi khai giảng được rồi chị à… Em đang viết về tiền trường đầu năm, thành phố đã cho các trường thu tiền hỗ trợ bán trú, nghe mà mừng ghê chị à, mấy cô bảo mẫu tội lắm, làm cực nhưng thu nhập thấp quá. Nhưng nếu các trường triển khai không tốt, không khéo lại lạm thu thì khổ phụ huynh nghèo, tội lắm…”.

Em tâm tình với tôi về công việc, về những mong muốn giản dị của một người mẹ, được đưa con đi khai trường; cả những ước mơ lớn lao của người làm nghề, làm sao để giáo viên bớt khổ, phụ huynh nghèo không sợ tiền trường đầu năm, trong lần gặp cuối.

Phóng viên Lê Linh (thứ hai từ phải sang) cùng đồng nghiệp Báo SGGP nhận giải báo chí TPHCM lần thứ 28. Ảnh: Việt Dũng

Phóng viên Lê Linh (thứ hai từ phải sang) cùng đồng nghiệp Báo SGGP nhận giải báo chí TPHCM lần thứ 28. Ảnh: Việt Dũng

Tôi thấy hổ thẹn với cái đầu lạnh lùng của mình, khi không ít lần đề nghị em hãy sắc sảo hơn, đanh thép hơn khi phản biện một vấn đề nào đó gây bức xúc xã hội, mặc cho những giọt nước mắt của em đang rơi khi đi thực tế về. Đó là câu chuyện về thân phận của một bà giáo già, câu chuyện tiền thưởng tết của giáo viên, câu chuyện của một phụ huynh nghèo không lo nổi cho con một bộ đồng phục, tất cả đều khiến em bật khóc như chính mình đã làm nên những điều ấy. Em không viết những lời đanh thép, em không buộc tội ai trước những bất công, nhưng bàng bạc trong những câu chuyện mà em kể, em viết là sự ray rứt của không chỉ một người.

Tôi trở về phòng làm việc cũ, ngồi vào chiếc máy của em, lướt ngón tay run rẩy trên bàn phím còn ấm hơi người, để mặc cho nỗi bàng hoàng phủ đầy tâm khảm. Ngoài kia, những đồng nghiệp đàn anh, đàn chị, những bạn bè, kẻ đứng người ngồi thất thần trước tin sét đánh. Tôi không biết bắt đầu từ đâu để viết về em, em làm nghề từ bao giờ, mười năm rồi có lẻ, nhưng tôi chắc rằng, bước vào nghề là em chỉ cầm bút viết về giáo dục, và đã đem không ít giải thưởng về cho báo từ những bài báo tạo hiệu ứng của mình. Tôi không biết vẽ chân dung em thế nào trong tâm trạng của người không còn đủ tâm trí, nhưng tôi chắc rằng, em là một phóng viên hay rơi nước mắt trước số phận của con người, luôn xử lý thông tin bằng trái tim đa cảm. Tôi không còn biết em là ai, nhưng biết chắc rằng mình vừa mất đi một đồng nghiệp dịu dàng và nhân hậu.

Hôm kia, cả cơ quan đau lòng tiễn biệt một người anh. Dù không nói ra nhưng lòng ai cũng ngổn ngang những dằn vặt, tiếc nuối, giá như đời người đừng hữu hạn, ta có thể sống cho nhau nhiều hơn. Ngày tiễn anh đi, vị thủ trưởng cũ đã nhìn thấy đàn chim yến và giọt nắng cuối trời. Hôm nay em đi, chúng tôi nhìn thấy cuối trời những đám mây trắng trôi, nhẹ nhàng như câu:  “Thôi về đi, đường trần đâu có gì…” mà em thường khẽ hát mỗi khi buồn.

“Sáng nay Lê Linh đi làm tin khai giảng, chỉ có chồng lúp xúp chạy theo cho con uống sữa ở trường…”, tôi nghe đồng nghiệp kể, lặng người trước hình ảnh được cắt ra từ giấc mơ dang dở của em: có một ngày được đưa con đi khai trường.

Linh An
Vĩnh biệt Lê Linh

Tin cùng chuyên mục