Xử lý sai phạm tại các cơ sở kinh doanh liên quan đến ông Nguyễn Xuân Ái

Đảm bảo trình tự và thủ tục đúng luật pháp

Dư luận đã rất bất bình trước việc những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Ái trong hành nghề giải phẫu thẩm mỹ không được xử lý đến nơi đến chốn. Thái độ thách thức của ông với các cơ quan quản lý nhà nước được nhiều cơ quan thông tin đại chúng đăng tải càng khiến dư luận thêm bất bình. Sở KH-ĐT, cơ quan trực tiếp cấp các giấy phép  hoạt động cho các cơ sở kinh doanh liên quan nói gì về cách xử lý?
Đảm bảo trình tự và thủ tục đúng luật pháp

Dư luận đã rất bất bình trước việc những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Ái trong hành nghề giải phẫu thẩm mỹ không được xử lý đến nơi đến chốn. Thái độ thách thức của ông với các cơ quan quản lý nhà nước được nhiều cơ quan thông tin đại chúng đăng tải càng khiến dư luận thêm bất bình. Sở KH-ĐT, cơ quan trực tiếp cấp các giấy phép  hoạt động cho các cơ sở kinh doanh liên quan nói gì về cách xử lý?

  • Giảm ngành kinh doanh giải phẫu thẩm mỹ với hộ cá thể
Đảm bảo trình tự và thủ tục đúng luật pháp ảnh 1

Thẩm mỹ Á Châu do ông Nguyễn Xuân Ái phụ trách (ảnh chụp ngày 21-11-2006).
Ảnh: C. THĂNG

Trước sự việc đó, Sở Y tế TPHCM đã hai lần kiến nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM (KHĐT) thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đối với các cơ sở liên quan đến ông Nguyễn Xuân Ái. Áp lực dư luận cũng cho rằng cần phải thu hồi chứng nhận ĐKKD để các cơ sở này không đủ cơ sở pháp lý tồn tại và hoạt động.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở KHĐT khẳng định, việc cấp ĐKKD cho hộ cá thể và Công ty TNHH Phát triển giải phẫu thẩm mỹ Á Châu là phù hợp Luật Doanh nghiệp (năm 1999) và muốn thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD cũng phải theo trình tự luật pháp quy định.

Theo Sở KHĐT, việc đăng ký kinh doanh hộ cá thể của ông Nguyễn Xuân Ái tại địa chỉ kinh doanh 116A Cao Thắng, phường 4, quận 3 được thực hiện theo qui định tại Điều 19-Nghị định số 02/2000/NĐ-CP (3-2-2000) về ĐKKD.

Ông Ái đăng ký ngành nghề kinh doanh “giải phẫu thẩm mỹ” là ngành nghề phải có giấy chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Nghị định số 03/2000/NĐ-CP (3-2-2000) của Chính phủ, nên trong hồ sơ phải có giấy chứng chỉ hành nghề y tư nhân do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

Căn cứ vào chứng chỉ hành nghề tư nhân trong lĩnh vực phòng khám chuyên khoa: giải phẫu thẫm mỹ, do Sở Y tế TPHCM cấp, nên UBND quận 3 cấp giấy chứng nhận ĐKKD hộ cá thể số 01336/HKD cho ông Ái với ngành nghề kinh doanh “giải phẫu thẩm mỹ và bán mỹ phẩm”.

Thời gian gần đây, cơ sở này có các hành vi vi phạm “hành nghề không đúng phạm vi được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, hành nghề khi giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đã hết thời hạn sử dụng” nên Sở Y tế đã có quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề y tư nhân đối với ông Nguyễn Xuân Ái và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân của hộ kinh doanh cá thể.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cá thể tại đây không vi phạm trong 4 trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD đối với hộ kinh doanh cá thể theo quy định tại Điều 47, Nghị định 88/2006/NĐ-CP, nên UBND quận 3 chỉ có thông báo yêu cầu hộ kinh doanh cá thể của ông Ái phải giảm ngành kinh doanh giải phẫu thẩm mỹ. Trong trường hợp ông Ái không làm thủ tục giảm ngành thì UBND quận 3 sẽ tiến hành xóa ngành kinh doanh này.

  • Quanh giấy chứng nhận ĐKKD cho Công ty Á Châu

Công ty này là loại hình công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Thực tế ngày 17-10-2001, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KHĐT cấp giấy chứng nhận ĐKKD số 4102006916 cho Công ty TNHH Phát triển giải phẫu thẩm mỹ Á Châu (địa chỉ 32D Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, quận 1) với 7 thành viên góp vốn, ông Nguyễn Xuân Ái là giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ngành nghề kinh doanh của công ty là đại lý mua bán ký gởi: hương liệu, mỹ phẩm, quà tặng; đào tạo dạy nghề (chỉ hoạt động khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật); săn sóc thẩm mỹ da toàn khoa (trừ hoạt động dịch vụ gây chảy máu); dịch vụ chuyển giao công nghệ, sáng kiến khoa học kỹ thuật trong ngành giải phẫu thẩm mỹ và thẩm mỹ. Sau khi được cấp giấy chứng nhận ĐKKD, Công ty Á Châu đăng ký thêm 5 đơn vị trực thuộc có cùng ngành nghề kinh doanh.

Các ngành nghề ĐKKD của công ty và chi nhánh không thuộc ngành nghề phải có chứng chỉ hành nghề trước khi cấp ĐKKD và không nằm trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 03/2000/NĐ-CP. Riêng đối với ngành kinh doanh “dịch vụ chuyển giao công nghệ, sáng kiến khoa học kỹ thuật trong ngành giải phẫu thẩm mỹ và thẩm mỹ” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi được cấp ĐKKD phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép mới được tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Căn cứ vào văn bản của Thanh tra Bộ Y tế (số 1075/TTra-CV3 ngày 14-11-2006), Sở KHĐT yêu cầu Công ty Á Châu phải giảm ngành kinh doanh “dịch vụ chuyển giao công nghệ, sáng kiến khoa học kỹ thuật trong ngành giải phẫu thẩm mỹ và thẩm mỹ”, do từ khi thành lập vào năm 2001 đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa được Bộ Y tế cấp phép. Đồng thời cũng yêu cầu công ty đổi tên cho phù hợp với ngành nghề kinh doanh theo quy định. Nếu công ty này không làm thủ tục giảm ngành nghề và đổi tên thì Sở KHĐT sẽ tiến hành xử lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Trao đổi với Báo SGGP, lãnh đạo Sở KHĐT khẳng định, việc xử lý sai phạm các cơ sở kinh doanh liên quan đến ông Nguyễn Xuân Ái đang được tiến hành theo đúng trình tự quy định của luật pháp.

VĂN MINH HOA

Trường hợp nào doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 165 Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD trong các trường hợp sau:

- Nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKKD là giả mạo.

- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp.

- Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD.

- Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6 tháng liên tục, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính.

- Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan ĐKKD trong thời hạn 12 tháng liên tục.

- Ngừng hoạt động một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan ĐKKD.

- Doanh nghiệp không gởi báo cáo hoạt động theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 163 của luật này đến cơ quan ĐKKD trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản.

- Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.

Tin cùng chuyên mục