Đảo Nam Du: Từ hoang sơ đến hoang tàn

Nam Du có vẻ đẹp hoang sơ nhưng nếu không có quy hoạch từ chính quyền và vận động người dân gìn giữ môi trường du lịch thì du khách sẽ quay lưng, một đi không trở lại.
Khu vực Hòn Mấu với đầy rác rến
Khu vực Hòn Mấu với đầy rác rến
Nam Du chắc hẳn là cái tên đang hot. Điều đó được minh chứng khi chúng tôi liên lạc đặt tour trọn gói đến đây trong những ngày hè. “Nhà mình đặt trước có hai tuần thì lấy đâu ra vé tàu và chỗ ngủ ưng ý? Ít nhất phải cả tháng. Nam Du giờ hot lắm”. Đó là câu trả lời của quản lý một công ty dịch vụ du lịch chúng tôi liên hệ. Hơn một tháng sau, chúng tôi đã có mặt ở Rạch Giá, chuẩn bị cho một chuyến hải hành đầy hứa hẹn.       

Mất hơn 5 giờ đi xe đò từ TPHCM xuống Rạch Giá, chúng tôi vạ vật ở cảng một lúc lâu mới được lên tàu cao tốc. Mùa hè, lượng khách đến Nam Du rất đông. Từ 4 giờ sáng, hàng quán ở bến cảng, khách ngồi, nằm chờ đợi đông nghẹt… 

Sau gần 3 giờ trên tàu, Nam Du hiện ra trước mắt. Một cầu cảng như khá nhiều cầu cảng đảo du lịch nào ở Việt Nam: ướt át, dơ dáy và xô bồ. Đi theo cậu hướng dẫn viên đen nhẻm, vừa quản lý nhóm khách của chúng tôi hơn 10 người, vừa quản lý một nhóm khách toàn người trẻ khác, chúng tôi hì hục mang vác hành lý, vượt qua một lô lốc hàng quán ken đặc ở bến cảng, cùng hàng trăm xe máy của lực lượng hướng dẫn viên ra vào dẫn khách và những lời mời chào mua me, mua hải sản lẫn thuê phòng, có mặt ở điểm tập kết. Cậu hướng dẫn viên đưa chúng tôi ra chiếc xe 16 chỗ, loại xe không còn sử dụng ở đất liền vì đã quá xuống cấp, nhét cả hành lý và người vào. Quay qua nhóm khách còn lại, cậu nói như phân trần: “Anh chị thông cảm, mùa này đông khách quá nên em phải lo cho cả hai nhóm một lúc. Các anh chị đi xe 16 chỗ, còn các bạn đi xe máy…”.

Nơi chúng tôi ở là một khu nhà nghỉ được cho là đẹp nhất nhì ở Nam Du với bãi tắm toàn sỏi. Nhà nghỉ đạt chuẩn, ăn uống vừa miệng, nhân viên niềm nở dễ mến, là những gì cảm nhận được khi chúng tôi đến nơi.

Gần 13 giờ, chúng tôi được đưa ra bến cảng lên tàu ra đảo Hòn Mấu để ngắm san hô và tắm biển. Là tàu du lịch nhưng hoạt động tự phát nên dịch vụ cũng theo kiểu tự phát. Dù trên tàu có áo phao nhưng cả hướng dẫn viên và chủ tàu đều không yêu cầu khách mặc. Gần 70 khách ghép lại từ 2 đoàn, ngồi vạ vật ở các ghế và khoang tàu, nhưng chỉ có hai hướng dẫn viên và vài người của tàu phụ trách. Cách Hòn Mấu khoảng 300m, du khách được phát áo phao và kính lặn để lặn ngắm san hô, ngoài áo phao ra thì trên tàu không còn phương tiện bảo hộ nào khác.

Sau khoảng 30 phút ngắm san hô, chúng tôi được gọi lên tàu để chuẩn bị xuống thuyền trung chuyển vào Hòn Mấu. Mỗi thuyền chứa khoảng 30 người ngồi chen chúc nhau đến mức không còn chỗ trống, thậm chí có người phải đứng vì hết chỗ. Tuyệt nhiên du khách không được trang bị áo phao, trên thuyền cũng không có áo phao và các thiết bị cứu hộ. “Đông quá rồi ông chủ ơi, bớt người lại đi. Mà sao thuyền không trang bị áo phao, nguy hiểm quá”, một du khách hốt hoảng hét lên. Thấy vậy, một trong hai chủ thuyền gắt gỏng: “Người ta đi vầy hoài có sao đâu, mỗi ngày mấy chục chuyến chứ có phải mình mấy người đi đâu mà lo”. Vừa dứt lời, chủ thuyền nổ máy, con thuyền ì ạch hướng vào bờ, xung quanh, hàng chục con thuyền khác cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo lời hướng dẫn viên du lịch, cả tàu du lịch và thuyền trung chuyển khách đều hoạt động tự phát, ai có tiền thì đóng tàu, thuyền ra kinh doanh. Mỗi lượt đưa, đón khách, chủ thuyền sẽ thu 5.000 đồng/lượt. “Du lịch ở đây chưa có ai quản lý, mạnh ai nấy làm. Anh em làm hướng dẫn nhận tour rồi kết nối với chủ tàu, chủ thuyền để làm. Nhìn vậy chứ mỗi lượt chủ thuyền cũng thu 150.000 đồng, ngày cuối tuần cũng kiếm chừng 2-3 triệu đồng, nhẹ tênh”, một hướng dẫn viên du lịch cho biết.

Vừa cập bến Hòn Mấu, chúng tôi khá bất ngờ với môi trường nơi đây. Cầu cảng cập vào Hòn Mấu cũng là cảng tạm, nhiều du khách phải lội nước để lên bờ. Ở cầu cảng ngập rác rến. Từ rác của các quán hàng rong, đến rác sinh hoạt của người dân sinh sống trên đảo, chất thành đống rồi tràn xuống cả bờ biển. 

Chúng tôi đi theo con đường mòn dẫn ra bãi tắm Hòn Mấu. Bãi tắm nhỏ nhưng bờ cát trắng và khá đẹp. Tuy nhiên, dịch vụ ở đây vô cùng tệ, các lán, chòi lá được dựng san sát, chiếm dụng toàn bộ mặt ngoài bãi tắm. Bàn, ghế được đặt tràn lan, lấn cả xuống bãi cát mép biển. Quán sá mạnh ai nấy bán, rác thải ném thẳng xuống bãi cát, sinh mùi hôi hám.        

Đó là ở Hòn Mấu, trở về đảo chính, lên xe đi một vòng quanh đảo, chúng tôi tiếp tục phát hoảng vì rác. Dọc theo con đường quanh đảo, có những bãi rác quá lâu ngày, mùi hôi nồng nặc, ruồi nhặng bu đầy. Người lái xe lẫn cậu hướng dẫn làm lơ khi chúng tôi thắc mắc chuyện rác tràn lan.

Ở Hòn Lớn có một bãi rác lớn, theo người dân cho hay, đây là nơi tập kết toàn bộ rác thải nhưng không có đơn vị nào dọn dẹp. Cũng có nhân viên công ích chở rác ra, rồi đốt, tàn tro bay khắp nơi. Ngay tại nơi chúng tôi ở, thay vì đi vứt rác, nhân viên nơi đây đã mang rác đi đốt ngay sát bờ biển. Khi thắc mắc sao đốt xong không dọn, họ trả lời thật gọn: Thủy triều lên, cuốn rác ra biển, lo gì!

Tương tự, bãi Cây Mến có các chòi cho du khách nghỉ ngơi, khu tắm nước ngọt và có dịch vụ nấu ăn. Rác thải cũng được người dân vứt xuống con mương nhỏ có dòng nước màu vàng sậm chảy ra biển. Tận dụng triệt để từ thiên nhiên, nước thải sinh hoạt, nước tắm, rửa chén… cũng chảy xuống mương khiến mương bị “ngộ độc”.

Nam Du làm du lịch kiểu gì? Những điểm tham quan nếu dẫn đi thì chỉ trong vòng 1 ngày sẽ hết, thế nên hầu hết các tour cố kéo dài thời gian. Như ra đảo ngắm san hô thì họ đưa du khách đến nơi san hồ gần như chết hết. Chỉ có một vị trí nhỏ mà quá nhiều tàu chở du khách đến, dẫn đến tình trạng quá tải.

Bãi tắm Hòn Mấu đã quá nhỏ mà còn bị người dân lấn chiếm gần hết bờ biển, tận dụng làm dịch vụ. Mạnh “đèn ai nấy sáng”, mỗi nhà lấn chiếm một kiểu khác nhau. Có nhà thì dựng chòi ra sát bãi biển, có nhà dựng thêm cây cầu hay cái xích đu trên biển để du khách chụp hình “check in” với phí 10.000 đồng/người. Điều đáng nói, mùa tháng 3 bãi tắm Hòn Mấu có dòng hải lưu kéo theo rác từ biển vào bờ, nhưng không ai dọn dẹp, ngay cả những nhà dựng chòi lên kinh doanh cũng không quan tâm. 

Theo H., một hướng dẫn viên du lịch, trước kia muốn qua Nam Du rất thuận tiện, dễ dàng, nhưng thời điểm hiện tại rất khó. Hiện nay, các “cò vé” tại bến tàu và một số công ty du lịch đã thâu tóm vé. Điều này dẫn đến việc không còn khách du lịch tự đi “phượt” mà phải thông qua các công ty du lịch. Nếu chỉ mua vé mà không mua trọn tour thì giá chênh lệch rất cao. Tuy nhiên đa phần các đơn vị không bán vé lẻ mà bán nguyên tour. Tuy chuyến tàu nhiều, nhưng thực tế người dân địa phương trên đảo cũng không thể đi qua nếu không mua trước, đặc biệt những ngày cuối tuần thì lại càng không có vé. Trừ khi có giấy đi khám bệnh của trạm xá mới được bố trí sắp xếp lên tàu.

Tương tự, một người dân trên đảo - kiêm hướng dẫn viên du lịch cho hay, người dân rất muốn làm theo kiểu “homestay” riêng biệt để có thêm nguồn thu nhập. Bởi các công ty trả giá rất bèo, nguyên nhân là do du khách không có vé tàu đi qua đảo. Mà muốn “qua sông phải lụy đò” nên du khách phải theo công ty du lịch. Nhờ có du lịch mà cuộc sống người dân khấm khá hơn trước, vì vậy người dân cũng phải bám víu công ty du lịch.

Hiện du khách sau khi tham quan Nam Du về thường có những đánh giá chưa hài lòng về điểm đến này. Người dân trên đảo không còn mộc mạc như cách đây vài năm, mà thay vào đó là hình ảnh quán xá, nhà nghỉ giá cao nhưng đồng thời chất lượng đi xuống. Bãi biển và toàn bộ đảo tràn ngập rác. Khu lưu trú không đạt chuẩn, thiếu phương tiện đi lại… 

Nam Du có vẻ đẹp hoang sơ nhưng nếu không có quy hoạch từ chính quyền và vận động người dân gìn giữ môi trường du lịch thì du khách sẽ quay lưng, một đi không trở lại. Nỗi lo về một Nam Du - từ hoang sơ đến hoang tàn, là sự thật…

Tin cùng chuyên mục