Đất sản xuất nông nghiệp: Người cần không có, người có thì… làm khó

Sản xuất nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao đã giúp cho nông nghiệp TPHCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất (đạt 410 triệu đồng/ha/năm 2017) và tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, vấn đề có được đất nông nghiệp để khởi nghiệp hay mở rộng sản xuất đang là bài toán khó.
6 lần tìm nơi thuê đất
Ông Nguyễn Văn Vinh (huyện Hóc Môn) đang thuê 1,7ha đất để trồng 200.000 chậu lan, thu nhập căn cơ hàng năm hơn 1 tỷ đồng. Điều băn khoăn của ông Vinh là tìm được thêm đất để mở rộng sản xuất.
Hơn 20 năm qua, ông vẫn không tìm được nơi để có thể sản xuất một cách ổn định. Vườn lan hiện nay là điểm thuê đất lần thứ 6. Ông Vinh kể, mảnh đất đầu tiên thuê là năm 1993. Khi ấy, quận 12 vẫn thuộc huyện Hóc Môn, đất nông nghiệp còn nhiều.
Đến 1997, quận 12 được thành lập, chỉ vài năm sau đó, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, chủ cho thuê lấy lại đất để tách thửa, phân lô và bán nền. Cứ thế, dần dần ông phải dạt ra huyện Hóc Môn mới có đất để thuê.
“Hiện tại, xung quanh khu đất thuê này đều đã xây dựng nhà cửa. Dù tôi rất muốn mua để sản xuất ổn định, nhưng không người nào muốn bán đất nông nghiệp. Giá đất bị đẩy lên liên tục trước những đợt “sốt đất”. Kiểu này chừng vài năm nữa quỹ đất nông nghiệp chỉ còn ở huyện Củ Chi”, ông Vinh nhận định.
Đất sản xuất nông nghiệp: Người cần không có, người có thì… làm khó ảnh 1 Mô hình nhà màng nuôi tôm kết hợp trồng rau phù hợp với nông nghiệp đô thị
Bà Nguyễn Hồng Nết (huyện Hóc Môn) thuê đất để trồng cây dược liệu, cũng muốn mở rộng diện tích sản xuất nhưng không thể tìm ra đất để thuê. Mảnh đất hơn 1ha hiện nay đã phải thuê từ nhiều chủ khác nhau, mà thời hạn cũng chỉ 3 - 5 năm.
Bà muốn tìm nơi thuê với thời hạn từ 10 năm trở lên để có thể yên tâm đầu tư công nghệ cao, ổn định sản xuất, nhưng quỹ đất nông nghiệp của Nhà nước thì không dễ gì với tới, còn đất của dân thì người bán, người không nên manh mún như kiểu da beo, khó đầu tư.
Một trường hợp khác, ông Lâm Thanh Hùng đã đầu tư làm nhà màng nuôi tôm kết hợp trồng rau thủy canh với diện tích 300m2 tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), có năng suất và chất lượng cao hơn so với sản xuất nông nghiệp bình thường.
Mô hình này phù hợp với nông nghiệp đô thị, nhưng toàn bộ xã Hiệp Phước nằm trong dự án “treo” của khu công nghiệp cảng Hiệp Phước.
UBND huyện cho biết, nông dân chỉ được sản xuất ổn định đến năm 2020. Một ao tôm nếu chỉ đầu tư thông thường như đào ao, xử lý nước, trải bạt… cũng đã tốn chi phí không nhỏ, nhưng chỉ được vài năm thì lại quy hoạch, nên không ai dám đầu tư mới, nói chi đến việc mua sắm thiết bị công nghệ cao. Hơn nữa, nếu dự án khu công nghiệp cảng được triển khai thì số tiền đầu tư đã bỏ ra không được bồi thường.
Theo UBND huyện Nhà Bè, hiện nay huyện còn 280ha đất nông nghiệp ở xã Long Thới và Nhơn Đức được quy hoạch thành khu dân cư phân tán sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, người dân 2 xã này có đất nhưng lại không thích sản xuất nông nghiệp mà chỉ muốn vào làm việc ở các nhà máy; còn người nơi khác có nhu cầu lại không có đất, nếu thuê để sản xuất thì giá quá cao so với mức độ sinh lợi từ nông nghiệp.
Đó cũng là thực trạng ở các huyện khác, nhiều người có đất nông nghiệp nhưng không thích sản xuất mà chỉ muốn làm công nhân để có thu nhập ổn định, đất nông nghiệp thì cho thuê ngắn hạn có thể lấy lại dễ dàng để bán làm đất thổ cư khi giá đất tăng cao. Điều này làm cho những người có nhu cầu sản xuất không thể thuê đất dài hạn được.
Đất giao khoán sử dụng không hiệu quả 
Ở TPHCM, quỹ đất nông nghiệp vẫn còn khá nhiều. Đoàn đại biểu HĐND TPHCM do bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì đã có buổi giám sát Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) về việc sử dụng đất.
Theo lãnh đạo SAGRI, đơn vị quản lý hơn 6.200ha đất tại huyện Củ Chi (Công ty TNHH MTV Bò sữa TP) và huyện Bình Chánh (Công ty Cây trồng TP). Thực hiện chính sách khoán đất trước đây, Công ty Cây trồng TP đã ký 672 hợp đồng giao khoán nên diện tích thực sự quản lý hiện không còn nhiều và hầu hết cũng manh mún.
Có 188 hợp đồng đến hạn vào cuối năm 2017, đa số đề nghị tái ký hợp đồng. SAGRI kiến nghị thanh tra toàn bộ đất đai, khoán đất… bởi đây là vấn đề rất phức tạp, có nhiều trường hợp hộ nhận khoán sử dụng không đúng mục đích, cũng không phải là dân địa phương.
Các hộ nhận khoán sản xuất manh mún, đất sản xuất xen cài đất ở. Nhiều hộ nhận khoán chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tiền thuê đất hàng năm.
Theo SAGRI, việc giao khoán đất nông nghiệp sản xuất thời gian qua nhìn chung không hiệu quả, lại phức tạp. Trong đó, cần chuyển đổi một số đất nông nghiệp sang mục đích khác để sử dụng hiệu quả hơn; cũng như kiến nghị TP có giải pháp hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng như thủy lợi, giao thông... cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà TP đã quy hoạch.   
Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho rằng cần rà soát quỹ đất nông nghiệp, nơi nào còn thì ưu tiên cho HTX, doanh nghiệp nông nghiệp thuê để phát triển sản xuất nông nghiệp lâu dài.
Để làm được điều này cần phải có quy định cụ thể việc cho thuê, nhận khoán phải có thời hạn dài. Từ đó, những người được thuê hay nhận khoán đất an tâm đầu tư, được vay vốn từ chính sách hỗ trợ của TPHCM thay vì phải chạy vạy nhiều nơi hay phải đi đến địa phương khác, trong khi đất nông nghiệp tại TP lại sử dụng không hiệu quả. 
Hợp tác xã (HTX) Đơn Dương (huyện Hóc Môn) phải chật vật kiếm đất thuê để mở rộng sản xuất. Sau khi thất bại trong việc tìm quỹ đất công còn trống, HTX chuyển sang hướng thỏa thuận thuê đất của người dân. Tuy nhiên, HTX muốn quy tụ đất thành trang trại rộng vài chục hécta để hướng đến sản xuất công nghệ cao, nhưng đất nông nghiệp của hộ dân lại nằm rải rác. Hơn nữa, thời hạn cho thuê cũng chỉ được 5 năm là cao nhất. Trong khi với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chi phí đầu tư thường lớn, thời gian thuê ngắn hạn sẽ gây nhiều rủi ro, khó có khả năng thu hồi vốn. Cuối cùng, HTX Đơn Dương quyết định qua tỉnh lân cận để đầu tư!

Tin cùng chuyên mục