Đầu tư hệ thống giao thông để huyện Củ Chi phát triển

Huyện Củ Chi, TPHCM còn quỹ đất rất lớn, thế đất cũng cao nên gần như không bị ngập nước… Ấy vậy mà so với nhiều khu vực khác của thành phố, có thể nói Củ Chi khá chậm phát triển cả về đô thị lẫn công nghiệp, dịch vụ… cho dù ở đây đã được quy hoạch khu đô thị Tây Bắc “hoành tráng”.
Hầm chui nút giao thông trên quốc lộ 22. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hầm chui nút giao thông trên quốc lộ 22. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhiều người cho rằng, đó là do hạ tầng và hệ thống giao thông qua khu vực này chưa thuận tiện… Vậy hệ thống giao thông nào sẽ giúp huyện Củ Chi phát triển?

Tháo “nút thắt” An Sương và phát triển BRT

Theo một chuyên gia của  Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nút giao thông lớn nhất kết nối huyện Củ Chi với trung tâm TPHCM hiện nay là nút giao thông vòng xoay An Sương - điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A, quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) và đường Trường Chinh. Trong đó, quốc lộ 22 giữ vai trò vận chuyển hàng hóa, hành khách từ tỉnh Tây Ninh và Campuchia về trung tậm thành phố khi nối vào trục đường xuyên tâm là đường Trường Chinh, còn quốc lộ 1 đảm nhiệm lưu thông xuyên suốt giữa các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.

Chính sự tụ hội này đã dẫn tới việc tập trung số lượng lớn các loại phương tiện giao thông qua vòng xoay An Sương. Mặc dù hướng giao thông qua nút trên quốc lộ 1 đã có cầu vượt, tức giao thông khác mức, nhưng các hướng giao thông khác đều có khuynh hướng tập trung vào đảo trung tâm. Từ đó, gây quá tải tại nút giao An Sương. Trên thực tế, hướng giao thông quốc lộ 22 - đường Trường Chinh dẫn về trung tâm thành phố và ngược lại, luôn chiếm lưu lượng xe lớn nhất đổ qua nút nên thường xảy ra ùn tắc, ùn ứ giao thông. Để giải quyết điểm nóng này, TPHCM đang triển khai xây dựng nút giao thông 3 tầng tại đây, đó là hầm chui bên dưới vòng xoay An Sương, nối thẳng đường Trường Chinh với quốc lộ 22. Đây là hầm chui kép, mỗi hướng giao thông có đường hầm riêng với tổng kinh phí đầu tư hơn 514 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.

Ngày 19-1-2017, chủ đầu tư dự án là Khu quản lý Giao thông đô thị (QLGTĐT) số 3, thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình này. Nhánh hầm đầu tiên thi công là nhánh hầm chui theo hướng từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22, về phía huyện Củ Chi (gọi tắt nhánh N1). Hiện nhánh hầm này đã được đưa vào sử dụng và chủ đầu tư đang thi công nhánh còn lại (nhánh N2).

Cũng theo vị chuyên gia trên, sau khi nút giao thông 3 tầng tại đây thi công hoàn chỉnh, sẽ giúp cải thiện tình trạng quá tải ở vòng xoay An Sương. Tuy nhiên, ngành giao thông nên nghiên cứu làm thêm tuyến BRT kết nối từ Tham Lương đến huyện Củ Chi. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương không dừng ở Tham Lương mà kéo dài lên huyện Củ Chi. Phần dự án từ Tham Lương đến huyện Củ Chi sẽ được đầu tư sau phần từ Bến Thành - Tham Lương. Do vậy, sẽ còn phải mất khoảng thời gian khá lâu, tuyến metro mới có thể hình thành. Trước mắt, toàn tuyến quốc lộ 22 cơ bản chưa bị quá tải nên hoàn toàn có thể sắp xếp 1 làn đường dành riêng cho xe công cộng thông suốt lên huyện Củ Chi và đây sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển vùng “đất thép”.

Hài hòa cảnh quan sông nước

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea), cho biết Horea vừa gửi kiến nghị đến các ngành chức năng của TPHCM, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu,  đưa ý tưởng “xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn” vào quy hoạch đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư 650 triệu USD, dài gần 85km, quy mô 6 - 8 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/giờ. Tuyến đường có điểm đầu tại nút giao Thủ Đức và điểm cuối tại ngã tư giao giữa quốc lộ 22 với đường tỉnh 786, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ngày 21-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong tháng 9-2018, Bộ Giao thông Vận tải phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này để có chủ trương cụ thể về việc giải phóng mặt bằng. Theo Horea, nếu có thêm đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ tăng thêm trục giao thông về phía Tây Bắc TPHCM, phá thế độc đạo của quốc lộ 22 hiện nay.

Đánh giá về đề xuất trên của Horea, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho rằng TPHCM đang triển khai nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố; do đó, đề xuất sẽ được xem xét chung trong tổng thể điều chỉnh quy hoạch, theo hướng tổng hòa các lợi ích khác về môi trường, cảnh quan… vì hiện nay dọc tuyến sông Sài Gòn (đoạn về phía huyện Củ Chi) đã có quy hoạch phân khu theo hướng giữ gìn cảnh quan sông nước, cây xanh cho cả khu vực. Vì thế, một tuyến đường cao tốc chạy qua, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan chung. Trong khi huyện Củ Chi rất cần có không gian sông, nước và cây xanh để điều hòa không khí, nhiệt độ cho vùng đất có thời tiết nóng này.

Tin cùng chuyên mục