Dạy tiếng Anh ở trường phổ thông: Khó đạt chuẩn chất lượng như mong đợi

Tiếng Anh là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 3 đến hết lớp 12, với mục tiêu chính là hình thành, phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh thông qua 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. 
Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ giáo viên hiện tại, nhiều ý kiến lo ngại môn học quan trọng này sẽ đi vào “vết xe đổ” của Đề án Ngoại ngữ 2020.  
Thiếu bột khó gột nên hồ!
Mới đây, báo cáo tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2017-2018 ở bậc tiểu học, ông Hoàng Trường Giang, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT  TPHCM), cho biết hiện nay tổng nhu cầu giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh ở các trường tiểu học trên toàn TP là 2.520 người, nhưng mới tuyển được 1.797 giáo viên, tức còn thiếu gần 30% so với nhu cầu.
Dự báo đến năm học 2019-2020, con số này sẽ tăng lên 85,88%, như vậy vẫn thiếu gần 15%. Về đội ngũ giáo viên người nước ngoài, toàn TP hiện có 48,06% giáo viên người nước ngoài trong tổng biên chế giáo viên tiếng Anh.
Dạy tiếng Anh ở trường phổ thông: Khó đạt chuẩn chất lượng như mong đợi ảnh 1 Một tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp)
Dự báo đến năm học 2019-2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên 63,04%. Trong đó, hầu hết giáo viên nước ngoài đều được các trường ký hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ đưa vào trường phổ thông giảng dạy, dẫn đến tình trạng trường học không kiểm soát được nguồn tuyển.
Khi hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ này hết hiệu lực, nhà trường phải gấp rút tìm trung tâm khác thay thế, thiếu chủ động trong quản lý và sử dụng nhân sự. 
Ngoài ra, cũng theo đại diện Sở GD-ĐT, nguyên nhân lớn nhất khiến tuyển giáo viên tiếng Anh hiện nay luôn gặp khó là do bất cập trong quy định tính lương và chế độ đãi ngộ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết trước đây TP từng kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên đặc thù này, nhưng công văn trả lời của bộ nêu rõ “Giáo viên tiếng Anh thuộc nhóm đối tượng giáo viên tiểu học, nên vẫn áp dụng quy định số tiết nghĩa vụ chung cho giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần”.
Điều này đồng nghĩa giáo viên phải dạy đủ 23 tiết/tuần, từ tiết 24 trở đi mới được tính thu nhập tăng thêm như tất cả môn học khác. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả giáo viên trúng tuyển viên chức ở bậc tiểu học đều được tính hệ số lương khởi điểm là 1,86 dù có bằng cao đẳng và đại học (ngang bằng với hệ số lương trình độ trung cấp), nên không thu hút giáo viên.
Ông Hiếu bày tỏ, quy định này không còn phù hợp thực tế, vì trước đây môn Tiếng Anh không có trong chương trình giáo dục chính khóa ở bậc tiểu học. Nhưng nay với những yêu cầu đổi mới, trong đó môn Tiếng Anh được xác định là một trong những môn học quan trọng thì phải tính toán lại chế độ lương bổng, đãi ngộ cho đội ngũ này. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều quận - huyện ở TPHCM đang trong tình trạng co kéo, tận dụng mọi nguồn lực xã hội hóa, học phí thu thêm của chương trình Tiếng Anh tăng cường để tăng thêm thu nhập nhằm giữ chân giáo viên dạy Tiếng Anh.
Bà N.T.M.T, nguyên giáo viên tiếng Anh một trường tiểu học ở quận 3, cảnh báo nếu trường công không có chính sách thu hút, giáo viên tiếng Anh sẽ chạy sang các trường tư hoặc trung tâm ngoại ngữ.
“Một tiết đứng lớp ở trường công chúng tôi chỉ được trả vài chục ngàn đồng, trong khi cũng chừng đó thời gian dạy ở trường tư hoặc thỉnh giảng ở các trung tâm, thu nhập có thể tăng gấp ba, bốn lần”, giáo viên này thẳng thắn chia sẻ.  
Tận dụng tối đa nguồn xã hội hóa
Khi được phỏng vấn, tất cả giáo viên tiếng Anh đều cho biết để việc học ngoại ngữ có hiệu quả, ngoài các tiết học lý thuyết trên lớp, học sinh cần có cơ hội được cọ xát, thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ như tham gia hội thi, thuyết trình, thực hiện sản phẩm thông qua các dự án bằng tiếng Anh, học qua các công cụ kết nối như Skype, Internet để hình thành kỹ năng phản xạ.
Ngoài ra, tại nhiều trường tiểu học hiện nay đang sử dụng thêm các phần mềm bổ trợ như Phonics UK, Dyned, E.Study, I-learn, Ismart… để tăng thêm hiệu quả giảng dạy.
Tuy nhiên, tất cả những hoạt động, công cụ hỗ trợ nói trên đều chưa được quy định về sử dụng kinh phí. Khi triển khai, trường học phải kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh hoặc từ các nguồn xã hội hóa.
Một thực tế khác, dù hiện nay tỷ lệ bảng tương tác được sử dụng ở các trường tiểu học là 136,97% (tức mỗi trường đều được trang bị ít nhất một bảng tương tác), tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Phòng Giáo dục tiểu học, màn hình nhiều bảng tương tác đang mờ dần, một số công cụ hỗ trợ có dấu hiệu hư hỏng nhưng chưa có kinh phí thay mới.
Thêm vào đó, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy tiếng Anh hiện nay chưa đồng đều giữa các đơn vị. Nhiều nơi do sĩ số học sinh/lớp đông, không còn chỗ đặt bảng tương tác trong lớp học nên phải đặt ở thư viện, hoặc sảnh sinh hoạt, gây bất tiện cho việc học tập của học sinh. 
Bên cạnh đó, quy định về số tiết học môn Tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố theo đánh giá của nhiều giáo viên là vẫn chưa nhiều, chưa có sự liên hệ đầy đủ giữa dạy và học tiếng Anh với các môn khoa học khác.
Do đó, để tránh đi vào ngõ cụt như Đề án Ngoại ngữ 2020, cơ quan chủ quản cần có thêm những nghiên cứu, tính toán để việc tổ chức dạy và học tiếng Anh đi vào thực chất, tránh hô hào, đổi mới trên bề nổi, gây thiệt thòi cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục