
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Dự thảo luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc; không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.
Có ý kiến đề nghị không quy định chính sách về nhà ở công vụ đối với nhà giáo mà tuân thủ theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, chính sách về nhà ở công vụ cho nhà giáo không mâu thuẫn với Luật Nhà ở, vì đây là đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Luật Nhà ở.
Dự thảo luật bổ sung chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở (bằng mức tiền thuê nhà ở công vụ) trong trường hợp nơi nhà giáo đến công tác không bố trí được nhà ở công vụ, nhà ở tập thể.

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đều thống nhất giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non.
Dự thảo luật cũng quy định đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao; nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhằm tận dụng, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao; khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần. Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý...
Thảo luận tại hội trường, các ý kiến thảo luận cũng tập trung vào những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đã nêu. Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm đến nội dung những việc nhà giáo không được làm, trong đó có ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

Đại biểu (ĐB) Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, dạy học ngoài chương trình chính khóa là một nội dung có rất nhiều ý kiến khi xin ý kiến tại địa phương. Có ý kiến cho rằng, nếu quy định rõ ràng nội dung này sẽ giúp phân biệt được dạy chính khóa và dạy thêm, đồng thời tăng tính minh bạch, quản lý chặt chẽ gắn trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm.
Tuy nhiên, nội dung này đã được điều chỉnh riêng tại Thông tư số 29/2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Do đó, nếu đưa vào trong Luật Nhà giáo sẽ chồng chéo hoặc mâu thuẫn với văn bản hiện hành. Hơn thế nữa, dạy thêm không phải là hoạt động bắt buộc, mang tính phổ quát, nên nếu đưa dự thảo luật có thể làm lệch định hướng phát triển nghề nghiệp giáo viên theo hướng chuẩn mực, sư phạm.
Bởi vậy, để không hợp pháp hóa việc dạy thêm tràn lan, đồng thời vẫn ghi nhận thực tế nghề nghiệp, giữ được tính pháp lý và định hướng đạo đức nhà giáo, ĐB đề nghị chỉ bổ sung vào dự luật quy định các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa (bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ theo đúng quy định của pháp luật) cũng được coi là một phần của hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ quy định quản lý dạy thêm, học thêm hiện hành.

Trong khi đó, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của xã hội, không thể quy hết cho giáo viên. Khi có nguyện vọng của gia đình, giáo viên lựa chọn dạy thêm để có thêm thu nhập. Việc giáo viên không dành thời gian cho gia đình, tạo lợi ích cho xã hội, tăng thu nhập cho bản thân là chính đáng. Điều cần cấm là các hành vi tiêu cực ép học sinh học thêm.
Do đó, dự thảo luật nên quy định “cấm tham gia dạy thêm trái quy định pháp luật”. Bởi hiện nay có nhiều hình thức không ép buộc nhưng vẫn gây áp lực khiến học sinh đăng ký đi học thêm, đặc biệt với học sinh cấp tiểu học. ĐB cũng đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm và công khai các quy định để thực hiện.
Tranh luận với các ĐB, ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, rất khó để quy định trong luật như thế nào là gợi ý học thêm, do đó cần có bộ quy tắc ứng xử riêng của nhà giáo ngoài luật để giải quyết vấn đề này...
Điều 11. Những việc nhà giáo không được làm
1. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức; nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 điều này và hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, nhà giáo không được làm các việc sau:
a) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
b) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
c) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
d) Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
đ) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.