Tinh thần cách mạng dẫn dắt cải cách giáo dục

Nhìn lại nửa thế kỷ với biết bao đổi thay, biến chuyển của một vùng đất năng động, ngành giáo dục và đào tạo xứng đáng là nét chấm phá rực rỡ trong bức tranh chung của thành phố phương Nam mang tên Bác. Một hành trình vượt khó với tinh thần cách mạng không ngừng vận động, cải tổ chính mình với nhiều quyết sách táo bạo, có tính khai phá, mở đường...

Những “nước đi” quyết định

Từ năm 1975 đến nay, giáo dục phổ thông nhận được sự quan tâm của Đảng thông qua 3 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 04- NQ/NQTW khóa VII năm 1993 khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu;” Nghị quyết TW2 khóa VIII năm 1996 xác định “Giáo dục là động lực phát triển đất nước” mở ra nhiều cơ hội để phát triển giáo dục về cơ sở vật chất trường lớp, lực lượng sư phạm và đổi mới quản lý nhà trường; Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI năm 2013 “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

viber_image_2025-04-01_19-39-10-317.jpg
Thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ năm 1975 đến nay, chủ trương cải cách giáo dục có 3 lần cải cách: Cuộc cải cách giáo dục từ năm 1975 đến 1981 thực hiện Chương trình giáo dục mới khi hòa bình lập lại, thống nhất chương trình 12 năm trên cả nước. Lần cải cách năm 1998 thực hiện Chương trình phổ thông năm 2000 đổi mới phương pháp dạy học, giảm lý thuyết từ chương, tăng thực hành vận dụng. Và năm 2013 thực hiện đổi mới căn bản toàn diện theo hướng hội nhập quốc tế, triển khai Chương trình phổ thông mới 2018.

Đây là lần đổi mới toàn diện vừa phù hợp với xu thế phát triển của đất nước hội nhập quốc tế; vừa thể hiện đúng với bản chất khoa học của sự nghiệp giáo dục, phải đổi mới toàn diện, đồng bộ từ mục tiêu giáo dục, nội dung, phương pháp, cơ sở vật chất - kỹ thuật và đánh giá thi cử mới có thể đem lại kết quả tổng thể, căn cơ.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc, chất lượng các chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ thực tiễn và thể trạng của mình, những người thầy nơi đây đã chủ động nghiên cứu, học tập, tiên phong đổi mới quản lý, cải tiến phương pháp dạy học, thay đổi từ lượng đến chất để đáp ứng yêu cầu đề ra của cuộc sống. Một quá trình xuyên suốt trải qua nhiều “nhiệm kỳ lãnh đạo”, phàm đã làm quản lý ở thành phố năng động này hiếm khi không quyết liệt, trong đó có giáo dục. Không chỉ làm đúng, làm trúng những quyết nghị từ cấp trên (Trung ương) mà những nhà sư phạm ở TPHCM còn không ngại thử sức, tìm tòi cái mới, vượt qua thành tích chính mình của giai đoạn cũ… Để rồi năm lần bảy lượt, với những bước đi táo bạo đã tạo ra diện mạo của giáo dục TPHCM ngày nay, có thể chia thành 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1975-1990 hết sức đặc biệt, hòa bình vừa được lập lại, công lập hóa các trường tư, chương trình giáo dục được cải cách thống nhất trên cả nước, giáo viên thiếu thốn về số lượng, chất lượng sư phạm đang trong quá trình củng cố, đào tạo bồi dưỡng đồng bộ theo quan điểm cách mạng. Trường lớp thiếu thốn, một bộ phận học sinh phải học ca 3, ca 4. Điều kiện sinh hoạt nhà trường hết sức khó khăn, nhiều giáo viên phải bỏ nghề hoặc kiếm sống bằng nghề tay trái. Đến năm 1987, một số lớp hệ B và bán công bắt đầu được mở ra thu một phần học phí để góp phần tăng nguồn đầu tư từ xã hội, nhà trường bắt đầu khởi sắc vượt qua được khó khăn. Từ thực tế và cách làm của TPHCM, tháng 12-1988, Quốc hội cho phép nhà trường trên cả nước thu một phần học phí.

Bước sang giai đoạn 1991-2000 là lúc nền giáo dục và đào tạo tiếp nhận chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước (1986). Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế các trường ngoài công lập: bán công, dân lập, tư thục, được huy động nguồn lực đầu tư giáo dục từ xã hội, chủ trương xã hội hóa giáo dục và đa dạng hóa trường lớp đã được Nhà nước ban hành. Một lần nữa, TPHCM được Bộ GD-ĐT chọn tổ chức hội nghị nhân điển hình cho cả nước do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân và Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Nguyễn Đình Tứ chủ trì vào năm 1993.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam nhân điển hình về đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện bộ sách giáo khoa năm 2000 theo tinh thần cải cách lần này. Cũng chính nơi đây, lực lượng sư phạm đã phát hiện sự bất cập của chủ trương đổi mới phương pháp dạy học trong khi các thành tố khác chưa được thay đổi đồng bộ, vì thế mạnh dạn đề xuất với Bộ GD-ĐT phải có công cuộc đổi mới căn bản toàn diện sự nghiệp GD-ĐT nước nhà.

Đến giai đoạn 2001-2010, ngành GD-ĐT của TPHCM phát triển tương đối đồng bộ trên các mặt về cơ sở vật chất kỹ thuật, quy mô, phổ cập giáo dục và cả chất lượng chuyên môn. Đây cũng là giai đoạn ngành GD-ĐT thành phố đổi mới tích cực, nhanh và hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ. Trong khảo sát yếu tố hài lòng của người dân thông qua Hội đồng Nhân dân, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhận được sự hài lòng cao nhất.

0-02-06-02158566707f6ca2a2a14456012f5d7e7caf40924ed9681885d764ae22e55a16_5b6bbfe75209cb71.jpg
Sinh viên, học sinh trải nghiệm Phòng lab robot ở Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Ảnh: TRUNG NHÂN

Nếu như những giai đoạn trước đi xây những viên gạch đầu cho từng mục tiêu lớn lao và mới mẻ thì giai đoạn 2011-2020 là củng cố và phát huy những thành tựu đổi mới căn bản toàn diện theo hướng hội nhập quốc tế. Từ đó mở đường tạo cơ hội cho TPHCM thực hiện tinh thần Nghị quyết 29 với chiều sâu tích cực từ nhận thức đến hoạt động chuyên môn, đem lại cho con em thành phố một nền giáo dục tích cực, tiến bộ bậc nhất về mặt tổ chức quản lý, phương pháp dạy học và thi cử, đánh giá theo chỉ đạo đổi mới của Bộ GD-ĐT.

Trong giai đoạn 2021-2025, một diện mạo mới dần hiển hiện. Đây là giai đoạn giáo dục thành phố phát triển theo yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh. Lực lượng quản lý và nhà sư phạm đã tiến những bước thật dài về ngôn ngữ tiếng Anh và trình độ công nghệ thông tin. Đây là những cơ sở nền tảng, quan trọng để đảm đương nhiệm vụ giáo dục thế hệ tương lai trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão với sự ra đời của AI…

Nền giáo dục đại chúng tiến bộ

Khác với giáo dục chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu cá nhân, nền giáo dục phổ thông hướng đến đại chúng, mang đến sự công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục và thụ hưởng tri thức. Phục vụ số đông nhưng làm sao để không “cào bằng” và hướng đến những mục tiêu toàn diện, tiến bộ? Đó là một mệnh đề cực khó cho những nhà giáo dục phổ thông của một thành phố năng động, luôn đổi mới và sức ép dân số cực lớn như TPHCM. Trong 50 năm, với 3 lần cải cách, 5 giai đoạn thực thi, “nhảy cấp” để phục vụ sự nghiệp giáo dục và làm hài lòng người dân bằng những kết quả có thể đo lường định lượng một cách “sòng phẳng”.

Về cơ sở vật chất, trường lớp, đầu năm 2003, Quyết định 02/2003/QĐ-UB của UBND TPHCM về quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020 thúc đẩy các quận, huyện xây dựng trường lớp để đảm bảo yêu cầu học tập của con em địa phương. Mỗi năm học, toàn thành phố xây dựng thêm cả ngàn phòng học mới đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày, nhiều quận, huyện đạt tỷ lệ 70-80%. Giải tỏa toàn bộ các cơ sở thuê mướn mặt bằng để trả lại không gian cho môi trường sư phạm, đảm bảo sỉ số lớp học theo tiêu chuẩn 45 học sinh/lớp ở bậc Trung học, 35 học sinh/lớp ở bậc Tiểu học và theo quy chuẩn nhóm lớp của các trường mầm non.

Về phổ cập giáo dục, tiếp theo thành quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi của thành phố năm 1995, năm 2001 được công nhận phổ cập trung học cơ sở và phổ cập trung học năm 2009. Các trường trung cấp chuyên nghiệp được nâng cấp thành cao đẳng và đại học, nâng tỷ lệ học nghề của người lao động thành phố lên đến 60%.

Đảm bảo chất lượng chuyên môn đồng đều giữa các khu vực nội, ngoại thành và vùng ven, thành phố nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông hàng năm và đạt vị trí nhất nước vào năm học 2005-2006 và những năm tiếp theo. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thi vào các trường đại học cũng phát triển không ngừng.

Về hội nhập quốc tế, thành phố thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế, giảm sỉ số học sinh trong lớp, đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới toàn diện theo hướng hội nhập quốc tế.

viber_image_2025-04-01_19-39-11-473.jpg
Tuyên truyền giáo dục về kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường cho học sinh các cấp học tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3

Phát huy hiệu quả của lớp tăng cường tiếng Anh được xây dựng từ lớp 1, hàng loạt trường tiểu học đã mở lớp tăng cường tiếng Anh góp phần phát triển ngoại ngữ từ nhỏ cho học sinh và đỉnh cao là xây dựng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Năm 2006, Sở GD-ĐT đã ký kết với Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge (Anh) thực hiện các kỳ thi chuẩn tiếng Anh châu Âu tại TPHCM. Từ đó, tiếng Anh của học sinh thành phố thường xuyên dẫn đầu trong cả nước và đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực hội nhập của thành phố.

Từ đây nhìn lại những ngày đầu sau giải phóng, nền GD-ĐT TPHCM cùng những thế hệ học sinh đã tiến bước dài với những đổi thay to lớn. Những thành tựu đạt được hôm nay tưởng chừng trong mơ của những tháng ngày cách đây 50 năm. Đây là những hành trang vững chãi để tiến vào kỷ nguyên mới với đích đến rất cụ thể, là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, bước đi đầu tiên và tiên quyết chính là phát triển bộ máy cái - GD-ĐT, thực mạnh để tạo ra con người, thế hệ, đội ngũ đủ mạnh, vững vàng, làm chủ và dẫn dắt cả dân tộc, đất nước vươn mình.

Chuyển từ đào tạo con người từ chương thành con người năng lực

Chương trình dạy học nặng lý thuyết từ chương ít trải nghiệm thực hành, dạy theo bài mẫu thay đổi thành tạo điều kiện cho người học suy luận, phân tích thực tế.

Chương trình giáo dục phải tiếp cận với giáo dục tiên tiến của các nước, coi trọng phương pháp dạy học cá thể, sát với từng đối tượng học sinh, tạo điều kiện phát huy tối đa năng khiếu của trẻ.

Cần có những ngôi trường thông minh, khang trang, tiện lợi theo chuẩn quốc tế cho quá trình học tập trải nghiệm của học sinh với những phương pháp học tập tích cực.

Phát triển lực lượng sư phạm số lượng gấp 10 lần, đáp ứng yêu cầu đào tạo đa dạng hóa giáo dục hiện đại. Thầy cô giáo phải được chuẩn hóa chất lượng, chủ đạo hướng dẫn học sinh chủ động học tập tích cực, không còn áp đặt một chiều.

Về thi cử, đánh giá, nhà trường quan tâm đến sự nỗ lực của từng học sinh trong quá trình học tập, đánh giá thường xuyên bên cạnh đánh giá định kỳ, động viên từng học sinh tích cực phấn đấu học tập.

Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

TS HUỲNH CÔNG MINH

Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Tin cùng chuyên mục