Để nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền

Sáng 6-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Vấn đề tiền lương của nhà giáo tiếp tục được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Tại báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày, cho thấy, về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, nhiều ý kiến tán thành giao thẩm quyền cho ngành giáo dục; có ý kiến đề nghị phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền tuyển dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là cần thiết, tạo điều kiện để ngành chủ động tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.

Có ý kiến đề nghị xem xét chính sách điều động đối với viên chức là nhà giáo, UBTVQH nhận thấy, việc điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập là một chính sách mới và cần thiết, tạo điều kiện cho ngành giáo dục điều chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ, bảo đảm chất lượng giáo dục cho các khu vực, địa bàn.

Dự thảo luật đã quy định rõ đối tượng, nguyên tắc điều động, thẩm quyền điều động, các trường hợp không được điều động đối với nhà giáo; bổ sung trường hợp điều động nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm giải quyết chính sách cho đối tượng này; giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều động nhà giáo…

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Quảng Nam).jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị quy định rõ hơn về các trường hợp nhà giáo được kéo dài thời gian làm việc.

Đối với chế độ lương nhà giáo, ĐB Nguyễn Hữu Thông đồng ý như dự thảo, đó là lương được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhưng theo ĐB, nếu quy định như vậy mà không có quy định cụ thể thì có thể gây phản ứng của những ngành khác. Do đó, lương nhà giáo cần gắn với vị trí việc làm, chất lượng nhà giáo để bảo đảm công bằng. Về chính sách thu hút, cần bảo đảm là động lực để người giỏi vào ngành sư phạm.

Theo ĐB Bế Trung Anh (Trà Vinh), vận mệnh quốc gia phụ thuộc vào giáo dục, còn chất lượng giáo dục phụ thuộc vào giáo viên, nếu xác định như trên thì đừng dành cho nhà giáo thuật ngữ ưu đãi. Họ chỉ cần xã hội đánh giá đúng vai trò đặc biệt của mình với đãi ngộ xứng tầm.

Chúng ta có cảm nhận, các nhà giáo ngày xưa được tôn trọng hơn bây giờ. Lúc đó họ có điều kiện, tâm huyết với nghề lái đò của mình, không cần suy tính hơn thiệt vì xung quanh không có ai thu nhập nhiều hơn. Nay mọi thứ đã khác, nhiều ngành nghề đã vượt lên, để lại các thầy, cô vẫn ngơ ngác với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải

- ĐB Bế Trung Anh phát biểu.

ĐB cho rằng, để dạy học, giữ nghề và chứng minh con đường đã chọn, để con cái "bằng bạn bằng bè" thì giáo viên phải làm thêm, như bán hàng online, một số thầy giáo chạy xe ôm, cô giáo làm “cò đất”.

"Nếu vậy sẽ chẳng ai trân quý một người không toàn tâm toàn ý với công việc, đặc biệt là việc dạy người. Khi tiền lương không đủ trang trải, câu hỏi đó len lỏi trong sâu thẳm mỗi giáo viên. Đây là những câu hỏi cần có câu trả lời không chỉ đối với những người làm giáo dục", ĐB nêu.

Đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh).jpg
Đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng theo ĐB Bế Trung Anh, khái niệm "bạo lực học đường" đã lạc hậu khi chưa kịp bổ sung hành vi mới, bởi thầy, cô giáo cũng là nạn nhân của học sinh và phụ huynh.

“Dư luận xã hội phần thì nói học sinh có lỗi, phần thì nói do gia đình, nhà trường, giáo viên. Bất kể nguyên nhân từ đâu thì nguyên nhân sâu xa là do chính sách với nhà giáo chưa đảm bảo cuộc sống thường nhật để họ tập trung vào chuyên môn, sang trọng với nghề, ngạo nghễ với trò và có uy tín với xã hội”, ĐB Bế Trung Anh nêu.

Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội không chỉ phê chuẩn, thông qua luật này mà còn phải nỗ lực điều chỉnh gần với thực tiễn hơn nữa để nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền, chạy bữa; để họ tự hào với nghề, toàn tâm toàn ý cho việc dạy dỗ…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, khuyến khích các địa phương có điều kiện thì chăm lo cho giáo viên, đơn cử như TPHCM đang làm rất tốt. Còn những nơi khó khăn, nhà nước cần quan tâm thêm. Hiện nay, nhà giáo ở những vùng khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.

Bộ trưởng cho rằng, cả trung ương, địa phương cùng quan tâm, chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.

Về tuyển dụng giáo viên, Bộ trưởng cho biết, nguyên tắc là ở đâu sử dụng lao động thì ở đó có quyền tuyển dụng. Nhưng quy định này khó thực hiện ở các trường mầm non, vì thế quy định là: đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập, cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì thực hiện tuyển dụng; giao người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện tuyển dụng nếu cơ sở giáo dục đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo được quy định như sau:

a) Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập, cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì thực hiện tuyển dụng; giao người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện tuyển dụng nếu cơ sở giáo dục đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT;

b) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện;

c) Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục;

d) Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, việc tuyển dụng nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

đ) Đối với cơ sở giáo dục khác, việc tuyển dụng nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục quyết định.

Tin cùng chuyên mục