Đến gần với bạn đọc

Tại một cuộc tọa đàm về xuất bản diễn ra ở TPHCM vừa qua, đại diện một trong những tập đoàn xuất bản lớn của thế giới đã tiết lộ, xu hướng của các NXB, đơn vị làm sách trên thế giới hiện nay là xích gần đến với bạn đọc bằng nhiều hình thức.
Bạn đọc chọn sách tại Hội sách TPHCM lần thứ X
Bạn đọc chọn sách tại Hội sách TPHCM lần thứ X
Việc xích lại gần này được cho là biện pháp cần thiết nhằm ứng đối với tình hình chung của ngành xuất bản khi vai trò xuất bản, phát hành đang dần nghiêng về các tập đoàn truyền thông lớn.
Những Google, Amazon, Apple… với ưu thế tuyệt đối về tầm ảnh hưởng đã đưa đến bạn đọc những cuốn sách từ sách giấy đến sách số với thời gian và chi phí hấp dẫn. Đặc biệt, do được xây dựng trên nền tảng kết nối thông tin trực tiếp, các đơn vị này trong vai trò xuất bản có thể dễ dàng tiếp cận người đọc, nhận các phản hồi, phân tích các lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách phù hợp… một cách dễ dàng.
Trong khi đó, với xuất bản truyền thống, việc tiếp xúc với bạn đọc luôn là một vấn đề, đa số đều rất hạn chế, chỉ có thể thông qua các cuộc giao lưu, các hội chợ sách… Chính vì thế, xu hướng xích gần đến bạn đọc đang trở thành tất yếu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xuất bản trong thời đại hiện nay.
Tại Việt Nam, việc các đơn vị xuất bản kết nối với bạn đọc không phải là điều xa lạ. Từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, các NXB đã có tâm thế gắn kết với bạn đọc. Do giới hạn của phương tiện khi đó, cách kết nối tiện lợi nhất là thư từ nên nhiều tác phẩm đều trân trọng đăng rõ địa chỉ, cách liên hệ với đơn vị xuất bản ở vị trí dễ thấy nhất, thường là bìa 2 của sách.
Thậm chí, có cuốn sách còn cẩn thận đính kèm cả một con tem nhằm giúp bạn đọc tiện hơn trong việc gửi thư về NXB. Thế nhưng, theo thời gian, việc kết nối này dần biến mất, các cuốn sách vẫn có địa chỉ đơn vị xuất bản ở bìa cuối nhưng việc ghi vào chỉ là do luật quy định. 
Hiện nay, việc gắn kết với bạn đọc đang ngày càng được quan tâm hơn. Đơn giản nhất là thành lập các fanpage trên mạng xã hội. Tại đây, bạn đọc có thể cập nhật thông tin mới về sách, nhận thông báo về các chương trình giao lưu, ký tặng, giảm giá sách, góp ý về sách…
Mới hơn, việc tiến gần đến bạn đọc còn được phát triển về hướng công nghệ như NXB Trẻ với mô hình “tem thông minh”. Loại tem dán trên sách này có thể giúp bạn đọc kiểm tra thật giả của sách, kiểm tra các thông tin về sách, như có bản mới chưa, có chỉnh sửa, bổ sung gì của sách không… Với NXB, thông qua thông tin từ bạn đọc, họ có thể xác nhận số sách bán ra, khu vực bán, nhu cầu của bạn đọc. 
Vừa qua tại Hội sách TPHCM, Công ty sách Anbooks giới thiệu mô hình sách kiểu mới, tương tác trực tiếp với bạn đọc.
Theo đó, mỗi cuốn sách do đơn vị này xuất bản sẽ gắn kèm một mã QR gắn ở bìa cuối sách. Người mua sách có thể quét mã này để kết nối với đơn vị làm sách, được cung cấp các thông tin như tác giả, đơn vị xuất bản, các sự kiện sắp tổ chức liên quan đến sách, góp ý các điểm chưa được của sách… Bạn đọc sẽ nhận được tư vấn của những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực có liên quan đến nội dung của sách. Đây là cách làm độc đáo, lần đầu xuất hiện trên sách ở Việt Nam. 
Các hình thức tương tác thông minh kiểu này vẫn còn nhiều nhược điểm, như việc người đọc có thể không mua sách nhưng vẫn có thể quét mã sách tại các nhà sách, việc sách lậu có thể sao chép các dạng mã in, vấn đề tương tác kéo dài trong bao lâu vì đời sống của sách vốn khá dài, trong khi kinh phí đơn vị có giới hạn… Tuy nhiên, việc đang có ngày càng nhiều các đơn vị xuất bản chú tâm hơn đến việc tiếp cận bạn đọc, là điều đáng ghi nhận.

Tin cùng chuyên mục