Điện ảnh Việt: Khi “đầu tàu” đổi hướng

Vài năm gần đây, khi thị trường điện ảnh Việt phát triển như vũ bão cả về số lượng và chất lượng, phim nhà nước đã hoàn toàn đuối sức trong cuộc đua này. Nếu như những năm trước đây, phim nhà nước luôn đóng vai trò định hướng, đầu tàu của nền điện ảnh, thì nay con tàu ấy đã đổi hướng.
Chàng vợ của em - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, một xu thế làm phim phổ biến tại Việt Nam
Chàng vợ của em - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, một xu thế làm phim phổ biến tại Việt Nam
Nhiều vướng mắc và tồn tại

Trung tuần tháng 6, ê kíp sản xuất bộ phim Lưu bút tuổi 17: Thạch thảo phát đi thông cáo báo chí, cho biết phim được tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước 70% trên tổng mức giá sản xuất, theo kế hoạch đặt hàng các năm 2015, 2016, 2017 đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt. Theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, từ cuối năm 2017, anh đã gửi kịch bản cho Công ty Galaxy - đại diện nhà sản xuất -  để đơn vị này trực tiếp làm việc với Cục Điện ảnh. “Chúng tôi nhận được phản hồi kịch bản phù hợp với định hướng phía cục đưa ra và cũng nhận được một vài góp ý để chỉnh sửa cho kịch bản tốt hơn”, đạo diễn Thế  Hiệp chia sẻ thêm. 

Như vậy, sau 3 năm kể từ trường hợp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, mới lại có một dự án tiếp theo được sản xuất theo mô hình xã hội hóa: nhà nước và tư nhân cùng làm. Suốt khoảng thời gian đó, việc bố trí ngân sách đặt hàng sản xuất phim bị ngưng trệ hoàn toàn. Và câu chuyện đến tận quý III năm 2017, ngành điện ảnh mới được Bộ Tài chính phân bổ ngân sách đặt hàng sản xuất phim cho các năm 2015, 2016, 2017, khiến không ít người bất ngờ và cảm thán. Suốt thời gian đó, không một phim điện ảnh nào mang yếu tố nhà nước được sản xuất, khiến điện ảnh Việt đã thực sự đổi chủ khi thế thượng phong thuộc về các nhà làm phim tư nhân. Phim nhà nước dậm chân tại chỗ trong khi phim của tư nhân, mỗi năm đều đặn ra rạp từ 40-50 phim. 

Vấn đề vắng bóng phim nhà nước là câu chuyện không mới, bởi hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế đấu thầu, đặt hàng. Khoản 3, điều 24 của Luật Điện ảnh 2009, ghi rõ: “Đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải thành lập Hội đồng Thẩm định kịch bản; được quyết định hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn dự án sản xuất phim, bảo đảm chất lượng tác phẩm và hiệu quả kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, phía Cục Điện ảnh từng chia sẻ, đặc thù của sản xuất phim không thể áp dụng máy móc các quy định của Luật Đấu thầu. 
Điện ảnh Việt: Khi “đầu tàu” đổi hướng ảnh 1 Người bất tử - một dự án phim của tư nhân đầy hứa hẹn trong nửa cuối năm 2018
 Cùng chung quan điểm đó, nhiều người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực điện ảnh đều cho rằng, cơ chế đấu thầu, đặt hàng của nhà nước trong lĩnh vực sản xuất phim không phù hợp. Đó là lý do, trong hai năm liên tiếp (2017 và 2018) các hội thảo trước thềm lễ trao giải thưởng Cánh diều, vấn đề này đều đặc biệt được quan tâm. Nhiều tên tuổi gạo cội của điện ảnh nước nhà quan ngại, vắng bóng phim nhà nước tính định hướng về văn hóa, chính trị, xã hội... sẽ được thực hiện như thế nào? Thêm vào đó, thời gian gần đây, câu chuyện cổ phần hóa của Hãng Phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng - hai đơn vị từng thực hiện nhiều bộ phim nhà nước đình đám cũng khiến giới làm nghề và người hâm mộ cảm thấy phiền lòng.  
Một vướng mắc khác cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là câu chuyện Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều nhà làm phim Việt phải bôn ba xứ người, tham gia các LHP, chợ phim... để xin tài trợ từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài. Điều 6, Luật Điện ảnh đã quy định rất rõ ràng, mục đích thành lập quỹ nhằm: Hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất; hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh... Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cho đến nay, quỹ này vẫn chỉ là văn bản trên giấy và không biết đến khi nào mới thành hiện thực. Phía Cục Điện ảnh cũng đã trình Chính phủ hai lần, nhưng chưa được thông qua vì chưa xác định nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của quỹ. Bài học trích 3% tổng doanh thu toàn thị trường để bổ sung cho quỹ điện ảnh của nhiều nước cho đến nay, cũng chưa thể thực hiện. Phim tư nhân độc tôn Theo một thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng 450 hãng phim tư nhân và con số này tiếp tục tăng theo thời gian. Doanh thu phim Việt 2017 cán mốc 3.250 tỷ đồng với khoảng 47 triệu lượt khán giả.   Mỗi năm, thị trường lại chào đón những nhà sản xuất mới, trong đó không ít đơn vị từ trước đến nay không hề hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Đó là lý do, phim tư nhân hoàn toàn độc tôn thị trường suốt 2 năm 2016, 2017 và tính đến thời điểm này năm 2018.   Theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, sự bùng nổ của thị trường điện ảnh Việt hiện nay là hệ quả tất yếu. Khi có một vài phim thành công và tạo tiếng vang, không ít nhà đầu tư, kinh doanh quyết định nhảy vào lĩnh vực điện ảnh. “Nếu nhà sản xuất có chuyên môn, họ luôn thực hiện các tác phẩm bài bản và ngược lại sẽ cho ra tác phẩm chất lượng kém. Quy luật tất yếu của thị trường, nếu không thích hợp sẽ bị đào thải. Không phải bỗng dưng các hãng phim tồn tại được 5-10 năm, bởi ngoài đam mê, họ còn có những sản phẩm chứng minh cho công việc của mình”.   Sự phát triển của thị trường đã tạo nên những điểm sáng. Ngoài việc tăng về số lượng, sự phong phú về mặt đề tài, thể loại cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Không chỉ các thể loại phổ biến: tình cảm - hài, kinh dị, hành động, phim Việt cũng rất chịu khó đào sâu vào cổ trang, trinh thám, liêu trai... với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, kỹ xảo. Ngoài các phim mang yếu tố thị trường đậm nét, nhiều phim có chất lượng nghệ thuật cao, mang thông điệp ý nghĩa. Trường hợp của Em chưa 18 từng vượt mặt nhiều bom tấn Hollywood để đứng đầu doanh thu phòng vé Việt mọi thời đại là cú hích tích cực, dù kỷ lục này mới bị Avengers: Cuộc chiến vô cực soán ngôi tháng 5 vừa qua.   Tuy nhiên, có thể nói điện ảnh Việt mới chỉ ở thời kỳ quá độ chứ chưa thể gọi là một ngành công nghiệp đúng nghĩa. Một đạo diễn trẻ giấu tên cho rằng, thị trường tạo ra cơ hội mở nhưng có phần cởi mở và dễ dãi quá: “Lượng phim nhiều nhưng phim chỉn chu đang không chiếm đa số, nhiều phim còn dễ dãi. Có nhiều phim hay nhưng cũng có những phim không hiểu ra rạp để làm gì. Do đó, cần lắm sự tỉnh táo, cẩn trọng của mỗi ê kíp thực hiện”. Vị này cũng cho biết thêm, nếu có nhiều nhà sản xuất giỏi góp phần định hướng, hỗ trợ cho các nhà làm phim mới vào nghề, sẽ góp phần làm giảm các phim tự phát, bớt đi sự chủ quan trong điện ảnh. NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn từng thẳng thắn: “Nhiều phim điện ảnh mà coi không thấy điện ảnh, dù bán được vé. Nó không có chất dinh dưỡng cho các bạn trẻ, cho tâm hồn Việt”.
Một thực tế đang diễn ra khá phổ biến đối với thị trường hiện nay đó là trào lưu “ăn theo”. Một thời gian phim hài nhảm, phim kinh dị, phim về giới thứ 3 bùng nổ gần như mất kiểm soát. Thời gian gần đây, các phim chuyển thể, Việt hóa, làm lại và đặc biệt dòng phim thanh xuân đang phát triển như vũ bão. Nhiều nhà sản xuất như Thanh Thúy, Ngô Thanh Vân, BB Phạm, Trương Ngọc Ánh... đều thừa nhận, kịch bản chính là yếu tố đầu tiên then chốt. Điện ảnh Việt đang thiếu kịch bản chất lượng và chưa có sự đầu tư thỏa đáng. Hệ quả tất yếu là chúng ta phải vay mượn, chuyển thể, làm lại từ sách, kịch bản nước ngoài, thậm chí là từ một MV ca nhạc.

Tin cùng chuyên mục