
Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim cho hay: Trong suốt nhiều năm qua, hoạt động khai thác, phổ biến di sản điện ảnh cách mạng nói chung, phim Việt Nam đề tài chiến tranh nói riêng, luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Viện Phim Việt Nam tập trung đầu tư thực hiện.
Được biết từ năm 2023, từ Vụ Phó Vụ pháp chế của Bộ VH-TT-DL, bà Lê Thị Hà được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Phim Việt Nam. Sau đó là những năm tháng đóng góp đầy nhiệt tình, sáng tạo cùng tập thể lãnh đạo Viện Phim đưa đơn vị không ngừng đi lên.
Để lại dấu ấn đậm nét trong LHP châu Á - Đà Nẵng lần 3, bà Lê Thị Hà nói rất cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện, kết nối, hỗ trợ của Ban Tổ chức LHP, Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh, để Viện Phim tham gia một số chương trình trọng điểm, được cùng đóng góp cho sự phát triển bứt phá, thành công của liên hoan.
"Tôi cũng đã chứng kiến người dân ở đây háo hức thế nào với Liên hoan phim, đặc biệt khi biết có chiếu miễn phí những bộ phim vàng, lừng danh một thời như Cánh đồng hoang, Ra Nam vào Bắc, Sinh mệnh, Truyền thuyết Quán Tiên… mà những thế hệ lớn tuổi từng xem một lần vẫn mong muốn xem lại và thế hệ trẻ thì vẫn tha thiết được thưởng thức để hiểu biết thêm về cha anh. Điều ấy làm những người cựu chiến binh đi qua hai cuộc chiến tranh như chúng tôi thật sự rất ấm lòng", bà Lê Thị Hà nói.
Kế thừa và phát huy nền tảng vững chắc do các thế hệ đi trước tạo dựng, thế hệ kế cận của Viện đã và đang xây dựng, củng cố đơn vị ngày càng phát triển, hội nhập bền vững. Công tác tu sửa, bảo quản, số hóa phim luôn được chú trọng; phim được quay trở, lau, rửa bằng hóa chất định kỳ với số lượng mỗi năm đạt hơn 11.000 cuốn. Nhiều bộ phim có giá trị lịch sử đã được phục chế thành công như: Hồ Chí Minh - Chân dung một con người; Miền Nam trong trái tim tôi; Những giây phút cuối đời Bác; Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin; Nước nguồn Pắc Pó; Chiến thắng Điện Biên Phủ…
Nhằm hoàn thiện bộ sưu tập, kéo dài tuổi thọ phim, phục vụ công tác lưu trữ, khai thác tư liệu hiệu quả, Viện đã lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc in chuyển phim tới hạn, phim thiếu bộ bản sang các bản phim mới trên vật liệu phim nhựa, băng betacam digital sang file số độ phân giải 2K, 4K. Đến nay, Viện có 1.500 hồ sơ phim truyện Việt Nam, 2.030 hồ sơ phim tài liệu, 615 hồ sơ phim hoạt hình, cùng hàng trăm hồ sơ về những nhà hoạt động điện ảnh, các vấn đề chung về điện ảnh… Đây là nguồn tư liệu quý cho công tác tra cứu, nghiên cứu và phục vụ trưng bày, triển lãm.
Đặc biệt, trong công tác đối ngoại, Viện Phim có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều Viện Lưu trữ phim trên thế giới và là Viện phim đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tổ chức thành công Hội nghị của Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF) lần thứ 60 vào năm 2004. Viện cũng là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVVA) vào năm 1995 và tổ chức thành công 4 kỳ Hội nghị SEAPAVVA vào các năm 1998, 2004, 2012, 2021. Uy tín và vị thế của Viện Phim Việt Nam ngày càng được khẳng định trong khu vực và quốc tế.
Suốt chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Phim Việt Nam nhiều năm liền được Bộ VH-TT-DL tặng Cờ thi đua và Bằng khen; được vinh danh là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Khối Điện ảnh, được đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua.
Viện trưởng Lê Thị Hà bày tỏ, những danh hiệu cao quý là động lực để Viện Phim Việt Nam tiếp tục phát huy sự sáng tạo, nỗ lực cống hiến để trở thành một đơn vị lớn mạnh, chuyên nghiệp, xứng tầm là Viện lưu trữ phim hàng đầu quốc gia và khu vực Đông Nam Á, từng bước sánh ngang các viện phim lớn trên thế giới.