Làm đúng di chúc Bác: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”

Làm đúng di chúc Bác: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”
  • Báo cáo của một Đảng cầm quyền

Như nhiều người biết, ngày 15-5-1965, Bác Hồ bắt đầu viết di chúc. Bốn năm sau, cứ vào trung tuần tháng 5, Bác đều xem lại, sửa chữa, thêm bớt ý kiến và hoàn chỉnh di chúc ngày 10-5-1969 (l15 ngày trước khi Bác qua đời).

Mặc dù có thêm bớt, sửa chữa câu chữ, nhưng trong văn bản di chúc vẫn giữ nguyên các ý sau đây:

“Trước hết nói về Đảng,
…Đảng ta là một Đảng cầm quyền… Mỗi đảng viên và cán bộ đều phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành với nhân dân...” (1).

Tháng 5-1968, khi xem lại dự thảo di chúc, Bác có bổ sung:
“…Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi... Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm sao mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi…” (02).

Là Đảng cầm quyền, theo ý tôi, mỗi lần đại hội ở các cấp, nhất là đại hội ở toàn quốc, chỉ nên có một báo cáo nói sâu về Đảng. Thêm chăng có thể có bản dự thảo đề nghị sửa đổi điều lệ Đảng (nêu lên những điểm thấy cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới).

Báo cáo chính trị cần đi sâu về tình hình tổ chức Đảng, công tác chính trị, tư tưởng lý luận của Đảng, vấn đề kỷ luật, kiểm tra giám sát cán bộ đảng viên trong chấp hành nhiệm vụ, về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với địa phương và các ban ngành, về lề lối làm việc trong nội bộ cấp ủy Đảng. Về nhiệm vụ mới nên có nhận xét về tình hình quốc tế, trong nước, có cái nhìn bao quát rộng và xa, đề ra phương hướng đối nội, đối ngoại, xây dựng đất nước trong vòng 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm sắp tới.

Báo cáo chính trị kỳ này được dự thảo trình ra Đại hội X, theo ý tôi, rất công phu, khá đầy đủ, toàn diện và hay. Những thành tích, thiếu sót trên các mặt kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, văn học nghệ thuật được kiểm điểm, là kết quả sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhưng sự kiểm điểm này, theo ý tôi, nên nêu trong báo cáo Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân như nhiều nước đã làm.

Báo cáo chính trị, chủ yếu nói về Đảng, cách đây 55 năm, Hồ Chủ tịch đã đọc trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (họp từ 11 đến 19-2-195l) (3).

Làm đúng di chúc Bác: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” ảnh 1

Trong báo cáo này, Bác nêu ra 10 đề mục, điểm qua tình hình thế giới 50 năm qua (1 trang) nói về sự ra đời của Đảng ta và các thời kỳ đã trải qua đến Cách mạng Tháng Tám; nói về cuộc trường kỳ kháng chiến, về tình hình nhiệm vụ mới, trong đó có hai vấn đề “đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam”. Bác dành 2 trang trong mục 9 ghi rõ “sửa chữa những khuyết điểm và sai lầm”.

Rõ ràng báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đại hội Đảng lần III đúng là báo cáo của một Đảng cầm quyền đặt những vấn đề về xây dựng Đảng để lãnh đạo cuộc kháng chiến, công việc hệ trọng nhất của nước ta trong thời kỳ đó.

Phần chủ yếu của báo cáo chính trị trình Đại hội, theo tôi, các đồng chí lãnh đạo nên dành cho việc tự phê bình về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCHTƯ và từng đồng chí trong cương vị phụ trách của mình. Qua đó đại hội sẽ có điều kiện để đánh giá công tác lãnh đạo của Đảng trên từng mặt công tác, phân tích những đúng sai và đề ra phương hướng sửa chữa sắp tới. Đại hội cũng có dịp để thẩm định về tài năng, đức độ từng đồng chí lãnh đạo và dễ dàng trong việc tuyển chọn người lãnh đạo xứng đáng, đủ đức tài, có phong cách lãnh đạo tốt, có nhiệt tình cách mạng, có tầm nhìn xa, có tình đồng chí và quan hệ với quần chúng tốt để lèo lái con thuyền của đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Là Đảng cầm quyền, Đảng có trách nhiệm rất lớn lao là phải chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân không những trước mắt như ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, trị bệnh, vui chơi, giải trí, trật tự trị an mà cả lâu dài là bảo vệ độc lập, thống nhất, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ chăm lo đến hạnh phúc toàn dân và tương lai phát triển của xã hội, làm cho nước ta giàu, đẹp, hùng mạnh sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới.

Muốn làm được việc đó Đảng phải gần dân, sâu sát với dân, hiểu rõ đời sống, tâm tư nguyện vọng của mọi tầng lớp trong nhân dân, nghiêm túc lắng nghe các phản ánh thẳng thắn, chân tình của nhân dân góp ý về những ưu khuyết trong sự lãnh đạo của Đảng.

Trên cơ sở sâu sát, nhìn thẳng vào sự thật, nắm hiểu tình hình thực tế của dân, dựa trên cơ sở lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng sẽ đề ra được những chủ trương và đường lối phù hợp, sau đó đưa ra để nhân dân góp ý, bàn bạc rồi cùng nhân dân làm và giám sát việc thi hành của những người đầy tớ của nhân dân.

Việc Trung ương Đảng đưa ra dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần này để dân góp ý là một việc rất hay, rất đúng của một Đảng cầm quyền nhưng rất tiếc là đưa ra quá chậm, cận ngày Đại hội Đảng họp, thời gian góp ý lại ngắn (chỉ 30 ngày từ ngày 3-2-2006 đến ngày 3-3-2006) mà tài liệu lại quá dài, đề cập rất nhiều vấn đề, tài liệu chỉ in trên một số tờ báo và đọc lướt trên đài, không thể đến tất cả người lao động ở nông thôn và thành thị, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, khả năng đọc và nghiên cứu có hạn.

Công bằng mà nói, dự thảo báo cáo chính trị đã được đưa ra sớm và thảo luận ở cấp cơ sở xã, phường, các quận huyện, các thành phố, các tỉnh, các bộ, ban ngành thuộc trung ương trong các Đại hội Đảng bộ các cấp nhưng đó chỉ là những tham khảo trong Đảng, chỉ chiếm khoảng 3 triệu đảng viên tuy đều là những người ưu tú nhất nhưng chỉ chiếm 1/27 trong 82 triệu dân nước ta.

Tài liệu nên gọn, ngắn hơn, chỉ nêu một số vấn đề lớn về đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng ta sắp tới, với đề nghị góp ý phê phán sự lãnh đạo các cấp của Đảng, tài liệu in nhiều bản, gửi sớm hơn để đến được những người lao động bình thường và nên có tổ chức để những người mọi tầng lớp nhân dân góp ý. Thời gian góp ý nên tương đối rộng, đủ để đọc, góp ý, để các cơ quan tổng hợp các ý kiến đóng góp, Ban Văn kiện có thời gian để tu sửa, trình với Trung ương Đảng xử lý.

  • Cần có góp ý về nhân sự

Cùng với sự góp ý về nội dung báo cáo chính trị, thiết nghĩ nên và cần có sự góp ý về nhân sự.

Đảng cầm quyền, chịu trách nhiệm “lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, nhân dân cần biết và chọn người xứng đáng, người mình tin cậy để lèo lái con thuyền của đất nước (trên thuyền đó có mình).

Đây là vấn đề rất khó. Xưa nay việc lựa chọn người lãnh đạo đều tiến hành trong đại hội các cấp của Đảng, tất nhiên, cấp ủy lãnh đạo Đảng bộ các cấp phải là đảng viên do đại hội đại biểu cấp đó cử ra. Nhưng Đảng là Đảng cầm quyền, chịu trách nhiệm với toàn thể nhân dân, người lãnh đạo Đảng phải được dân tín nhiệm. Dù là người ưu tú nhất trong nhân dân, nhưng vẫn có người hay người dở, người có đủ đức tài, người có đức kém tài hoặc có tài lại thiếu đức.

Sẽ có ý kiến hỏi làm sao người dân biết được cán bộ ai có tài, có đức nhất là ở cấp cao? Xin thưa: Cán bộ đảng viên cấp nào cũng đều sống trong nhân dân, cùng vợ, con và gia đình. Dân biết rất rõ cán bộ lãnh đạo nào có mấy nhà, nhà ra sao? Có bao nhiêu con có nhà hay trang trại? Sinh hoạt gia đình ra sao? Quan hệ với dân trước hết là dân trong khu phố ra sao? Quan liêu hay hòa mình trong dân. Về tài năng của cán bộ lãnh đạo, dân cũng hiểu được một phần qua những hoạt động và qua phát biểu trong các cuộc họp được đài, báo phản ánh lại.

Tài năng và đạo đức cán bộ lãnh đạo có thể hiểu đầy đủ hơn qua báo cáo chính trị của Đại hội có kiểm điểm tự phê bình và phê bình thành khẩn sâu sắc như Bác Hồ yêu cầu. Sự tự phê bình và phê bình nghiêm túc sẽ giúp cho việc đánh giá và chọn được người lãnh đạo tiêu biểu và xứng đáng của Đảng cầm quyền.

***

Để xứng danh là Đảng cầm quyền, cán bộ đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ dạy, các đảng viên ta phải thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng, theo tôi, đều phải là dịp chỉnh đốn Đảng. Báo cáo chính trị phải là báo cáo tự phê bình nghiêm túc về sự lãnh đạo của Đảng, của các đồng chí cấp ủy Đảng. Nội dung chính của Đại hội như trên đã nói phải với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, lấy lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với thực tiễn phong trào cách mạng quần chúng làm ngọn đuốc soi rọi trong việc vạch ra đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng đã qua và sắp tới và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Đảng bộ các cấp, xứng đáng là người lèo lái vững vàng con thuyền Tổ quốc đưa nhân dân đến ấm no và hạnh phúc.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi, xin trình để được xem xét, tham khảo.

Tô Bửu Giám

(1) (2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 trang 497-503-512.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 trang 153-170.

Tin cùng chuyên mục