Làm thế nào để Tiết kiệm, ích nước lợi nhà

Tiết kiệm điện bắt đầu từ cơ quan nhà nước
Làm thế nào để Tiết kiệm, ích nước lợi nhà

Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đang được các ngành các cấp triển khai và đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận mạnh mẽ của toàn xã hội. Các giải pháp hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết 11 là đẩy mạnh tiết kiệm, giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm năng lượng… Để nghị quyết đi vào đời sống, góp phần từng bước ổn định cuộc sống người dân, Báo SGGPO mở diễn đàn Tiết kiệm, ích nước lợi nhà. Làm thế nào để tiết kiệm điện, nước sinh hoạt? Bạn tính toán chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày như thế nào? Mua sắm thời giá “khủng”?... Mời bạn đọc viết bài và hiến kế tiết kiệm cho diễn đàn. Bài viết xin gởi về bandoc@sggp.org.vn.


Tránh lãng phí là góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Tôi từng đi du học và có thời gian ngắn sống ở nước ngoài nên nhận thấy thói quen xài sang và thiếu ý thức tiết kiệm của một bộ phận dân chúng nước ta rất đáng phê phán.

Thứ nhất là thói quen thích xài và vô tư xài “của chùa”- tài sản công mà không cảm thấy áy náy, day dứt lương tâm. Dạo quanh một số cơ quan, đơn vị nhà nước chúng ta dễ bắt gặp những hình ảnh lãng phí như trời sáng nhưng đèn ở hành lang, nhà vệ sinh và nhiều phòng làm việc (có đủ ánh sáng)… vẫn sáng trưng. Nhìn thấy ánh sáng không cần thiết này nhưng ít ai xót của chung và có ý thức tắt ngay khi ra khỏi những nơi này. Ngay như máy lạnh cũng mở hết công suất và ít người có ý thức mở ở nhiệt độ khoảng 25°C - vừa đủ mát để tiết kiệm năng lượng.

Thứ hai là thói quen xài nước máy xả láng khi giặt giũ mà không nghĩ đến những nơi người dân khốn khổ vì đang khan hiếm, thiếu nước sạch để dùng. Chỉ cần mỗi người, mỗi gia đình ý thức về việc xài nước sạch thì tình trạng khan hiếm nước sạch nói chung sẽ bớt căng thẳng và ngân quỹ gia đình cũng bớt được một phần chi tiêu.

Chọn mua cá chế biến sẵn tại Lottemart. Ảnh: Kim Ngân

Chọn mua cá chế biến sẵn tại Lottemart. Ảnh: Kim Ngân

Ở các nước tiên tiến, giàu có, thói quen tiết kiệm đã trở thành văn hóa và nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi công dân, vì thế những hành vi lãng phí như ra khỏi phòng quên tắt các thiết bị điện hoặc xài nước máy, gas thiếu ý thức bị xem là… người ngoài hành tinh, người thiếu văn hóa. Chính vì thế, bài học về tiết kiệm năng lượng từ hành động tắt ngay những thiết bị điện không cần thiết hoặc khi ra khỏi phòng cần phải tuyên truyền, giáo dục hàng ngày và đưa vào môi trường học đường. Có như thế, chúng ta mới tạo được một thế hệ công dân có ý thức tiết kiệm điện năng ở mọi lúc mọi nơi. Chỉ một khi hành vi vô ý thức về lãng phí điện năng bị lên án, bị đánh giá là thiếu văn hóa thì nó mới tạo được hiệu ứng thay đổi thói quen xấu và hướng tới mục tiêu chung “tiết kiệm, ích nước lợi nhà”.

Ở góc độ khác, để tạo thành thói quen tiết kiệm thì chúng ta cũng phải học thêm về bài học tránh lãng phí “ăn đủ, xài cũng vừa đủ”. Rất nhiều người nước ngoài và cả Việt kiều khi đi ăn nhà hàng ở Việt Nam đã tròn xoe mắt khi thấy chúng ta đãi khách một cách dư dả, thừa mứa. Thế nhưng, sau bữa tiệc, dù đồ ăn còn khá nhiều, còn sử dụng được nhưng vì sĩ diện nên nhiều người ngại ngùng không dám kêu nhân viên nhà hàng gói mang về. Đó là chưa kể thói quen thích xài hàng hiệu, hàng nhập khẩu và thói quen xài tiền xả láng, vượt quá khả năng tài chính của một bộ phận dân chúng nước ta. Chỉ cần mỗi người dân có ý thức về tiêu xài, tiết kiệm tài chính cho bản thân và gia đình, tránh rơi vào tình cảnh nghèo đói thì cũng góp phần đảm bảo an sinh cho xã hội.

Vì thế, tiết kiệm, tránh lãng phí phải trở thành cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, lan tỏa hơn nữa từ gia đình đến công sở và toàn xã hội. Khi nhà nhà, người người đều có ý thức tiết kiệm tránh lãng phí của chung lẫn của riêng thì đất nước ta sẽ vượt khó và tiến đến mục tiêu giàu mạnh nhanh hơn. 

TRẦN VỸ KHUÊ (Quận Tân Bình TPHCM)



Đám giỗ, đám cưới cũng cần tiết kiệm

Không ai thấm thía bằng các bà, các chị nội trợ trước tình hình lạm phát hiện nay. Các bà, các chị phải tính toán sít sao từng khoản chi tiêu, từng loại thực phẩm mua về để bảo đảm bữa cơm gia đình có đủ chất và lượng. Một việc làm khó nhưng họ đã và đang làm được, thật đáng khâm phục.

Mặt khác, hàng năm mỗi gia đình có vài ba đám giỗ, đám cưới và các vị chủ gia đình hầu như không bao giờ tính toán. Mỗi bàn tiệc đám giỗ, đám cưới bao giờ cũng không dưới 5 món, còn bia và rượu xả láng. Khách thường cũng không dùng hết, có mâm tiệc thừa một nửa, có bữa tiệc thừa cả 10 mâm, gia chủ coi đó là chuyện nhỏ, miễn được tiếng hào phóng. Càng ngày mức sống càng nâng cao, chuyện mâm cao cỗ đầy trở thành phổ biến, cá biệt có nơi lâm vào tình trạng “phong trào”. Nhiều người biết đây là bệnh phô trương lãng phí nhưng không tiện nói ra.

Tôi nhớ cách đây 10 năm, Bộ Văn hóa - Thông tin có ban hành “Quy định về việc tang lễ và cưới xin”, với tinh thần vận động toàn dân tổ chức giản đơn, gọn nhẹ. Lúc đó dư luận rất hoan nghênh nhưng đi vào thực tế thì không có sự chuyển biến đáng kể. Dịp này, khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, thiết nghĩ là thời điểm thuận lợi để các cấp ủy và các cấp chính quyền quan tâm vận động nhân dân tiết kiệm, kể cả trong đám giỗ, đám cưới với mục đích chống lạm phát, ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên và gia đình họ cần gương mẫu thực hiện trước để mọi người cùng làm theo.

Để thực hiện tiết kiệm triệt để, tiết kiệm mọi mặt, đồng thời khôi phục nếp sống văn minh đang bị mai một, mọi người nên tổ chức đám giỗ, đám cưới sao cho hợp lý, vui mà không phí phạm tiền của.

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ (101/16 Hồ Văn Huê quận Phú Nhuận TPHCM)


Ngành chiếu sáng TPHCM giảm chi gần 60 tỷ đồng nhờ thực hành tiết kiệm

Với 240 bộ đèn chiếu sáng công cộng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giao thông đô thị, phát triển kinh tế, mỗi năm TPHCM phải chi hàng trăm tỷ đồng. Để giảm chi đồng thời đảm bảo hoạt động chiếu sáng khi nguồn điện còn hạn chế, ngành chiếu sáng đã có chính sách tiết kiệm, tiết giảm điện năng phù hợp. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên – Công ty TNHH Một thành viên Chiếu sáng công cộng (CSCC) TPHCM, chung quanh vấn đề này.

Làm thế nào để Tiết kiệm, ích nước lợi nhà ảnh 2

Bằng cách tắt xen kẽ bóng đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, Công ty MTV Chiếu sáng công cộng TPHCM tiết kiệm được 50% công suất tiêu thụ điện. Ảnh: TUẤN VŨ

° PV: Thưa ông! Trong bối cảnh nguồn điện cung ứng của nước ta còn thiếu, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/CP vận động người dân, cá nhân, tổ chức thực hành tiết kiệm. Hiện công ty đã có những hoạt động nào để tiết kiệm điện?

° Ông TRẦN TRỌNG HUỆ: Toàn thành phố hiện có 2 hệ thống chiếu sáng công cộng. Thứ nhất, hệ thống chiếu sáng dân lập do địa phương quản lý, gồm các đèn chiếu sáng trong hẻm, khu phố. Hệ thống này có 130 bộ đèn, công suất lắp đặt 6.000 kW, công suất tiêu thụ 600 kWh. Thực hiện chỉ đạo của TP, công ty đã tư vấn cho các đơn vị quản lý như quận, huyện, thị trấn, phường, xã; vận động người dân sử dụng đèn có công suất tiêu thụ điện thấp như đèn compact, đèn sodium…

Thứ hai, hệ thống chiếu sáng chính quy, gồm các thiết bị chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường, khu đô thị, thương mại… do Công ty CSCC trực tiếp quản lý, điều hành. Hệ thống này có 110 bộ đèn chiếu sáng, công suất lắp đặt 23.000 kW, công suất tiêu thụ 99 triệu kWh. Để tiết kiệm điện cho hệ thống này, từ cuối năm 2009, công ty đã hình thành Trung tâm Điều khiển CSCC, lắp đặt đèn chiếu sáng 2 cấp công suất, ngắt điện xen kẽ các bóng đèn trên nhiều tuyến đường, yêu cầu các xí nghiệp trực thuộc quản lý chặt chẽ việc mở - tắt điện đúng giờ, phù hợp với thời tiết…

° Cụ thể các hình thức tiết kiệm này được triển khai thế nào và hiệu quả đạt được?

° Thông thường thiết bị đèn chiếu sáng được thiết kế với 100% công suất nhưng nhu cầu thực tế (giao thông, mua bán, đi lại…) không phải lúc nào cũng liên tục. Ở Trung tâm Điều khiển CSCC (gọi tắt là trung tâm) – nơi tập hợp nhiều bộ công tắc đèn - sẽ có công nhân theo dõi, điều chỉnh mức công suất phù hợp. Chẳng hạn về khuya, lưu lượng giao thông ở một số giao lộ giảm thì công nhân sẽ hạ thấp độ sáng của đèn dần dần, nhờ đó công suất tiêu thụ giảm được 40% so với công suất lắp đặt.

Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng được trong một phạm vi nhất định do việc lắp đặt phức tạp và kinh phí đầu tư quá lớn. Với mạng lưới đèn chiếu sáng chưa kết nối được với Trung tâm Điều khiển, công ty cho lắp đặt đèn chiếu sáng 2 cấp công suất. Các bóng đèn này được thiết kế theo kiểu tự động giảm công suất. Trong thời gian cao điểm buổi tối đèn hoạt động 100% công suất, về khuya thì đèn tự động hạ công suất xuống còn 65%, tiết kiệm được một lượng điện đáng kể.

Ở một số khu vực, tuyến đường khi có ít người, phương tiện qua lại, không cần nhiều ánh sáng thì công ty thực hiện hình thức ngắt điện xen kẽ các bóng đèn, qua đó tiết kiệm được 50% công suất tiêu thụ điện… Ngoài ra, công ty cũng chỉ đạo 16 xí nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm ngặt việc mở - tắt điện đúng quy định và phù hợp với thời tiết thay đổi, tránh thất thoát, lãng phí điện.

° Thực hiện tiết kiệm điện như vậy, năm 2010 công ty tiết kiệm được bao nhiêu chi phí?

° Với 110 bộ đèn do công ty quản lý, năm 2010 thành phố phải chi 126 tỷ đồng cho hoạt động chiếu sáng. Tuy nhiên, nhờ thực hiện các hình thức tiết kiệm điện nói trên, thực chi của công ty trong năm 2010 chỉ khoảng 70 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 60 tỷ đồng! Và năm 2011, con số tiết kiệm được của công ty hẳn sẽ cao hơn so với năm 2010 do giá điện tăng.

° Ngoài các hình thức nói trên, công ty có những hình thức tiết kiệm nào khác mang tính hiện đại hơn, hiệu quả hơn?

° Trong năm 2010, công ty có phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đưa vào ứng dụng công nghệ biến đổi cơ năng thành điện năng. Theo đó, công ty đã lắp đặt thí điểm 30 bộ đèn sử dụng năng lượng từ quạt gió tại Khu công nghệ cao (quận 9) và Công viên 23-9 (kế bên chợ Bến Thành, quận 1). Hình thức này giúp đạt được hiệu quả cao trong tiết kiệm điện, tuy nhiên kinh phí đầu tư khá cao nên công ty vẫn đang theo dõi và cân nhắc.

° Xin cảm ơn ông!

TUẤN VŨ thực hiện

>> Tiết kiệm từ việc tổ chức tang tế văn minh


Tiết kiệm từ việc tổ chức tang tế văn minh


Đối với việc “hậu sự”, cần triệt để tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh. Trước hết bắt đầu từ trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Xin nêu ra 4 phương thức, theo mức độ cải tiến từ cách tổ chức tang ma lâu nay:

Cải tiến cách tổ chức

Không nên để quá lâu, hạn chế việc kèn trống ồn ào. Cần nghiêm túc thực hiện quy định về thời gian quàn linh cữu (không quá 48 giờ), cũng cần có quy ước về thời gian sử dụng kèn trống, âm nhạc cho phù hợp với từng địa phương, nhất là với các đô thị. Để tiết kiệm đất, nên có quy định của pháp luật về diện tích tối đa cho mỗi phần mộ, để đảm bảo văn minh và giữ quỹ đất phục vụ sản xuất, xây dựng… Bên cạnh đó, cần có quy hoạch khu vực xây dựng nghĩa trang, theo hướng công viên hóa các nghĩa trang. Đồng thời nên mở thêm các nhà tang lễ (nhất là các khu chung cư, với các yêu cầu về diện tích, điều kiện vệ sinh…) và khuyến khích người dân quàn linh cữu tại đây thay vì quàn tại nhà riêng.

Hạn chế việc thu phúng điếu

Nên thực hiện tiết kiệm, giản dị trong lễ tang, trong phúng điếu. Việc phúng điếu vòng hoa nên sử dụng vòng hoa luân lưu. Những gia đình khá giả nếu có chấp điếu nên dùng làm từ thiện: tặng quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo… như nhiều gia đình đã làm. Gia đình đạo diễn Huỳnh Phúc Điền tặng 330 triệu đồng hỗ trợ bệnh nhân ung thư gan; gia đình thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh tặng 100 triệu đồng cho quỹ học bổng dành cho trẻ em thiệt thòi; gia đình đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND thành phố, đã tặng hơn 600 triệu đồng cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo...

Hoành tráng đến lãng phí (Trong ảnh: “Thành phố lăng” tại xã Phong Hải,huyện Phong Điền, TT-Huế). Ảnh: Phan Lê

Hoành tráng đến lãng phí (Trong ảnh: “Thành phố lăng” tại xã Phong Hải,huyện Phong Điền, TT-Huế). Ảnh: Phan Lê

Thay chôn cất bằng hỏa táng

Hỏa táng có nhiều ưu điểm so với cách chôn cất truyền thống - địa táng, giúp tiết kiệm trong hoàn cảnh nước ta đất hẹp người đông. Tuy vậy, cần có nhiều cơ sở hỏa táng hơn, tổ chức vệ sinh và an toàn hơn. Để khuyến khích người dân hỏa thiêu người chết, cần có những chính sách ưu đãi các cơ sở hỏa táng.

Hiến xác cho y học

Hiện nay, nhiều người bệnh cần bộ phận cơ thể để cấy ghép, sinh viên ngành y thiếu xác để thực tập. Vì vậy, nên thực hiện cuộc vận động nhiều người để di chúc hiến tặng nội tạng để cứu người theo các quy định của pháp luật hiện hành và thực hiện việc hiến xác cho y học. Việc làm này vừa làm giảm sự lãng phí, kéo dài ở các đám tang vừa giúp đỡ cho nhiều người khác.

TRÚC GIANG


Cần có cơ chế kiểm tra, ngăn lãng phí

Hiện nay tại nhiều công sở nhà nước, ủy ban quận, phường v.v… hiện tượng lãng phí còn xảy ra nhiều, rất “đa dạng”: có cơ quan các máy tính luôn được bật lên mà chẳng thấy một công chức nào ở đó,  có nơi nhân viên trao đổi cả việc công lẫn việc tư bên bàn điện thoại cơ quan. Không ít người sử dụng thời gian nhà nước để trao đổi những câu chuyện vô bổ, thậm chí có những người đã hết giờ làm việc nhưng vẫn ở lại, không phải vì công việc tồn đọng, mà để “chat” với bạn bè và chơi game vì sẵn máy điều hòa mát mẻ, có đèn sáng, có máy tính nối mạng. 

Sử dụng đèn compact chiếu sáng một con hẻm trên đường Nguyễn Biểu. Ảnh: KIM NGÂN

Sử dụng đèn compact chiếu sáng một con hẻm trên đường Nguyễn Biểu. Ảnh: KIM NGÂN

Mặc dù nhiều công sở có quy định: Khi đi ra ngoài, trước khi ra về phải tắt điện, tắt quạt, tắt máy điều hòa, nhưng không ít cơ quan, văn phòng vẫn để điện sáng suốt đêm do cán bộ, nhân viên thiếu ý thức tiết kiệm và cơ quan còn thiếu kiểm tra kịp thời. Cuối cùng chỉ có ngân sách nhà nước phải gánh việc chi trả. Bên cạnh việc dùng điện tràn lan thì việc sử dụng điện thoại nơi công sở như nêu trên rất đáng phải bàn bởi lãng phí qua điện thoại đang là căn bệnh kinh niên của không ít nhân viên văn phòng, không những gây lãng phí tiền của nhà nước mà còn lãng phí về thời gian và gây cản trở giao dịch cần thiết giữa cơ quan với bên ngoài. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí nơi công sở là do sự thiếu ý thức, thiếu tính tự giác của một số cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước.

Để hạn chế và chấm dứt tình trạng nêu trên, theo tôi trước hết cần tuyên truyền giáo dục thật sâu rộng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Thủ trưởng cơ quan đơn vị, người đứng đầu các tổ chức xã hội, đoàn thể phải gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng lãng phí. Cần thiết lập cơ chế kiểm tra, thanh tra để kịp thời ngăn chặn hành vi lãng phí cũng như biểu dương cá nhân, tập thể thực hiện tốt việc tiết kiệm, quản lý chặt chẽ chi tiêu từ ngân sách nhà nước. Vấn đề quan trọng nữa là phải có các quy chế quản lý công khai minh bạch bắt đầu từ những việc nhỏ ngay tại cơ quan, trong đó sự tham gia thực hiện của cán bộ công chức vừa góp phần chống lãng phí, giảm chi ngân sách cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình.

ĐỖ VĂN THÔNG (P25, Bình Thạnh)


Tiết kiệm điện bắt đầu từ cơ quan nhà nước

Nhà nước có chủ trương tiết kiệm điện là hoàn toàn đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách khi phải chi ra bù lỗ cho ngành điện, mặt khác người dân tiết kiệm điện cũng bớt đi một phần chi phí trong chi tiêu. Theo tôi, việc tiết kiệm điện trước hết phải bắt đầu từ cơ quan Nhà nước. Trước kia, đài truyền hình thường phát đi băng hình việc tiết kiệm nước kèm theo câu: “Tiết kiệm nước là tiết kiệm tiền”, nhiều người nghe qua thuộc lòng và thực hành. Do đó, đài truyền hình trung ương và địa phương nên tham gia chương trình này với câu: Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền, để giúp mọi người nâng ý thức tiết kiệm điện một cách thiết thực, vào những giờ vàng phát sóng của đài.

Hàng loạt đèn vẫn chiếu sáng gây lãng phí điện. Ảnh chụp lúc 7 giờ ngày 5-4, phía trước Phòng giao dịch số 3, Chi nhánh 5 ViettinBank. Ảnh: Kim Ngân

Hàng loạt đèn vẫn chiếu sáng gây lãng phí điện. Ảnh chụp lúc 7 giờ ngày 5-4, phía trước Phòng giao dịch số 3, Chi nhánh 5 ViettinBank. Ảnh: Kim Ngân

Hiện nay, hàng đêm đi qua một số con đường nội bộ trong một số khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), chúng ta vẫn thấy đèn đường nhiều chỗ vẫn sử dụng bóng đèn cao áp dây tim rất tốn điện, bởi lượng điện thắp sáng chỉ có 30%, còn lại 70% bị thất thoát. Đành rằng tiền điện ở những nơi này ban quản lý KCN, KCX phải trả. Thế nhưng, nếu thay hệ thống chiếu sáng đèn đường bằng bóng đèn compact sẽ tiết kiệm tới 80% lượng điện thắp sáng bóng đèn cao áp dây tim có cùng công suất. Vì thế, Nhà nước cần có chế tài bắt buộc các cơ quan, doanh nghiệp phải thay bóng đèn dây tim bằng bóng đèn compact như nhiều nơi trong khu dân cư thực hiện. Có như thế mới làm gương cho người dân trong việc tiết kiệm điện.

Ngoài ra, lượng điện tiêu thụ hiện nay tại các doanh nghiệp, công ty chủ yếu dùng nhiều vào giờ cao điểm, giờ bình thường nên dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ và dễ bị hư hỏng thiết bị điện nếu như nguồn điện không cung ứng ổn định. Vì thế, ngành điện đã có biện pháp “chữa cháy” bằng việc lập ra 3 giá điện cho 3 thời điểm sử dụng điện là giờ bình thường, giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng điện vào giờ thấp điểm (ban đêm) có giá điện rẻ nhất. Tuy nhiên, phải tổ chức ca ba, rất ít doanh nghiệp cho nhân viên làm giờ này vì nhiều lý do. Do đó, cần có cách thức mới khuyến khích sử dụng điện giờ thấp điểm sao cho hợp lý để các doanh nghiệp cùng tham gia với Nhà nước trong việc tiết kiệm điện. Riêng việc tiết kiệm điện trong cơ quan, doanh nghiệp trong giờ làm việc cần có quy định chỉ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ từ 9 giờ và tắt sau 16 giờ, để chế độ lạnh 25 - 27 độ. Khi nào phòng ít người nên sử dụng hệ thống quạt, thay bóng đèn típ bằng bóng đèn compact, không để máy photocopy trong phòng có máy lạnh…

Hệ thống điện công cộng cần nghiên cứu sử dụng bằng điện cung cấp từ năng lượng mặt trời như chúng ta đang áp dụng với đèn hoa tiêu ở các kênh, sông ngòi hiện nay. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, cần khuyến khích áp dụng gắn hệ thống nấu nước nóng bằng năng lượng mặt trời sẽ làm giảm đáng kể chi phí và tiêu hao lượng điện khi nấu bằng máy nước nóng trực tiếp hoặc gián tiếp. Một số biện pháp tiết kiệm điện nêu trên nếu áp dụng ngay sẽ giúp cho việc tiết kiệm điện được hiệu quả.

Lê Tăng Định

  • Giáo dục thói quen tiết kiệm và sử dụng hợp lý các tài nguyên

Thời sinh viên cuộc sống, sinh hoạt và mọi chi phí ăn học ở thành phố đều từ tiền cha mẹ gửi hàng tháng. Với thực tế kinh tế của gia đình mình tôi phải thích nghi nhanh chóng. Sách vở, giáo trình tôi liên hệ anh chị khóa trước, tranh thủ thời gian lên thư viện học bài, ghé những tiệm sách cũ mua đọc, quần áo, giày dép không sắm nhiều, chủ yếu dùng quần áo may sẵn ba mẹ gửi vào. Giờ là giáo viên, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng tôi chủ trương chỉ mua những hàng hóa, vật dụng phục vụ cho công việc và cuộc sống chứ không mua những hàng hóa mình thích vốn rất nhiều mà đồng lương của mình thì có hạn và còn phải dành dụm phụ giúp gia đình.

Từ trải nghiệm sống, tôi quan tâm giáo dục học sinh thói quen tiết kiệm và sử dụng hợp lý các tài nguyên và những vật dụng hàng ngày. Học sinh là những người chủ tương lai của nước nhà. Giáo dục cho các em ý thức, cách sống và sử dụng hợp lý, tiết kiệm các tài nguyên như điện, nước, các vật dụng trong sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày có ý nghĩa quan trọng. Tôi muốn học sinh của mình nhận thức được việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý các tài nguyên và vật dụng là lối sống có văn hóa, có ích cho gia đình và vì xã hội. Từ nhận thức đúng các em sẽ chuyển thành hành động, làm thường xuyên sẽ thành thói quen, định hình nhân cách, lối sống tiết kiệm và sử dụng hợp lý các tài nguyên, vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân)

--------------------------------------------------------------------------------

Tiết kiệm, ích nước lợi nhà - Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Buổi lễ chào cờ đầu tuần vào sáng 4-4 của thầy trò Trường THPT Hàn Thuyên (Phú Nhuận) thật đặc biệt. Chủ đề chính sau lễ chào cờ là cuộc phát động về tiết kiệm điện “Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn”. “Nhân vật chính” được nhắc đến tại cuộc phát động là em Võ Thị Quỳnh Hương, học sinh lớp 12 A2, tác giả của bài báo “Nên có tiết học tiết kiệm năng lượng”, đăng trên Báo SGGP số ra ngày 23-3.

Là một học sinh lớp 12, với vẻ ngoài nhút nhát nhưng Quỳnh Hương là một cô gái giàu nội tâm. Dù đang bộn bề với sách vở và đứng trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới nhưng em luôn theo dõi sát các thông tin thời sự trên báo đài, đặc biệt là vấn đề cả nước đang thiếu điện. Điều đáng quý ở em chính là nhận thức và thái độ đúng đắn trước những vấn đề của thời cuộc. 

Em Võ Thị Quỳnh Hương (trái), học sinh lớp 12A2 Trường THPT Hàn Thuyên, nhận giấy khen của EVN HCMC.

Em Võ Thị Quỳnh Hương (trái), học sinh lớp 12A2 Trường THPT Hàn Thuyên, nhận giấy khen của EVN HCMC.

Trong bài báo, em viết: “Mỗi địa phương, ban ngành, cơ quan cần có kế hoạch phối hợp, vận động tuyên truyền thực thi tiết kiệm điện, nước. Các cơ quan công sở được khuyên tận dụng ánh sáng thiên nhiên để làm việc, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng máy điều hòa…”. Cũng theo em, vấn đề giáo dục tiết kiệm năng lượng nên được đưa vào dạy trong nhà trường để học sinh thấm nhuần và trở thành thói quen trong cuộc sống. Em viết: “Hơn đâu hết, trường học phải là nơi khơi dậy lòng tự trọng của mỗi người chúng ta, của cả dân tộc, vì tiết kiệm là yêu nước, là chung sức đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện nay”.

Sau khi được đăng tải, bài báo của em đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc. Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đã tặng giấy khen cho em “Vì có bài viết hay về tuyên truyền tiết kiệm điện”. Đánh giá về việc làm của em Hương, trong thư gởi ban giám hiệu nhà trường và cá nhân em Hương, ông Lê Văn Phước, Tổng giám đốc  EVN HCMC, nhấn mạnh: “Suy nghĩ mộc mạc nhưng thiết thực của em Hương khiến mỗi người chúng ta hàng ngày sử dụng điện, nước… phải nhìn lại để sử dụng tiết kiệm hơn, hợp lý hơn….”. Và ông gọi đây là “suy nghĩ nhỏ, ý nghĩa lớn”.

Từ bài báo của em Hương và để việc tuyên truyền mang tính thuyết phục, thầy Nguyễn Văn Anh, Hiệu phó nhà trường, cho biết trường đã xây dựng và triển khai quy định về việc sử dụng điện trong nhà trường. Theo đó, quy định yêu cầu tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng và cúp hẳn nguồn điện khi hết giờ làm việc; các phòng làm việc chỉ sử dụng máy lạnh vào ca chiều khi thời tiết quá nóng và phải tắt trước 16 giờ. Đối với các lớp học, phải phân công một học sinh có nhiệm vụ tắt đèn, quạt trong thời gian nghỉ giải lao và khi tan học; nhà vệ sinh chỉ mở đèn trong giờ ra chơi và những ngày tối trời…

Trong ngành giáo dục, có lẽ Trường THPT Hàn Thuyên là trường đi đầu trong việc chính thức mở cuộc tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng giáo viên, học sinh. Thực hiện chủ trương tiết kiệm điện, nước do Chính phủ và lãnh đạo thành phố kêu gọi, cuộc tuyên truyền tiết kiệm điện ở trường Hàn Thuyên không mang tính hình thức mà đi vào thực chất với cách làm bài bản. Thiết nghĩ, các trường trong thành phố nên học tập và nhân rộng cách làm này. Bởi lẽ, cuộc vận động tiết kiệm điện chỉ mới bắt đầu và vẫn còn không ít trường vẫn vô tư mở đèn quạt, máy lạnh… ngay cả trong những ngày mà thời tiết mát mẻ như hiện nay…

CÁT TƯỜNG

--------------------------------------------------------------------------------


Tiết kiệm: Cần được giáo dục từ nhỏ

Giáo dục để tạo thói quen, nếp nghĩ tiết kiệm thì tốt nhất là ngay từ nhỏ. Đứng dậy ra khỏi phòng: tắt hết đèn, quạt máy; mở nước xài xong: khóa lại kỹ, không để nước rò rỉ gây lãng phí; ăn uống: không bỏ mứa…

Tôi có một người bạn thân đã trên 50 tuổi, luôn có thói quen tiết kiệm (không phải keo kiệt). Chị luôn mua thức ăn đủ dùng cho gia đình, không bỏ phí từng tờ giấy dư, dạy con xong một năm học, tập còn dư giấy trắng thì rọc ra đóng lại làm tập nháp hoặc tập ghi chú lời thầy cô giảng.

Đến nhà chị, đứa con gái 10 tuổi làm nước cho khách xong, trước khi bưng khay nước lên phòng khách, bé tự động tắt đèn bếp. Còn mẹ bé chỉ mở đèn đủ sáng, khách vừa ra cửa thì cũng tắt luôn đèn, quạt. Chị bảo gia đình chị từ nhỏ đã tập con cái thói quen tiết kiệm.

Tiết kiệm thức ăn, tập vở, đồ dùng học tập… tự dưng hình thành luôn thói quen tiết kiệm điện, nước. Ngược lại, nhiều người thường muốn chứng tỏ sự phong lưu đài các qua cách phung phí trong ăn uống, tiêu xài. Họ cho rằng sống phải biết hưởng thụ, nhưng đã nhầm lẫn hưởng thụ với phung phí. 

Đèn chiếu sáng trên dãy phân cách đường Phan Xích Long được tắt để tiết kiệm điện. Ảnh: KIM NGÂN

Đèn chiếu sáng trên dãy phân cách đường Phan Xích Long được tắt để tiết kiệm điện. Ảnh: KIM NGÂN

Tuy nhiên tại một số trường học, không ít giáo viên buộc học sinh (HS) khi viết bài còn nửa trang giấy trắng phải bỏ, chép bài học mới ở một trang khác, cho rằng bài mới viết nửa trang còn lại là không đẹp. Có giáo viên buộc bao tập theo màu mình ấn định, lỡ mua màu khác cũng phải bỏ đi. Nhiều trường buộc HS may mặc đúng y kiểu nhà trường thiết kế, bao tập đúng giấy mẫu, bọc nhựa đúng “chuẩn” nhà trường bán… Trong lớp, giáo viên viết bảng, thỏi phấn gãy nửa cũng không hề cúi xuống nhặt lên xài tiếp để đỡ tiền mua phấn của HS. Vì thế, giờ ra chơi HS lấy phấn ném nhau không hề tiếc.

Theo tôi, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy con tính tiết kiệm trong ăn uống, tiêu xài, có dư tiền nên bỏ ống heo để phụ ba mẹ mua tập vở, quần áo. Nhà trường không nên đòi hỏi HS quá khắt khe về đồng phục, tập vở. Giáo viên phải thể hiện tính tiết kiệm từ cách xài phấn đến chấm tập HS. Thực tế chất lượng giáo dục nằm trong trí tuệ, nhân cách, khả năng truyền đạt của giáo viên, khả năng tiếp thu của HS… chứ không nằm trong bộ đồng phục hay quyển tập được bao bọc theo “chuẩn” của nhà trường.

NGUYỄN NGỌC HÀ

--------------------------------------------------------------------------------


Đã đến lúc tiết kiệm triệt để

Xăng dầu lại vừa tăng giá. Giá hàng hóa ắt sẽ tiếp tục nhảy vọt trong thời gian tới. Để ngân quỹ gia đình không bị “kiệt quệ”, chúng ta cần phải tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm xăng dầu.

Trước đây chúng ta có thói quen đi lại bằng xe gắn máy, cách nhà chỉ 100m cũng dắt xe ra chạy. Bây giờ nên thay đổi, chúng ta phải biết tiết kiệm cho bản thân mình, gia đình và xã hội bằng việc hạn chế đi lại bằng xe gắn máy. Mỗi sáng đến cơ quan, nếu có thể nên đi chung với người thân, bạn bè (2 người), thay vì “một người một ngựa” như trước. Không có việc gấp, hoặc nhà gần thì nên đi bộ tốt hơn, vừa tiết kiệm ngân quỹ vừa rèn luyện sức khỏe, an toàn mà còn giúp hạn chế tình trạng kẹt xe. Hoặc chúng ta có thể dùng xe buýt làm phương tiện đi làm, đi mua sắm, đi công việc hay đơn thuần là đi chơi. Giá vé một lượt đi xe buýt nội thành là 4.000 đồng, nhưng nếu mua vé tập chỉ có 3.000 đồng/lượt. Tính ra một tháng có thể giảm được gần nửa tiền so với tiền xăng đi xe gắn máy. Người nước ngoài vẫn chọn phương tiện này để đến cơ quan, ta cũng nên học theo họ để tiết kiệm.

Xe đạp cũng là một phương tiệc đi lại phổ biến từ xưa đến nay. Tuy nhiên do xã hội phát triển, mọi người sắm được xe gắn máy nên quên đi xe đạp. Chúng ta hãy dẹp bỏ thói quen thích đi xe xịn, đắt tiền; hoặc thấy người ta đi xe gắn máy bóng loáng, không lẽ mình cọc cạch trên “con ngựa sắt”. Đó là suy nghĩ thiển cận, sai lầm. Đừng quan tâm đến người khác như thế nào, mà hãy suy nghĩ hướng tích cực cho bản thân trong thời buổi giá tăng, lương giậm chân tại chỗ. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới vẫn đi xe đạp, đi xe buýt, tàu điện ngầm đến cơ quan đấy thôi. Để hình ảnh này được phổ biến rộng rãi hơn, thiết nghĩ các lãnh đạo ở ta, khi không có việc khẩn nên đến cơ quan bằng các phương tiện tiết kiệm xăng để khuyến khích và làm gương cho người dân.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

--------------------------------------------------------------------------------

Tiết kiệm: Khôn ngoan và thận trọng

Giá điện tăng hơn 15% kể từ ngày 1-3. Để giảm chi phí sinh hoạt, nhiều gia đình bắt đầu có xu hướng tìm mua các bộ thiết bị tiết kiệm điện. Đón bắt tâm lý này của người tiêu dùng, hàng loạt sản phẩm được giới thiệu có khả năng giảm 30%-40% điện năng tiêu thụ đã được tung ra thị trường.

Tuy nhiên, trong đó chỉ có vài loại sản xuất trong nước, còn lại đều có nguồn gốc nước ngoài, nhập về qua đường tiểu ngạch với nhiều chủng loại, mẫu mã và giá tiền khác nhau. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo nghiệm mới đây của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng), các bộ thiết bị tiết kiệm điện bày bán trên thị trường hiện nay hầu hết chỉ là một thiết bị tiêu thụ điện năng đơn giản, công suất nhỏ, lắp ráp từ các tụ điện, cuộn cản và điện trở, hoàn toàn không có khả năng giảm điện năng tiêu thụ, nếu có cũng không đáng kể.

Thay đèn huỳnh quang bằng đèn compact tại khu nhà trọ số 72 phường Linh Trung. Ảnh: K. NGÂN

Thay đèn huỳnh quang bằng đèn compact tại khu nhà trọ số 72 phường Linh Trung. Ảnh: K. NGÂN

Thậm chí, một số thiết bị còn tiêu thụ điện năng nhiều hơn mức bình thường. Một số sản phẩm sản xuất dựa trên công nghệ cải tiến như đèn LED, máy điều hòa, tủ lạnh công nghệ inverter… tiêu thụ điện năng ít hơn so với các sản phẩm khác cùng chủng loại (đèn dây tóc, compact, điều hòa, tủ lạnh công nghệ thường), song giá thành lại khá cao. Do đó, để tiết kiệm điện, người dân không nên quá tin vào các loại thiết bị mà nên tập thói quen sử dụng điện hợp lý, dùng thiết bị có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng, tắt bớt khi không cần thiết, hạn chế để ở chế độ chờ (stand by) và thường xuyên bảo dưỡng, lau chùi thiết bị định kỳ theo quy định của nhà sản xuất.

Tương tự, đối với dòng sản phẩm tiết kiệm xăng, người tiêu dùng nếu không cẩn thận rất dễ lạc vào “ma trận” quảng cáo các loại bugi, điều áp điện tử “tiết kiệm 30% xăng” với giá 20.000 - 30.000 đồng/chiếc. Một số sản phẩm còn được giới thiệu có khả năng làm tăng tuổi thọ động cơ, chạy hơn 2.000km không cần thay nhớt mà xăng vẫn tiết kiệm (?). Trên thực tế, mỗi loại động cơ chỉ thích hợp với một loại bugi, việc thay thế bugi nhằm mục đích tiết kiệm xăng sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống đánh lửa của động cơ, gây hiện tượng quá nhiệt trong đốt cháy nhiên liệu, giảm tuổi thọ động cơ và hao tốn nhiên liệu. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tiết kiệm xăng hợp lý không phải từ các thiết bị mà từ việc sử dụng xe.

Ngoài ra, đối với các chương trình khuyến mãi, bán hàng giảm giá đang tràn ngập hiện nay, người tiêu dùng nên thận trọng tìm hiểu trước các thông tin về giá cả, xuất xứ, chế độ bảo hành cũng như chất lượng, tính năng của sản phẩm để tránh tình trạng mua nhầm hàng kém chất lượng, tiền mất tật mang.

THANH THU
(Quận Bình Thạnh)

--------------------------------------------------------------------------------
 

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Trước tình hình giá cả leo thang mà thu nhập thì vẫn “bất di bất dịch”, gia đình tôi đã bàn và thống nhất sẽ thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng để có thể thích ứng.

Về giảm lượng tiêu thụ điện, việc đầu tiên là gia đình tôi loại bỏ ngay những chuyện không thật sự cần thiết. Cụ thể như: Không cần ủi đồng phục cho cậu con trai đang học lớp 7; nếu ăn mì gói thì chỉ đổ nước sôi rồi đậy nắp, chứ không đưa vào lò vi ba làm chín như trước đây; không sử dụng máy rửa chén mà rửa bằng tay; hấp cơm nguội bằng cách đặt tô vào nồi cơm đang nấu khi đã ráo nước thay vì dùng lò vi ba; buổi tối không thắp đèn trang trí ngoài các hành lang và trên sân thượng…

Một số thói quen sinh hoạt gây lãng phí điện cũng phải thay đổi như là không ủi quần áo vào giờ cao điểm và sắp xếp thời gian để tập trung ủi một lần; không giặt quần áo bằng chế độ nước nóng nếu không thật sự cần thiết (thí dụ như thỉnh thoảng giặt tẩy đồ trắng); gội đầu xong thì để tóc tự khô chứ không dùng máy sấy; mọi người cùng xem chung một ti vi nếu như coi cùng một kênh… Do nhà ở mặt tiền đường, trước đây dù khi thời tiết không nóng bức, gia đình tôi vẫn đóng kín các cửa, mở máy lạnh để tránh tiếng ồn và bụi bặm. Bây giờ, mọi cửa sổ đều mở để đón gió trời, sử dụng quạt máy, còn chuyện bụi bặm thì phân công nhau lau chùi.
 
Về tiết kiệm nước, quy trình “rửa rau trước, giữ lại nước rửa rau lần cuối để dùng vo gạo nước đầu, giữ nước vo gạo lần 2 để ngâm tráng chén dĩa dơ, giữ nước rửa chén lần cuối để lau nhà lần đầu…” được áp dụng triệt để. Dầu tắm được thay đổi từ loại có chất làm ẩm dưỡng da sang loại dầu tắm không nhờn để tắm nhanh hơn, sử dụng ít nước; các con tôi thì từ bỏ thú vui ngâm bồn tắm…

Rõ ràng, chỉ mới khoảng nửa tháng thực hành tiết kiệm, lượng tiêu thụ điện và nước của gia đình tôi đã giảm đáng kể, mà mọi nhu cầu sinh hoạt cần thiết vẫn được đảm bảo. Thế mới thấy, do không có ý thức tiết kiệm nên suốt thời gian dài trước đây, chúng tôi không chỉ bị tốn tiền hoang phí mà còn vô tình góp thêm phần vào tình trạng thiếu điện và khan hiếm nước của xã hội.

VƯƠNG THẢO


Chống lãng phí từ khu vực công

Hiện mọi nơi đều cố gắng thực hành tiết kiệm. Trung tâm Tiết kiệm điện có đề nghị các hộ dân không sử dụng máy lạnh 30 phút/ngày, không dùng bàn ủi hàng ngày… Những biện pháp này là cần thiết nhưng tôi cho là chưa đủ nếu không đi đôi với một giải pháp tiết kiệm khác: chống lãng phí, nhất là ở khu vực công. Tôi xin nêu vài trường hợp sau:

Một là, ở Tiền Giang có một dự án cung cấp nước ngọt tại xã Bình Thủy, huyện Châu Thành, hợp đồng với UBND tỉnh Tiền Giang trước đây xây nhà máy công suất 30.000m³ nước/ngày cho các huyện, thị phía Đông, hợp đồng trị giá 328 tỷ đồng. Nhưng nhà máy xây xong mà chưa có đường ống chuyển đi… Người dân đáng lẽ có nước từ tháng 8-2010 đến nay vẫn chưa thấy. Đây là sự lãng phí quá lớn.

Một chiếc cầu ở quận 7, TPHCM sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời để chiếu sáng. Ảnh: K.NGÂN

Một chiếc cầu ở quận 7, TPHCM sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời để chiếu sáng. Ảnh: K.NGÂN

Hai là, ở Đăk Nông, thị xã Gia Nghĩa, xã Đăk Nia, nơi tôi có nhiều năm công tác, có xây dựng một làng nghề dệt thổ cẩm, sản xuất nhạc cụ dân tộc, đan lát… nhưng địa phương không nhìn cho thấu đầu ra và thu nhập của người dân làng nghề truyền thống không cao nên khu làng nghề bỏ hoang, kêu gọi mấy đi nữa, dân cũng không tụ tập lại. Nay thì làng nghề xuống cấp sau 3 năm xây dựng, móng, tường bắt đầu rạn nứt, trâu bò vào ăn cỏ trên sân làng nghề…

Ba là, lãnh vực du lịch ven biển. Người ta thống kê lãnh vực này đóng góp 10% GDP cho đất nước, cả nước có 28 tỉnh thành, 148 quận, huyện thị xã có thể tham gia du lịch biển, nhưng bãi biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông - Tiền Giang) lỡ cho dân mướn nuôi nghêu. Không chỉ ở Gò Công Đông con nghêu cản trở du lịch biển mà ở Quảng Ninh, khai thác than, khai thác dầu khí cũng làm cho du lịch bị hạn chế.

Cho nên, khi đưa ra chủ trương dù là tiết kiệm điện, nước hay tiết kiệm mua sắm gia đình đi nữa, thiết nghĩ khu vực công nên nêu gương trước.

Trần Anh Tài

--------------------------------------------------------------------------------

Chợ Tân Phú xây rồi bỏ hoang

Năm 2004, chợ Tân Phú (P.Tân Phú, Q9 TPHCM) được đầu tư xây dựng hơn 2 tỷ đồng làm nơi buôn bán cho các tiểu thương trong phường. Chợ được xây dựng khang trang trên diện tích hơn 3.000m², với 340 sạp sạch đẹp và đã chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 3-2006, nhưng đã 5 năm trôi qua, ngôi chợ này vẫn “vắng như chùa bà Đanh”. Hiện nay, khắp nơi trong chợ là rác thải, phân súc vật. Các cửa ki-ốt đóng im lìm và đã gỉ sét, mạng nhiện giăng khắp nơi và hầu hết các đồng hồ điện trang bị cho các ki-ốt đều bị kẻ gian lấy cắp.

Theo lý giải của một số người dân, tuy chỉ cách QL1A 500m nhưng đường đi không thuận lợi, lại nằm ở khu dân cư thưa thớt nên rất ít người vào chợ.

Trong khi chợ mới khang trang không có khách thì 2 ngôi chợ tự phát là chợ Cây Dầu nằm trên đường 154 và chợ trên đường Nam Cao gần đó lại tấp nập người mua, kẻ bán gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Hiện nay, ngôi chợ tiền tỷ này vẫn hàng ngày phơi nắng phơi sương, làm chỗ tránh nắng cho bò, lãng phí quá.

Bá Khanh

--------------------------------------------------------------------------------

Tiết kiệm mọi nơi mọi lúc

Hai chữ “tiết kiệm” nói thật dễ và ai cũng nói được nhưng khi thực hiện mới thấy khó nếu việc tiết kiệm không “đụng” đến chính túi tiền của bản thân từng người. Khi giá cả mỗi ngày một tăng, bà nội trợ “tay hòm chìa khóa” mới bắt đầu tính toán cân nhắc khi mua bó rau con cá; người công nhân tan ca lo bữa ăn chiều nhiều lần nhấc lên đặt xuống cái trứng, lạng thịt.
 
Là một gia đình thu nhập trung bình khá, từ mùa khô năm ngoái, thực hiện lời kêu gọi tiết kiệm điện của nhà nước, đến nay thấy tiết kiệm được khá nhiều. Mỗi phòng sinh hoạt, trước đây gắn 4 bóng đèn huỳnh quang 1,2m nay đã được thay bằng 2 bóng đèn compact và chỉ mở một bóng luân phiên. Máy nước nóng trực tiếp tôi cũng tháo ra, thay bằng máy nước nóng năng lượng mặt trời. Thật tình mà nói, giá máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng khá cao, từ 8 - 10 triệu đồng nhưng tính kỹ mới thấy lợi nhiều.

Trước tiên, sử dụng máy này khá an toàn, không lo bị rò điện. Tiếp đến, do không sử dụng điện nên rất tiện lợi khi dùng trong nhà bếp khi rửa chén dĩa có dính dầu mỡ. Nếu tính toàn thời gian sử dụng, khấu hao chi phí mua máy thì dùng máy này rất tiết kiệm. Tại phòng ăn hoặc phòng sinh hoạt chung, trước đây các cháu hay có thói quen bật quạt máy liên tục khi xem ti vi thì nay chỉ sử dụng khi nào thật cần thiết. Thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất là bàn ủi cũng được vợ chồng tôi tính toán kỹ lưỡng.

Chi tiêu hợp lý cũng là một hình thức tiết kiệm. Ảnh: KIM NGÂN

Chi tiêu hợp lý cũng là một hình thức tiết kiệm. Ảnh: KIM NGÂN

Quần áo dày và bằng chất liệu cotton như quần jeans… khi giặt xong thì giũ thẳng, phơi khô và mặc, không cần ủi. Việc ủi quần áo rất hạn chế và chỉ ủi vào giờ thấp điểm. Đối với máy lạnh, khi trời quá nóng mới sử dụng, từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng là tắt và chỉ để ở chế độ mát (26 độ). Với cách sử dụng điện như vậy, tiền điện hàng tháng của nhà tôi từ khoảng 700.000 đồng/tháng, giảm còn khoảng 450.000 đồng/tháng.

Đối với chi tiêu hàng ngày, bài toán thật không dễ dàng nhưng không phải không có cách giải. Trước đây, chúng tôi cho tiền các cháu ăn sáng ở trường hoặc ăn bên ngoài. Chỉ riêng tiền ăn sáng cho 4 người như vậy cũng mất gần 100.000 đồng/ngày. Nay hàng tuần vợ tôi đi siêu thị mua hoành thánh, há cảo… về trữ trong tủ lạnh hoặc mua mì gói, trứng… để chế biến đồ ăn sáng cho cả nhà.

Vừa rẻ, vừa tiết kiệm lại an tâm về chất lượng vệ sinh. Thói quen hàng tuần cả nhà đi ăn bên ngoài một lần cũng được tiết giảm nên tiết kiệm được khá nhiều tiền. Thực phẩm chế biến cho bữa ăn hàng ngày cũng được tính toán chi li, đều mua trong siêu thị để ăn trong một tuần; giảm thịt, tăng cá và rau; trái cây quen thuộc là chuối vì rẻ tiền và lợi cho sức khỏe. Các thiết bị đồ dùng học tập của các cháu, tôi “rà soát” lại, tập bút nào còn xài được thì khuyên các cháu tận dụng… Điều tôi mừng nhất là các cháu đã có ý thức tiết kiệm hơn khi sử dụng các trang thiết bị hoặc chỉ mua sắm khi cần thiết.

Theo tôi, thói quen tiết kiệm hình thành khi nào người ta nhận thức rằng đất nước khó khăn, việc tiết kiệm không chỉ có lợi cho bản thân và gia đình mình mà còn có lợi cho toàn xã hội. Xây dựng và hình thành thói quen tiết kiệm là điều rất quan trọng. Tiết kiệm không phải là keo kiệt mà tiết kiệm, đầu tiên là có lợi cho bản thân mỗi người, mỗi gia đình. Không chờ khi nhà nước kêu gọi tiết kiệm mà làm sao hình thành thói quen tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày, kể cả khi cả đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này…

THANH NHIÊN (Quận 8)

--------------------------------------------------------------------------------

Tiết kiệm vì cuộc sống cộng đồng


Tôi rất hoan nghênh Báo Sài Gòn Giải Phóng đã mở diễn đàn “Tiết kiệm, ích nước lợi nhà”. Đây là một “kênh” để mỗi người, mỗi gia đình nói lên suy nghĩ, kinh nghiệm của mình trong việc tiết kiệm là cần thiết, nhất là khi giá cả leo thang, kinh tế lạm phát.

Theo tôi, chúng ta đừng nghĩ tiết kiệm là làm những điều gì to tát, mà tiết kiệm ngay từ cách tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần một động tác nhỏ, một lưu tâm nhỏ như ra khỏi phòng tắt các thiết bị điện không cần thiết, bảo vệ của công… là đã góp phần giảm thiểu lãng phí, mà trực tiếp là giảm bớt túi tiền của người tiêu dùng. Đơn cử như gia đình tôi, trước đây dùng 3 máy điều hòa cùng các thiết bị điện khác, chỉ tính riêng tiền điện lên tới 1,6 triệu đồng/tháng.

Cho dù thu nhập của đại gia đình tương đối ổn định, song vẫn chật vật vì tiền điện “ngốn” gần bằng tháng lương của một lao động phổ thông. Từ khi giá điện tăng và ý thức được sự lãng phí “quá đà”, thay vì chạy máy lạnh suốt đêm thì chỉ bật 4 tiếng đồng hồ; máy giặt ngày hoạt động 1 lần thì nay 2 ngày giặt một lần. Quần áo trước đây ngày nào cũng ủi thì nay gom lại ủi một lần…

Nhờ tiết kiệm mà gia đình tôi đã giảm được phân nửa số tiền điện. Tôi mong có nhiều người tiết kiệm điện, giảm được chi tiêu cho gia đình mà trên hết, theo ngành điện, nhiều người cùng tiết kiệm điện sẽ giúp hạn chế cắt giảm điện mùa khô sắp tới. Tiết kiệm điện rõ là điều cần thiết hiện nay, vì gia đình và cũng vì lợi ích cộng đồng.


MAI THẮNG (Vũng Tàu)

--------------------------------------------------------------------------------


Thay đổi thói quen sinh hoạt

Trước tình hình giá cả leo thang mà thu nhập thì vẫn “bất di bất dịch”, gia đình tôi đã bàn và thống nhất sẽ thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng để có thể thích ứng.

Về giảm lượng tiêu thụ điện, việc đầu tiên là gia đình tôi loại bỏ ngay những chuyện không thật sự cần thiết. Cụ thể như: Không cần ủi đồng phục cho cậu con trai đang học lớp 7; nếu ăn mì gói thì chỉ đổ nước sôi rồi đậy nắp, chứ không đưa vào lò vi ba làm chín như trước đây; không sử dụng máy rửa chén mà rửa bằng tay; hấp cơm nguội bằng cách đặt tô vào nồi cơm đang nấu khi đã ráo nước thay vì dùng lò vi ba; buổi tối không thắp đèn trang trí ngoài các hành lang và trên sân thượng…

Một số thói quen sinh hoạt gây lãng phí điện cũng phải thay đổi như là không ủi quần áo vào giờ cao điểm và sắp xếp thời gian để tập trung ủi một lần; không giặt quần áo bằng chế độ nước nóng nếu không thật sự cần thiết (thí dụ như thỉnh thoảng giặt tẩy đồ trắng); gội đầu xong thì để tóc tự khô chứ không dùng máy sấy; mọi người cùng xem chung một ti vi nếu như coi cùng một kênh… Do nhà ở mặt tiền đường, trước đây dù khi thời tiết không nóng bức, gia đình tôi vẫn đóng kín các cửa, mở máy lạnh để tránh tiếng ồn và bụi bặm. Bây giờ, mọi cửa sổ đều mở để đón gió trời, sử dụng quạt máy, còn chuyện bụi bặm thì phân công nhau lau chùi.
 
Về tiết kiệm nước, quy trình “rửa rau trước, giữ lại nước rửa rau lần cuối để dùng vo gạo nước đầu, giữ nước vo gạo lần 2 để ngâm tráng chén dĩa dơ, giữ nước rửa chén lần cuối để lau nhà lần đầu…” được áp dụng triệt để. Dầu tắm được thay đổi từ loại có chất làm ẩm dưỡng da sang loại dầu tắm không nhờn để tắm nhanh hơn, sử dụng ít nước; các con tôi thì từ bỏ thú vui ngâm bồn tắm…

Rõ ràng, chỉ mới khoảng nửa tháng thực hành tiết kiệm, lượng tiêu thụ điện và nước của gia đình tôi đã giảm đáng kể, mà mọi nhu cầu sinh hoạt cần thiết vẫn được đảm bảo. Thế mới thấy, do không có ý thức tiết kiệm nên suốt thời gian dài trước đây, chúng tôi không chỉ bị tốn tiền hoang phí mà còn vô tình góp thêm phần vào tình trạng thiếu điện và khan hiếm nước của xã hội.

VƯƠNG THẢO

--------------------------------------------------------------------------------


Tiết kiệm với ý thức thường trực

Tiết kiệm là một trong những đặc điểm của người Việt ta. Xưa nay, ông bà ta vẫn dạy: “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (để dành gạo phòng khi gặp khó khăn, để dành quần áo phòng khi lạnh lẽo). Dân ta vốn phải thường xuyên đối phó với thiên tai, địch họa nên luôn có ý thức tiết kiệm cao và đồng thời nhiều cách tiết kiệm hiệu quả. Một trong những cách tiết kiệm tuyệt vời nhất đó là “hũ gạo cứu đói” hồi năm 1945 bằng cách hàng ngày bớt lại một nắm gạo để cứu những người đang gặp đói kém. 

Thay thế bóng đèn dây tóc bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện thắp sáng bàn học. Ảnh: KIM NGÂN

Thay thế bóng đèn dây tóc bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện thắp sáng bàn học. Ảnh: KIM NGÂN

Ngày xưa, để chống đói trong những tháng giáp hạt, người Việt ta thường chủ động ăn độn khoai sắn không phải chỉ để “thích nghi” mà còn để có đủ lương thực cho những ngày khó khăn sắp tới. Tinh thần đó đến giờ dù có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa bị mai một.

Hiện nay, ở một số trường mầm non, các cô giáo dùng những thứ đã qua sử dụng như hộp giấy, chai nước, giấy báo, ống bút, ly nhựa… cùng với óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo đã tạo ra các đồ chơi, dụng cụ dạy học xinh xắn, đẹp mắt, sinh động mà rất rẻ tiền. Một số khách sạn có sáng kiến chèn một cái chai vào bồn nước của các bồn cầu, mỗi khi giật nước sẽ tiết kiệm được một lượng nước đúng bằng thể tích của cái chai vốn đã chiếm vị trí trong bồn nước. Nhiều công sở đã vận động nhân viên hạn chế đi thang máy, mở máy lạnh muộn và tắt sớm với nhiệt độ vừa phải, sử dụng giấy đã dùng một mặt cho các văn bản nháp…

Hai năm gần đây, với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực chất cũng có ý nghĩa tiết kiệm. Bởi vì với một số sản phẩm trong nước có chất lượng tương tự hàng nhập ngoại thì gần như luôn có giá rẻ hơn. Khi đó, dùng hàng Việt Nam không chỉ tiết kiệm được số tiền chênh lệch mà còn giúp cho đất nước tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu. Dĩ nhiên, hầu hết các gia đình tùy theo điều kiện cụ thể của mình đều thực hiện tiết kiệm triệt để. Khó có thể liệt kê hết các cách tiết kiệm, nhưng nhìn chung mọi người đều cố gắng cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết.

Trên hết, tiết kiệm không phải dè xẻn trong chi tiêu mà chính là tạo ra được một ý thức thường trực về tiết kiệm, không chỉ cho bản thân mà cho những người thân trong gia đình mình.

“Thắt lưng buộc bụng” hiện nay không phải chỉ là chính sách của nhà nước mà là của toàn dân, không phải chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước khác. Vì vậy, tiết kiệm bây giờ là quốc sách. Tiết kiệm không chỉ lợi cho bản thân, gia đình mà còn góp phần đem lại lợi ích cho toàn xã hội.

Trong quá trình thực hiện “quốc sách” này cũng phải chú ý đến hai thái cực đối lập: một là tiết kiệm đến độ cắt giảm chi tiêu tối đa, trở thành “ki bo” – nếu ai cũng không tiêu xài gì đáng kể thì hàng hóa sản xuất ra sẽ bị ứ đọng, dẫn đến khủng hoảng thêm trầm trọng. Hai là, những người vì tự cho rằng mình có nhiều tiền mà vẫn tiêu xài hoang phí thì không chỉ lạc lõng với toàn xã hội mà nghiêm trọng hơn trở thành một gánh nặng nếu việc tiêu xài đó làm tiêu tốn nhiều ngoại tệ cho đất nước…
 

TRÚC GIANG

--------------------------------------------------------------------------------

Nên có tiết học tiết kiệm năng lượng

Em được biết mùa khô hạn bắt đầu, khả năng sản lượng điện tại TPHCM sẽ thiếu khoảng 2 triệu kWh/ngày, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất lâm vào khó khăn. Đây là lúc chúng ta cần phải tiết kiệm năng lượng, cụ thể là sử dụng điện, nước của mỗi gia đình sao cho phù hợp, trên tinh thần của Nghị quyết 11 mà Chính phủ đề ra để kiềm chế lạm phát, ổn định và bảo đảm an sinh xã hội.

Mỗi địa phương, chính quyền cùng các ban, ngành, cơ quan có kế hoạch phối hợp, vận động, tuyên truyền thực thi tiết kiệm điện, nước. Các cơ quan, công sở được khuyên tận dụng ánh sáng thiên nhiên để làm việc, sử dụng bóng đèn tiết kiệm compact, 1 bóng cháy và 1 bóng tắt xen kẽ; hạn chế sử dụng máy điều hòa mà thay vào đó là quạt…

Riêng ở trường học, theo em vấn đề tiết kiệm năng lượng nên được triển khai như tiết học các môn để thường xuyên giáo dục học sinh thấm nhuần lâu dài, chứ không phải các buổi tập huấn mang tính ngắn hạn. Hơn đâu hết, trường học phải là nơi khơi dậy lòng tự trọng của mỗi người trong chúng ta, của cả dân tộc, vì tiết kiệm là yêu nước, là cùng chung sức đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện nay.

Chúng ta nên noi gương và học tập người Nhật là họ chỉ mở một đèn nhỏ đủ để thấy thức ăn trên bàn (Bài: Toàn dân Nhật tiết kiệm điện – SGGP đăng ngày 15-3-2011). Dĩ nhiên chúng ta chưa thể học theo họ hoàn toàn nhưng với ý thức, lòng tự trọng và yêu nước được khơi dậy đúng lúc, đó là chuyện không còn của riêng ai, mà dần dà từng bước việc thực thi tiết kiệm sẽ như là thói quen hàng ngày.

VÕ THỊ QUỲNH HƯƠNG
(Lớp 12A2 THPT Hàn Thuyên, Q. Phú Nhuận)

--------------------------------------------------------------------------------

Xử lý đơn vị thụ hưởng ngân sách không tiết kiệm điện

Theo tính toán và dự báo, trong các tháng mùa khô 2011, sản lượng điện tại TPHCM sẽ thiếu khoảng 2 triệu kWh/ngày và mức thiếu hụt công suất khá cao: 150 - 250MW. Phụ tải khu vực dân cư chiếm 39,8% sản lượng điện tiêu thụ, tương đương 20 triệu kWh/ngày. Nếu thành phần phụ tải này tiết kiệm được 10% (khoảng 2 triệu kWh), TPHCM sẽ không phải tiết giảm sản lượng điện. Làm thế nào để đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm điện? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trí Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TPHCM, về nội dung trên.

Chạy máy phát điện tại một tiệm sửa xe ở quận 8 do cúp điện. Ảnh: CAO THĂNG

Chạy máy phát điện tại một tiệm sửa xe ở quận 8 do cúp điện. Ảnh: CAO THĂNG

- Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong cuộc vận động tiết kiệm điện hồi mùa khô 2010?

Ông HUỲNH TRÍ DŨNG: Cuộc vận động tiết kiệm điện trong mùa khô năm 2010 được người sử dụng hưởng ứng khá tốt với kết quả đáng phấn khởi: sản lượng điện tiết kiệm trên toàn địa bàn TP là 222,930 triệu kWh, đạt tỷ lệ 156,3% kế hoạch do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao và đạt tỷ lệ 112,59% so với kế hoạch do Tổng Công ty Điện lực TPHCM đề ra. Cụ thể, khối chiếu sáng công cộng, quảng cáo đạt 34,78%, khối sản xuất đạt 31,55%, khối thắp sáng sinh hoạt 18,99%, còn khối các cơ quan HCSN 14,69%.

- Ngành điện lực triển khai cuộc vận động tiết kiệm điện mùa khô 2011 theo chỉ thị của Chính phủ và chỉ đạo của UBND TPHCM ra sao?

Mùa khô năm nay, ngành điện lực TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện tốt việc điều hành sản lượng điện hợp lý nhằm bảo đảm cân đối cung cầu tối ưu nhất cho các phụ tải. Đồng thời triển khai và quán triệt việc thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng điện.

Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã lập kế hoạch thực hiện các giải pháp sau: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tiết kiệm điện tại các công ty điện lực, phân công nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và có biện pháp xem xét trách nhiệm khi không hoàn thành công tác được giao. Điều hòa sản lượng, giãn bớt nhu cầu về điện nhằm hạn chế tối đa việc phải sa thải phụ tải trong thời điểm mất cân đối về điện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền và vận động khách hàng sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như đèn compact, bình nước nóng năng lượng mặt trời… Nâng cao công tác kiểm tra tiết kiệm điện, chú trọng các biện pháp kiểm tra phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng các giải pháp tiết kiệm điện. Phát động phong trào thi đua, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện.

- Hai lĩnh vực được dư luận quan tâm là đèn chiếu sáng và bảng đèn quảng cáo. Ngành điện có giải pháp gì để thực hiện tiết kiệm điện trong 2 lĩnh vực trên? Việc kiểm tra, chế tài sẽ thực hiện ra sao?

Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ và UBND TPHCM, chúng tôi đã làm việc với các đơn vị có bảng quảng cáo để thực hiện tiết giảm 50% công suất tiêu thụ đối với hệ thống này và tắt đèn sau 22 giờ. Về đèn chiếu sáng, ngành chiếu sáng sẽ điều chỉnh thời gian đóng mở đèn hợp lý; tiết giảm 50% công suất tiêu thụ đối với hệ thống đèn tại các công viên. Ngành điện cũng phối hợp với các quận, huyện tăng cường giám sát thực hiện tiết kiệm điện đối với hệ thống chiếu sáng dân lập, không sử dụng bóng có công suất lớn, quản lý số lượng đèn mới phát sinh, cải tạo hệ thống đèn dân lập bằng loại đèn hiệu suất cao như đèn compact… Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời đối với các trường hợp chưa thực hiện tiết kiệm điện.

- Năm ngoái, sản lượng điện tiết kiệm tại các công sở chưa cao. Năm nay, sẽ vận động tiết kiệm điện như thế nào?

Ngoài việc tiếp nhận các phương án sử dụng điện của đối tượng này, chúng tôi chủ động đôn đốc và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra tiết kiệm điện đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT. Hàng tháng tổ chức thống kê, theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện của các công sở, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn đã thực hiện tiết kiệm 10% sản lượng điện sử dụng theo quy định. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp tiết kiệm điện và lập biên bản đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước không thực hiện tiết kiệm điện.

- Năm nay, ngành điện có tổ chức khen thưởng các đơn vị, hộ dân thực hiện tiết kiệm điện như năm ngoái? Nếu có, cụ thể định mức sử dụng bao nhiêu sẽ được khen thưởng?

Dự kiến trong tháng 3 này ngành điện lực sẽ phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện năm 2011, tiến hành theo dõi kết quả thực hành tiết kiệm điện trong các tháng 4, 5 và 6-2011 để có hình thức khen thưởng phù hợp.

Cát Tường

--------------------------------------------------------------------------------

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tiết kiệm điện là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn xã hội. Có điều cần xem lại, một trong những lý do dẫn đến thiếu điện là việc sử dụng điện lãng phí của không ít cá nhân, cơ quan lâu nay có thói quen xài thoải mái, vô tư bởi là “của chùa, tiền chùa”. Thế nên mới có tình trạng tại các cơ quan, công sở, máy điều hòa, quạt, vi tính vô tư hoạt động khi vắng chủ. Còn tại các gia đình, chuyện xài điện lãng phí vẫn diễn ra.

Đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời và gió tại Công viên 23-9. Ảnh: Cao Thăng

Đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời và gió tại Công viên 23-9. Ảnh: Cao Thăng

Được biết ở TPHCM, nhu cầu sử dụng điện khá cao, khoảng trên 12,432 tỷ KWh với tốc độ phát triển phụ tải là 9,5%. Nếu không tiết kiệm, có nguy cơ thiếu hụt từ 9 đến 19 triệu KWh và khó tránh khỏi chuyện cắt điện. Thế nên ai cũng hiểu, cũng nói cần tiết kiệm điện, song khoảng cách giữa lời nói với việc làm còn cách xa nhau.

Theo tôi, để thực hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng mà Chính phủ đề ra, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, có sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng, trong đó các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục giúp mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, đơn vị có ý thức tự giác tiết kiệm. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng điện hợp lý, nhất là đối với hệ thống chiếu sáng, vườn hoa, công viên, đường phố; tiết giảm sử dụng điện cho hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời, các nhà hàng khách sạn, nhất là vào giờ cao điểm tối.

Đối với hộ gia đình và kinh doanh dịch vụ, cần hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn, tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện (đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8…) hay thiết bị sử dụng bằng năng lượng mặt trời…

Đối với khối hành chính sự nghiệp, cần có nội quy chặt chẽ trong việc sử dụng điện cơ quan, đèn chiếu sáng, máy điều hòa, vi tính... Đưa việc thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm điện vào chỉ tiêu thi đua cá nhân và tập thể. Cần có chế độ khen thưởng đi kèm phạt.

ĐỖ THÔNG (quận Bình Thạnh)

--------------------------------------------------------------------------------


Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

Lạm phát, giá dầu mỏ, lương thực tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó không loại trừ những nước có nền kinh tế phát triển. Để thích nghi với biến động mang tính toàn cầu, chính sách tiết kiệm được đề cao, từ chi tiêu công cho đến chi phí từng gia đình, để tồn tại trong giai đoạn khó khăn về kinh tế.

Chi tiêu trong gia đình được tiết giảm từ những khoản nhỏ nhất, vừa phù hợp với tình hình hiện tại, vừa đảm bảo mức sống bình thường không sút giảm nhiều. Tiết kiệm điện bằng cách tắt đèn ở những nơi không cần thiết, thay bóng đèn dây tóc bằng bóng compact, chọn thiết bị điện tiết kiệm điện cho gia đình, máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Nước máy chỉ dùng với lượng vừa đủ, tránh thừa thãi lãng phí trong sinh hoạt hàng ngày. Hạn chế khi đi lại với xe sử dụng xăng, có thể chuyển sang dùng xe đạp hoặc xe điện ở những cự ly gần, đi làm...

Thực phẩm mua phải tính toán để không thừa khi ăn xong, vừa đủ chất vừa hợp với giá tiền phải chi ra, tiết kiệm năng lượng khi chế biến và thức ăn vẫn thay đổi món. Có thể chuẩn bị cho gia đình tại nhà, giảm ăn điểm tâm ở ngoài, vừa hợp vệ sinh vừa giảm chi tiêu. Vật dụng, quần áo trong nhà chỉ mua sắm khi thấy thật cần thiết, có thể sử dụng tiếp tục những đồ dùng còn tốt chưa cần thay. Nếu cần hãy chọn mua những loại sản xuất trong nước, hạn chế loại phải nhập khẩu có giá trị cao. Mua sắm trong những đợt hàng giảm giá, vừa rẻ lại cũng chẳng thua gì hàng vào thời điểm bình thường.

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, kinh nghiệm của dân gian chỉ ra lối sống thích ứng với từng hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt. Cân đối chi tiêu sao cho có lợi nhất là bài toán không dễ nhưng đều có thể làm được, từ cá nhân, gia đình cho đến cả nước phải chung sức, chung lòng để ích nước lợi nhà, cùng nhau phát triển và xây dựng đất nước phồn vinh. Vậy còn chần chừ gì nữa, mỗi cá nhân hãy bắt tay tiết kiệm ngay từ bây giờ.

NGUYỄN TẤN QUỐC

--------------------------------------------------------------------------------


Đồng lòng hưởng ứng

Tôi nhớ khoảng năm 1964, Chính phủ đã phát động phong trào “Cần kiệm để kháng chiến, kiến quốc”, với những khẩu hiệu thiết thực: “Tiết kiệm là quốc sách”, “Chung lòng tiết kiệm ai ơi - Đặt viên gạch quý xây đời ấm no”. Hồi đó, cả miền Bắc thắt lưng buộc bụng để vừa tiến hành sự nghiệp xây dựng CNXH, vừa cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Và chủ trương đúng đắn mang tính chiến lược đó của Đảng, Nhà nước đã thành công, thu non sông về một mối.

Giờ đây, trước bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế, vấn đề tiết kiệm càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Từ thực tiễn cuộc sống, thiết nghĩ, để biến Nghị quyết 11 của Chính phủ thành hiện thực, phải bắt đầu từ mỗi thành viên, mỗi gia đình, tạo nên một xã hội cùng tiết kiệm, mọi nơi, mọi lúc.

Chọn mua bóng đèn compact về sử dụng tại gia đình giúp tiết kiệm điện. Ảnh: CAO THĂNG

Chọn mua bóng đèn compact về sử dụng tại gia đình giúp tiết kiệm điện. Ảnh: CAO THĂNG

Nếu ở nhà lâu nay sử dụng máy giặt - tốn kém nhiều nước và điện, thì bây giờ hãy giặt bằng tay, hạn chế mở tivi nếu trong nhà bố trí nhiều chiếc, nên tập trung một nơi để theo dõi tin tức thời sự, chính trị, các chương trình giải trí, đồng thời nhớ tắt nguồn ngay khi không còn sử dụng. Trường hợp thành viên trong gia đình đi làm trên cùng tuyến đường, cần cân nhắc để có thể đi chung xe máy hợp lý nhằm tiết kiệm xăng dầu, hao phí sửa chữa phương tiện hoặc sử dụng xe đạp khi khoảng cách không quá xa.

Với bữa ăn hàng ngày, điều tiết thực đơn đảm bảo đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, song chú trọng khẩu phần phù hợp túi tiền thu nhập. Cụ thể thịt, cá, rau xanh mua vừa phải, dự trữ vài ba ngày để tránh phải đi lại nhiều lần, đan xen thêm đồ hộp. Trường hợp khuôn viên nơi ở có ít đất, nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự túc trồng rau, nuôi gà vịt, hạn chế tối đa tổ chức ăn uống tập thể quán xá, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, lại chi phí lớn cho một bữa ăn.

Điều thiết yếu khác là nên chọn lựa hàng hóa, lương thực, thực phẩm sản xuất trong nước, giá cả phải chăng, nguồn gốc rõ ràng, không phải lo ngại ô nhiễm hóa chất kích thích tăng trưởng.

Có nhiều cách tiết kiệm mang lại hiệu quả hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội, miễn là chúng ta đồng lòng hưởng ứng cùng Chính phủ có thể giữ vững ổn định nền kinh tế, duy trì tăng trưởng, phát triển.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
(Đức Trọng, Lâm Đồng)

--------------------------------------------------------------------------------


Cần có hành động thiết thực

Tôi nhận thấy Báo SGGP mở diễn đàn “Tiết kiệm, ích nước lợi nhà” vào thời điểm này là rất thiết thực. Trong bối cảnh chung, vật giá leo thang, tình hình kinh tế gặp khó khăn, từ người dân đến công sở, doanh nghiệp đều có ý thức về vấn đề tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đầu vào, nhất là điện nước... Thế nhưng nói thì dễ nhưng thay đổi thói quen, tạo thành hành động thiết thực không để lãng phí điện nước, chi phí hành chính ở từng đơn vị doanh nghiệp không đơn giản. Để tiết kiệm điện, công ty của tôi yêu cầu nhân viên chỉ mở máy điều hòa từ 10 giờ trở đi và khi ít khách hàng đến tham quan, mua sắm thì phải tắt bớt máy lạnh, giảm đèn và đến khoảng 17 giờ thì tắt hết máy điều hòa, chỉ mở quạt máy vì lúc này phòng vẫn còn giữ hơi lạnh. Tuy vậy, để tiết kiệm điện, người quản lý phải luôn có mặt và nhắc nhở nhân viên có ý thức tiết kiệm kèm sự động viên khích lệ là tháng nào giảm được từ 10%-20% chi phí tiền điện thì sẽ được công ty thưởng.

Còn ở nhà, gia đình tôi cũng áp dụng chính sách “thắt lưng, buộc bụng” mới, giảm việc mở cùng lúc 3 máy lạnh ở phòng ngủ. Chúng tôi yêu cầu các con chỉ được mở máy lạnh từ lúc 22 giờ và để chế độ tắt tự động vào 4 giờ sáng. Ngoài ra, gia đình tôi cũng lên kế hoạch tiết giảm đối với những thiết bị gia dụng tốn nhiều điện như bàn ủi, máy nước nóng, máy giặt… Theo đó, chỉ ủi những quần áo cần thiết, bớt xài máy nước nóng vào mùa khô, đồ nào cần thì giặt máy không thì chịu khó giặt tay. Riêng nồi cơm điện, máy nghe nhạc, cũng hạn chế để chế độ chờ (standby)… Tuy có ý kiến của thành viên gia đình phản đối việc kiểm soát gắt gao việc sử dụng thiết bị điện nhưng chúng tôi vẫn kiên trì nhắc nhở các con cùng sẻ chia vì mục tiêu ích nước, lợi nhà.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn dạy con ý thức tiết kiệm bằng cách ra đường mang theo nước uống, đồ ăn trưa làm sẵn nếu học ca chiều tại trường. Thay vì thuê người giúp việc đến làm cả ngày hoặc theo giờ như trước đây, tôi chia bớt việc nhà và muốn các con phải tham gia như tập nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Tuy cực nhọc hơn nhưng các con ngoan hơn, có ý thức sẻ chia việc nhà với cha mẹ hơn và cái được nhiều hơn là chúng bớt dần tính ỷ lại, tự lo cho bản thân, chuẩn bị ứng phó với khó khăn trong cuộc sống.

HOÀI THÂN
(quận Tân Bình, TPHCM)

--------------------------------------------------------------------------------


Tiết kiệm điện từ đầu năm

Từ nhiều năm nay, việc thiếu điện trong mùa khô liên tục diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân cũng như toàn xã hội (theo dự báo của ngành điện, năm 2011, nhu cầu điện cả nước trong mùa khô tăng 18,3%). Chính vì thế, chúng ta cần chủ động có những phương án, kế hoạch tiết kiệm điện ngay từ đầu năm để hạn chế tình trạng này. Không ai trong chúng ta không sử dụng các thiết bị điện, do đó việc tiết kiệm điện năng không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước mà còn là của toàn xã hội để góp phần giải quyết thiếu điện.

Gắn bóng đèn compact tiết kiệm điện thắp sáng trong nhà. Ảnh: Kim Ngân

Gắn bóng đèn compact tiết kiệm điện thắp sáng trong nhà. Ảnh: Kim Ngân

Theo tôi, ngay từ đầu năm, các cơ quan, công sở và người dân cần xây dựng và thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện năng sử dụng hàng năm; ban hành quy định về sử dụng điện; thay thế, sửa chữa các trang thiết bị điện; tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Đối với thiết bị điều hòa, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và nên để ở chế độ 25°C trở lên. Các cơ quan, công sở cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện tiết kiệm điện, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.

Đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại cần có ý thức giảm công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời, sau 22 giờ phải tắt toàn bộ đèn chiếu sáng các pano quảng cáo tấm lớn. Riêng các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải có kế hoạch tiết kiệm điện ít nhất 1%/năm. Chuẩn bị nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, đồng thời xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện. Đặc biệt, vào dịp lễ, tết, cân nhắc việc sử dụng đèn để trang trí tại nhà riêng và nơi công cộng và sớm cắt ngay sau tết. Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, ngoài việc giảm 50% công suất, cần tính toán việc chiếu sáng hợp lý, như chỉ để đèn ở một số trục đường chính và các nơi phục vụ du lịch, các điểm còn lại chỉ cần thắp sáng đến 23 giờ.

Lê Thị Kim Xa (Bình Chánh)

--------------------------------------------------------------------------------


Sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất điện năng

Điện là một loại hàng hóa đặc biệt vì ngay cả nhà sản xuất cũng kêu gọi người tiêu dùng phải triệt để tiết kiệm, không ham bán nhiều để được lời nhiều. Rất nhiều khẩu hiệu, chính sách tiết kiệm điện được Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên từ trước đến nay, chúng ta tập trung cổ vũ tiết kiệm điện trong nhân dân mà bỏ quên mất một điều: tiết kiệm điện cũng xuất phát ngay từ những nhà sản xuất. Một trong những biện pháp để tiết kiệm là sử dụng công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả cao.

Dây chuyền kéo sợi hiện đại được kết nối thêm thiết bị tiết kiệm điện giúp giảm lượng điện tiêu thụ tới 30%. Ảnh: Kim Ngân

Dây chuyền kéo sợi hiện đại được kết nối thêm thiết bị tiết kiệm điện giúp giảm lượng điện tiêu thụ tới 30%. Ảnh: Kim Ngân

Hiện nay, Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất điện nhưng thực ra thiết bị của chúng ta lại lạc hậu, vì vậy đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu điện. Nếu như ở các nước tiên tiến, trong quy trình sản xuất điện năng, người ta biến đổi được 70% năng lượng mà ta mới biến đổi được 50%, hoặc nếu người ta biến đổi được 90% năng lượng mà ta mới biến đổi được 60% thì rõ ràng chúng ta đã lãng phí năng lượng. Vấn đề được đặt ra cho nhà sản xuất điện là cần áp dụng những thiết bị công nghệ cao, tiết kiệm điện, mang lại hiệu quả tốt nhất. Chúng ta đang dùng những công nghệ đã lạc hậu nhưng vì giá thành rẻ nên ta cứ dùng. Hoặc các nhà sản xuất nhập các thiết bị rẻ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, với giá rẻ đó thì sản phẩm của chúng ta không thể có chất lượng cao được, tức hiệu suất sản xuất điện của chúng ta không thể cao. Khá nhiều nhà máy điện của chúng ta vừa khánh thành đã có sự cố, hoặc trục trặc trong quá trình vận hành. Như vậy, tiền sửa chữa gấp vài lần số tiền tiết kiệm được từ việc mua công nghệ, máy móc, giá thấp, rẻ tiền.

Ý thức tiết kiệm điện không chỉ xuất phát từ phía người tiêu dùng mà ngay từ phía nhà sản xuất, ý thức này cần được coi trọng hàng đầu. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ đầu tư đúng mức và hợp lý cho các nhà máy điện để đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời giải quyết tình trạng thiếu điện như hiện nay.

Đặng Lê (Thủ Đức)

--------------------------------------------------------------------------------


Để tiết kiệm đi vào nếp sống hàng ngày

Triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều đã đề ra nhiều giải pháp, theo tôi là rất tốt. Các giải pháp càng cụ thể càng tốt và việc theo dõi, kiểm tra cần tiến hành thường xuyên, đừng đầu voi đuôi chuột.

Nhưng theo tôi, khâu tuyên truyền giáo dục luôn luôn đi trước. Tệ lãng phí bấy lâu khá phổ biến ở các công sở, trở thành thói quen xấu của một bộ phận cán bộ, nhân viên, nay muốn chuyển biến thật không dễ. Cần kiên trì giúp họ có nhận thức đúng chủ trương tiết kiệm mà Chính phủ đề ra và tự giác thực hiện, thấy việc sử dụng của công “vô tư, thoải mái” là sai trái. Bắt buộc, xử phạt cũng nhằm mục đích giáo dục để đi đến hành động tự giác.

Có thể nói căn cơ tiết kiệm là đức tính quý của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay. Lứa tuổi 60, 70 chúng tôi vẫn thừa hưởng đức tính đó. Có vị giáo sư ở khu phố tôi khi viết sách, viết báo vẫn tận dụng giấy một mặt, gửi thư thì dùng phong bì lộn trái. Mẹ tôi, nay đã mất, thường can ngăn mỗi khi thấy con cháu định mua sắm những thứ không thật cần thiết và nhắc lời dạy của Bác Hồ: “Người có bốn đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính; thiếu một đức thì không thành người”. Do đó mọi người trong gia đình tôi đều quen sống chăm chỉ, tiết kiệm, ghét thói xa hoa, phí phạm của công cũng như của riêng mình. Tôi tin rằng chủ trương “tiết kiệm, ích nước lợi nhà” đang và sẽ được toàn dân hưởng ứng bằng việc làm cụ thể, dần dần đi vào nếp sống hàng ngày. Các ngành, các cấp, các lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần đi đầu nêu gương trong việc sử dụng ngân sách, đầu tư công,… cũng như sinh hoạt, để nhân dân noi theo, vì nêu gương là biện pháp giáo dục có tác dụng rất lớn.

Trương Nguyên Tuệ (P9, Q.Phú Nhuận)

Tin cùng chuyên mục