Diễn đàn “Tai nạn giao thông - nguyên nhân và giải pháp”

Đầu tư hạ tầng, tăng cường kiểm tra, xử lý

I/ Về nguyên nhân của TNGT:
Đầu tư hạ tầng, tăng cường kiểm tra, xử lý

Mặc dù không phải là chuyên gia về giao thông, nhưng để góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, hưởng ứng vận động của Báo SGGP, tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây.

I/ Về nguyên nhân của TNGT:

Đầu tư hạ tầng, tăng cường kiểm tra, xử lý ảnh 1

Để đề ra biện pháp giảm TNGT có hiệu quả, trước tiên cần phải xác định chính xác và đầy đủ các nguyên nhân, theo tôi có các nguyên nhân cơ bản:

1/ Hệ thống cầu đường bộ (kể cả đường sắt) của ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, chưa đảm bảo an toàn cho người tham gia lưu thông. Cụ thể: Biển báo giao thông nhất là ở đường quốc lộ khó quan sát; chất lượng đường chưa tốt, có quá nhiều khu dân cư, nhiều người sinh sống và sinh hoạt hai bên đường, chiếm dụng lòng lề đường và hành lang an toàn; đa số đường quốc lộ không có dải phân cách (kể cả phân cách giữa đường và 2 bên đường), từ đó bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào; hệ thống cầu đường bộ còn thiếu nhất là các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội.

2/ Ý thức của con người khi điều khiển phương tiện giao thông: Tình trạng cố tình phóng nhanh, lấn tuyến, vượt ẩu, không chấp hành luật lệ giao thông còn rất phổ biến nhất là đối với các phương tiện xe tải, xe khách tốc hành, xe khách đường dài, tình trạng say rượu, không có bằng lái khi điều khiển phương tiện còn nhiều.

3/ Ngoài ra, còn do tình trạng chủ phương tiện chỉ đạo tài xế đua thời gian để quay vòng nhanh; một số tài xế lao động quá vất vả, lái xe suốt ngày, không đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện. Chất lượng phương tiện giao thông chưa đảm bảo, việc xử phạt của các cơ quan chức năng còn nương tay, mức phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

II/ Giải pháp:

Từ những nguyên nhân nêu trên, có thể đề ra một số giải pháp sau đây:

– Đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cầu đường bộ đến năm 2020, tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang trong quá trình triển khai. Để triển khai nhanh các dự án về cơ sở hạ tầng, cần có chính sách thu hút đầu tư của nước ngoài, đầu tư từ DN trong nước cũng như đầu tư của tư nhân.

– Phát triển nhanh hệ thống vận chuyển bằng đường sắt, vừa nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

– Thực hiện các biện pháp thu hút người dân sinh sống ở các khu đô thị mới, tránh tập trung ở trung tâm thành phố. Để thực hiện được vấn đề này, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thì mới đảm bảo cuộc sống của người dân.

– Cải tạo và đầu tư hệ thống biển báo trên quốc lộ như các nước đã thực hiện (bảng báo phải to, rõ, phù hợp với tầm quan sát của người điều khiển phương tiện). Quy định hợp lý về hạn chế tốc độ trên tinh thần bảo đảm an toàn giao thông nhưng cũng cần tính đến yếu tố thời gian đi đường không thể quá chậm.

– Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý hơn. Nên tăng cường việc phân luồng giao thông theo hướng lưu thông 1 chiều, như vậy tránh được ùn tắc giao thông, giảm thiểu mức độ thiệt hại do tai nạn gây ra.

– Tăng cường xử phạt đủ mức để làm cho người điều khiển phương tiện phải chấp hành tốt luật lệ giao thông.

– Để hạn chế hậu quả của tai nạn giao thông, mọi người tham gia lưu thông cần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông và phải chấp hành tốt việc đội nón bảo hiểm.

Qua phân tích nêu trên, có thể thấy rằng nguyên nhân của tai nạn giao thông không chỉ do người điều khiển phương tiện giao thông, mà còn có trách nhiệm của Nhà nước, các chủ phương tiện… Chỉ trên cơ sở thấy rõ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp. Vấn đề hạn chế tai nạn giao thông thuộc trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó vai trò của Nhà nước có tính chất quyết định.

Nguyễn Ngọc Thạch
(Sở Tài chính TPHCM)

Tin cùng chuyên mục