Giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng trường

Học sinh đi xe đưa rước hay điều chỉnh giờ học?

Đáp ứng thêm 40% nhu cầu
Học sinh đi xe đưa rước hay điều chỉnh giờ học?

Trước tình trạng bùng phát ùn tắc giao thông hiện nay, UBND TPHCM đã đề ra rất nhiều giải pháp, trong đó đề án lệch ca, lệch giờ học được kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, sau khi Sở Giáo dục – Đào tạo có văn bản hướng dẫn các trường điều chỉnh giờ học thì nhiều ý kiến quan ngại về sự thiếu khả thi của giải pháp này. Những ý kiến này nghiêng về hướng nên tổ chức tốt hơn nữa việc đưa rước học sinh. Vấn đề cần nhìn lại là lâu nay việc đưa rước học sinh được tổ chức thế nào, hiệu quả hay không và cần bổ sung những gì?

Đáp ứng thêm 40% nhu cầu

Học sinh đi xe đưa rước hay điều chỉnh giờ học? ảnh 1

Ùn tắc giao thông luôn diễn ra trước cổng trường vào giờ tan học. Ảnh: NHƯ QUỲNH

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định: Văn bản hướng dẫn các trường điều chỉnh thời gian giờ học và giờ về của học sinh các cấp chỉ là gợi ý cho các trường chứ hoàn toàn không mang tính áp đặt. Vì theo ông, nếu hầu hết học sinh đến trường bằng xe buýt và xe đưa rước thì quá tốt cho các em, gia đình và xã hội. Đồng quan điểm này, ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM phân tích: Chỉ tính giờ học chính khóa, mỗi ngày phụ huynh phải 4 lượt lưu thông trên đường để đưa rước học sinh. Mà hầu hết cổng trường đều chật hẹp, dù nhà trường có bố trí trật tự viên để giữ gìn trật tự thì phụ huynh vẫn phải tràn xuống đường. Vì vậy, ông khẳng định giải pháp sử dụng xe hợp đồng để đưa đón học sinh chắc chắn sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Cũng theo ông Phong, trước đây có 2 hình thức đưa rước học sinh, bằng xe buýt và xe hợp đồng. Tuy nhiên, sau 1 thời gian hoạt động cho thấy hình thức đưa rước bằng xe buýt không phù hợp do không tạo được sự an tâm cho phụ huynh, không đảm bảo thời gian do ùn tắc giao thông, xe bỏ trạm…, gây lãng phí lớn nên trung tâm đã cắt chỉ còn 3 tuyến. Riêng hình thức xe hợp đồng (loại 12 chỗ) ngày càng được sử dụng nhiều vì nó linh động, an toàn và phù hợp với tình hình giao thông tại TPHCM.

Nếu như trong năm học 2004 - 2005 chỉ có 77 trường tham gia với 14.653 học sinh (4,2 triệu lượt) thì năm học 2005 - 2006 số trường tham gia tăng lên 90 với 19.677 học sinh (5,8 triệu lượt) và năm học 2006 - 2007 có đến 110 trường tham gia với 23.845 học sinh (trên 7 triệu lượt). Loại xe 12 chỗ có thể đáp ứng thêm khoảng 40% nhu cầu cầu đi lại của học sinh. Học sinh sử dụng phương tiện này được trợ giá trực tiếp 2.830 đồng/lượt/em, nên học sinh chỉ đóng 150.000 đồng/tháng.

Hiện nay, các trường Trần Đại Nghĩa (quận 1), Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) là những trường tổ chức khá thành công việc đưa đón học sinh bằng xe đưa rước. Cô Võ Thị Ngọc Duyên, Hiệu phó Trường chuyên Trần Đại Nghĩa khẳng định: “Sử dụng xe đưa rước là một trong những biện pháp giúp giảm bớt kẹt xe ngay tại cổng trường vào giờ cao điểm”.

Còn theo cô Trịnh Lê Giang (Hiệu phó Trường THCS Ngô Sĩ Liên), số lượng học sinh của trường đi xe đưa rước chiếm đến 10%. Nhà trường quy định giáo viên không được kéo dài thời gian của buổi học. Học sinh đi xe đưa rước được xuống trước. Cũng giống như Trường Trần Đại Nghĩa, xe đưa rước chạy ngay vào trong sân trường để đón các em. Vì vậy, đảm bảo cho các em đi đến nơi về đến chốn. Riêng Trường Trần Đại Nghĩa, hội phụ huynh học sinh đảm nhận việc phối hợp với nhà xe trong việc tổ chức cho học sinh đi bằng xe đưa rước.

Giải pháp: “3 bao”!

Học sinh đi xe đưa rước hay điều chỉnh giờ học? ảnh 2

Tại Trường THCS bán công Huỳnh Khương Ninh, phụ huynh đón con tràn xuống lòng đường gây ùn tắc giao thông. Ảnh: NHƯ QUỲNH

Tuy nhiên, theo các đơn vị vận tải, tuy lượng học sinh đi xe đưa rước ngày càng tăng nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng số học sinh trên địa bàn thành phố. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vẫn còn một  số ban giám hiệu chưa thật sự quan tâm đến hoạt động này nên chưa phổ biến rộng rãi cho phụ huynh học sinh. Phía nhà xe phải “nhặt” từng em mà không có danh sách cụ thể để tổ chức cho các em đi cùng tuyến nhằm tiết kiệm thời gian.

Về phía phụ huynh, nhiều ý kiến cho rằng cũng có nhiều bất tiện khi cho con đi học bằng xe đưa rước. Ở bậc phổ thông trung học, bất tiện nhất là không chủ động được thời gian vì sau giờ học chính khóa các em thường phải học thêm ở ngoài trường. Còn ở lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở thì bất tiện nếu nhà trong hẻm hoặc trẻ về nhà trước cha mẹ…

Là một trong những đơn vị vận tải đầu tiên tham gia việc tổ chức hợp đồng đưa rước học sinh, ông Nguyễn Chơn, Phó Chủ nhiệm HTX vận tải Sao Nam cho rằng: “Để việc đưa đón học sinh bằng xe hợp đồng đạt kết quả cao thì phải đảm bảo “3 bao”. Nhà nước cần tiếp tục bao cấp, trợ giá một  phần như hiện nay. Trong trường hợp giảm trợ giá thì nên từ từ chứ không thể một lúc để cho phụ huynh chịu hết. Mặt khác, nên huy động các lực lượng xã hội đóng góp vào hoạt động đưa rước học sinh bằng các hình thức như giảm thuế chẳng hạn! Phía nhà trường đảm bảo “bao tiêu”, có  trách nhiệm phát động học sinh đi xe đưa rước và phối hợp với nhà xe trong việc tập hợp các em ở những khu vực tập trung thành từng nhóm để tổ chức đưa đón cho thuận lợi, đỡ tốn thời gian. Riêng nhà xe sẽ “bao sân” nhà trường -  trong trường hợp nhà trường có bất kỳ nhu cầu về xe để đưa rước học sinh như: hoạt động ngoại khóa, tham quan… nhà xe sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết khó khăn về xe cộ cho nhà trường. Hiện HTX đang phối hợp với 2 trường Ngô Tất Tố và Độc Lập (quận Phú Nhuận) thực hiện mô hình “3 bao” này rất tốt”.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Văn Hải, cán bộ chuyên trách đưa rước học sinh HTX vận tải số 14, kiến nghị: Ngoài buổi học chính, ngân sách nên trợ giá cho các em tham gia phương tiện này khi đi học tăng tiết, học hè. Ngành giáo dục TPHCM nên đưa tiêu chí giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào việc chấm điểm thi đua giữa các trường.      

Ngoài ra, theo quy định mới đây của Chính phủ, xe ô tô từ 17 ghế trở lên có diện tích sàn xe dành cho khách đứng mới là xe buýt. Trong khi đó, quy định điều kiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì các điều kiện chung và điều kiện kỹ thuật không có quy định số ghế trên xe. Do đó, nếu  như loại hình đưa rước học sinh bằng xe hợp đồng được phát triển tốt thì không chỉ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cho TPHCM mà còn tìm được hướng ra cho hơn 900 xe loại 12 chỗ này vì đến hết năm 2008 quy định loại xe 12 chỗ không còn chức năng là xe buýt.

Vân Anh - Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục