Bóng đá Việt Nam - thực trạng và mong muốn

Bóng đá Việt Nam - thực trạng và mong muốn
Bóng đá Việt Nam - thực trạng và mong muốn ảnh 1
Để mất đi một loạt tài năng của bóng đá nước nhà, trách nhiệm của LĐBĐVN thật không nhỏ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG.

Bạn đọc thân mến!. Phiên tòa xét xử vụ án mua bán độ tại Seagames 23  vừa kết thúc, mang đến chúng ta bao điều suy ngẫm, trăn trở. Nhằm đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ và tâm huyết với bóng đá Việt Nam, kể từ hôm nay 29-1, SGGP Online mở diễn đàn " BÓNG ĐÁ VIỆT NAM- thực trạng và mong muốn". Bạn đọc từ khắp nơi có thể bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của mình về bóng đá Việt Nam, xoay quanh các chủ đề: Suy nghĩ về phiên tòa xử vụ mua bán độ tại SEA Games 23, nhìn nhận thực trạng bóng đá Việt Nam hiện nay, và đặc biệt, bóng đá Việt Nam sẽ phải làm gì để có thể bay lên thoát khỏi vùng trũng, trở thành “con rồng" bóng đá Đông Nam Á và châu Á”.

Bạn đọc có thể đề cập đến một trong ba nội dung nêu trên hoặc đề cập cả ba. Rất mong nhận được sự tham gia của đông đảo bạn đọc, nhằm góp tiếng nói trách nhiệm vào việc xây dựng nền bóng đá nước nhà phát triển hơn, trong sạch hơn.

Trân trọng cảm ơn.

SGGP ONLINE

Dư âm sau vụ án mua bán độ tại SEA Games 23

  • Trách nhiệm của LĐBĐVN không nhỏ !

Tôi cảm thấy các cầu thủ thật đáng thương, mức án như vậy là có tác dụng răn đe rồi. Tuy nhiên, trong bản án sao không thấy nhắc gì đến trách nhiệm của LĐBĐVN, như thế là đã “lọt tội” rồi.

Theo tôi, LĐBĐVN có trách nhiệm rất lớn vì chưa quan tâm rèn luyện ý thức của cầu thủ, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Lẽ ra, Hội đồng xét xử phải kiến nghị LĐBĐVN rút ra bài học kinh nghiệm, cũng như xem xét xử lý các cá nhân có trách nhiệm của Liên đoàn bóng đá thì mới thỏa đáng.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU – Trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM

Đọc bài “Sự vô trách nhiệm của người lớn sẽ phải xử ra sao” của tác giả Tuấn Thành trên SGGP Thể Thao số 28, tôi rất tâm đắc. Tội lỗi của các cầu thủ thì đã được tòa tuyên án, còn trách nhiệm của các quan chức LĐBĐVN lẫn UBTDTT khi biết trước sự việc mà không ngăn chặn để bóng đá Việt Nam mất đi một loạt cầu thủ trẻ tài năng thì sẽ phải xử ra sao?

Lỗi của trẻ con đã đành, nhưng lỗi của những người có trách nhiệm cũng không phải nhỏ. Những ngày qua, tôi vẫn chưa thấy vị quan chức nào của LĐBĐVN - những người được “thụ hưởng” nhiều nhất từ thành quả của các tuyển thủ này mang lại - lên tiếng xin lỗi người hâm mộ vì đã để xảy ra vụ việc nghiêm trọng trên.

Ông LÊ NGỌC VĂN – Cán bộ hưu trí, tỉnh Đồng Tháp

6 cầu thủ bị treo giò là hợp lý nhưng bản án của Quốc Vượng, theo tôi là quá nặng. Tôi cứ nghĩ Vượng chỉ bị mức án khoảng 2-3 năm, nhưng không ngờ lại nặng như thế. Trong khi đó, sao không thấy tòa nhắc đến trách nhiệm của ông Lê Thụy Hải, ông Trần Hùng Cường lẫn ông Lê Thế Thọ nhỉ? Trách nhiệm của những người này trong vụ án đâu có nhỏ, khi biết sự việc mà không ngăn chặn. Đặc biệt là ông Lê Thụy Hải, tôi thấy ông này thật vô trách nhiệm với bóng đá Việt Nam và với các học trò của ông tại CLB Đà Nẵng. Những người như thế chỉ làm hại bóng đá nước nhà thôi.

Cô NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG – Sinh viên trường Đại học Kinh tế, TPHCM.

Cú sút hỏng 11m của Thanh Bình trong trận Bán kết 1 AFF Cup 2007 - Việt Nam thua Thái Lan 2-0
Cú sút hỏng 11m của Thanh Bình trong trận Bán kết 1 AFF Cup 2007 - Việt Nam thua Thái Lan 2-0

Không ít lần người ta đã nói về trách nhiệm của những người lớn trong sai lầm của các cầu thủ trẻ đang phải đứng trước tòa vừa qua. Sự thiếu quan tâm, kèm cặp, thậm chí là nuông chiều của người lớn, như nhận xét của chủ tọa phiên tòa, là một trong các nguyên nhân đẩy các cầu thủ này trượt dài trên con đường sai trái. Vậy mà khi họ phải ra trước vàng móng ngựa thì cả VFF, ban huấn luyện đội tuyển, câu lạc bộ... tất cả đều vắng mặt.

Cách đây ít lâu, các cầu thủ này còn là tài sản quý của câu lạc bộ, của đội tuyển. Vậy mà bây giờ, người ta đang đối xử như thế nào với những tài sản này?! Nhìn vào cách đối xử này ai còn dám cho con mình theo nghiệp bóng đá?!

Nhìn những gương mặt trẻ tuổi kia phải cúi gằm trước vành móng ngựa mà thấy xót xa. Xót vì họ đã phải trả giá thật đắt cho những sai lầm, những nông nỗi của mình. Và còn xót vì cái cách đối xử, cách “đem con bỏ...tòa” của những người có trách nhiệm.

Bạn TRUNG BẢO
(
Ginola...@yahoo.com)

Bản án của Quốc Vượng theo tôi là quá nặng, tôi rất đồng tình với câu trả lời của Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh đăng trên báo SGGP Thể Thao số 28 ra ngày 28-1-2007 rằng: “Tòa án nên xem xét rõ hơn về nhiều khía cạnh và bản chất của sự việc nhằm có thể giảm mức án đối với Vượng vì trong cái cơ chế thị trường, cơ chế thể thao của nước ta vẫn luôn có những mặt trái và các cầu thủ là những người còn rất trẻ nên khó mà tránh được những cám dỗ.

Nhìn ra xã hội mà xem, còn rất nhiều người, trong đó có cả những cán bộ cấp cao mà còn không tránh được những sự cám dỗ của cái cơ chế thị trường, nên tôi thấy họ đáng thương hơn đáng trách”. Đồng thời, tôi cũng rất bức xúc với việc HLV Lê Thụy Hải đã được cầu thủ Tài Em báo cáo sự việc trước khi nó diễn ra mà vẫn không có hành động ngăn chặn.

Đồng thời với vai trò là một nhân chứng, cũng như từng là thầy của 3 cầu thủ Đà Nẵng: Phước Vĩnh, Quốc Anh, Hải Lâm trong vụ xử án, lẽ ra ông ta phải có mặt tại tòa, chứ không thể viện bất cứ lý do nào để vắng mặt. Việc này một lần nữa đã chứng tỏ sự vô trách nhiệm của ông Hải, như ông ta đã từng vô trách nhiệm khi không báo lên HLV Riedl để ngăn chặn vụ việc. Việc tòa án không xem xét về trách nhiệm của ông Hải, theo tôi là chưa thỏa đáng.

NGUYỄN VĂN HÙNG – Quận 3, TPHCM

  • Chừng nào bóng đá VN thoát khỏi "vùng trũng"?

Tuổi trẻ chúng tôi, thế hệ 8X, kỷ niệm bóng đá là cái vai của Sasi Kumar nhiều oan nghiệt, nhiều tiếc nuối. Niềm tin bị sứt mẻ, lên sẹo sau những tháng ngày khó khăn. Vẫn yêu thương đấy, vẫn bực tức đấy với đội tuyển quốc gia. Nhưng một điều gì đã mất, đã mất dường như là mãi mãi…

Tôi vẫn không sao quên được hình ảnh cụ già cởi trần cầm xong nồi cùng chúng tôi chiêng trống vang lừng đi bộ từ Hà Đông - Nguyễn Trãi tới Ô Chợ Dừa sau chiến thắng oanh liệt 3-0 trước đội tuyển Thái. Để sau rồi…0-1 trước Singapore, ôi niềm tin day dứt! Rồi vụ án bán độ, tha thứ hay trách móc, thương cảm hay giận dữ, phỏng còn ích gì khi niềm tin đã không lành vết sẹo tháng năm.

Hãy để công lý phân xử, hãy để sự thật lên tiếng, hãy để lương tâm ngân lên khúc ca vị tha. Bản tính người Việt là thế, giận đấy mà thương đấy. Giận thế nào cho phải lẽ, cho đúng người đúng tội. Thương ra sao cho phải đạo, để khích lệ họ, an ủi họ, đây mới là lúc cần thiết.

Tôi cùng thế hệ với VĂN QUYẾN, đã nhiều lần tôi viết, tha thứ là khó khăn, nhưng nếu tha thứ để sản sinh ra những VĂN QUYẾN 2, VĂN QUYẾN 3 thì không nên một chút nào. Quyền lực thuộc về LƯƠNG TÂM, và hãy để lương tâm lên tiếng. Trách nhiệm phán quyết là của phiên toà, hãy để công lý được thực thi… Và khi ấy niềm tin không còn ngập ngừng cho một nỗi buồn tuổi trẻ bị sứt mẻ. Một ngày đã qua…

HÀN SĨ HUY


Trường hợp của Vượng tôi thấy nặng quá, trong khi đó tối không thấy tòa nhắc đến vai trò của người lớn, biết mà không ngăn chặn để xẩy ra hậu quả, chúng ta mất đi một loạt cầu thủ đầy triển vọng, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ có những cầu thủ giỏi có thể làm nên chuyện người ta mới mua làm cá độ, còn không giỏi họ mua làm gì. Xét cho cùng họ cũng rất đáng thương, trong điều kiện khó khăn, dễ bị vật chất cám dỗ, thiếu được giáo dục, do nông nổi,với cách nghĩ đơn giản vừa thắng, vừa giữ được tỷ số...

thangvns@yahoo.com


Rất nhiều ý kiến tâm huyết cho sự tiến bộ của bóng đá nước nhà nhưng chính bóng đá cũng là "trung tâm" của sự trì trệ . Chúng ta đã có 1 bộ mặt hết sức tươi trẻ và khá năng động. Chúng ta đang có 1 nền kinh tế ngày càng "thị trường" hơn với mức tăng trưởng trên dưới 8%/ năm.

Thế nhưng với bóng đá, chúng ta đang tụt hậu, tụt hậu so với khu vực và càng tụt hậu so với thế giới. Chúng ta cứ mải bận tâm "tranh cãi" xem Fifa xếp hạng có công bằng không, rằng chúng ta có 1 hệ thống thi đấu giải thuộc loại "ngon" của khu vực, mà tại sao nói chúng ta tụt hậu. Xin đừng tự huyễn hoặc mình nữa.

Trận hòa đầu tiên trên đất Thái như có người tự động viên mình không nói lên điều gì, ngoài sự thật cay đắng là : Thái Lan chuyên nghiệp hơn ta trong lối chơi, cách chơi và cách quản lý bóng đá. Những gĩai bày theo kiểu "ru ngủ" của Chanvit có thể là liều độc dược cho những vị nào thích nghe điều ngọt ngào.

Có giải bóng nào mà chúng ta không mang được 1 bàn thắng lận lưng về như giải này không hở người hâm mộ? (Tất nhiên đừng tính trận với Lào, và nên nhớ trận 1-1 với Indonesia là do họ ghi bàn giúp ta) Các vị có thể giải thích bằng nhiều cách, nhưng hiệu quả cuối cùng thì ai cũng đã thấy.

Chúng ta đã bỏ ra hàng tỷ đồng, tốn bao nhiêu thời gian, công sức cho những kết quả vậy sao. Và đừng quên rằng, ngay ở TP HCM giàu mạnh (so với ta thôi), chỉ vài tỷ đồng thôi mà lãnh đạo thành phố cứ phải tính toán hoài cho chuyện có hay không việc bắn pháo hoa trong giao thừa.

Ấy mới là sự toan tính đáng trân trọng. Còn các vị, ai là người chịu trách nhiệm khi sử dụng những đồng tiền thuế của dân cho cái việc "không quan tâm đến kết quả". Lại nói về chuyện bán độ của 1 số cầu thủ. Tôi nhớ có người đã vội vàng la lên quy chụp đó là sự "phản bội Tổ quốc"! Ở một góc độ nào đó, đấy gần đúng với sự thật. Các cầu thủ làm độ chỉ vài ba chục triệu đã phải vướng vòng lao lý. Thế còn trách nhiệm của những "người lớn" lãnh lương "quản lý, tổ chức, chỉ đạo" thì sao?

Ở đây tôi không bao biện cho số cầu thủ tội lỗi. Pháp luật đã trừng trị họ và điều đó là đúng. Nhưng tôi không phục chuyện những người có trách nhiệm trong VFF không bị can đới gì, thậm chí họ còn đang tính "cấm vận" chuyện hành nghề của các cầu thủ bị án kia bao nhiêu năm nữa kia!.

Trong buổi trả lời phỏng vấn trước báo giới của ông Lê Thụy Hải về việc có dư luận hỏi về trách nhiệm của ông trong vụ việc "bán độ" ở Seagames 23 mà ông đã được Tài Em báo trước, ông trả lời :Tôi không quan tâm! Cần phải minh bạch mọi vấn đề trước khi nói đến việc làm bóng đá chuyên nghiệp.

vu_thaonguyen@yahoo.com


Lâu nay, VFF vì áp lực của xã hội, phải làm sao đưa VN vượt qua được Thái Lan, cho nên bằng mọi cách để lập thành tích. Nhưng 10 năm trôi qua vẫn không làm được,  tất cả vẫn là ước mơ! Thật tình mà nói, trước đây tất cả giải đấu lớn nhỏ của bóng đá và không thiếu tờ báo Thể thao SGGP, Thể thao ngày nay, Thể thao.... nhưng sự chờ đợi của tôi cứ mòn mỏi theo năm tháng, cho đến sau trận lượt về cùng người Thái với hạng 3, dường như đó là giọt nước làm tràn ly, để đi đến suy nghĩ: - VFF phải cải tổ lại bộ máy làm việc thiếu hiệu quả. - Phải phạt thật nặng trọng tài làm sai kết quả trận đấu. - Cấm thi đấu đối với CLB nào liên kết chia điểm để tránh rớt hạng. - Cấm tuyệt đối cầu thủ sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và thức khuya....

Theo tôi chỉ cần chừng ấy việc thì không bao lâu nền bóng đá nước nhà sẽ là "Con rồng châu Á" chứ không phải qua mặt Thái Lan mà thôi. Bảy năm rồi xưng danh chuyên nghiệp,  nhưng xét nhiều góc độ, ta thấy cầu thủ và các CLB không sao giống Thái Lan tính chuyên nghiệp. Chỉ giỏi nói chứ không giỏi làm.

Nếu cứ để mọi chuyện tồn đọng thì cho dù 20 năm nữa cũng không sao qua mặt được Thái Lan chứ đừng mơ là "Con rồng châu Á".


Tran Quy
(tranquy1968@yahoo.com)


Phải thay HLV ngay bây giờ!!! Qua các giải đấu và thất bại của tuyển VN, hãy ngồi nhìn nhận lại, ta sẽ thấy rằng, trong lối chơi của tuyển VN, vai trò củaq ban huấn luyện hầu như không có hoặc quá mờ nhạt.

Cụ thể cách cầm bóng triển khai tấn công mang tính cá nhân nhiều hơn, các đường chuyền không mang dấu ấn chỉ đạo của HLV, hay là trình độ của ông HLV trưởng chỉ có thế!!! Là người hâm mộ bóng đá, tôi không thể không lên tiếng với thực trạng của bóng đá nước nhà.

Thay HLV hoặc "dũng cảm" cảm hơn, thay cả những người  thiếu năng lực đang ngồi ghế lãnh đạo của VFF, chỉ chạy theo thành tích "ảo" mà làm hỏng cả một thế hệ bóng đá nước nhà...

khanhngoc090@yahoo.com

  • Tư duy lại tư duy về bóng đá

Thiết nghĩ, chúng ta không nên trách cứ quá nhiều vị Huấn luyện viên người Áo đã có nhiều duyên nợ và khá hiểu hệ thống bóng đá của chúng ta. Với hệ thống ấy, ông A. Riedl như vậy là làm được khá nhiều việc.

Câu chuyện là của chúng ta, nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển mới là của ông ấy. Vậy thì, chúng ta nên nhìn nhận cho hợp lý, hợp tình. Bởi một lẽ nào đó, ngài huấn luyện viên vẫn là khách.  Câu chuyện bắt đầu ở nơi tư duy của chúng ta và kết thúc cũng ở nơi ấy.

Tư duy chuộng thành tích của người dân

Chính lối tư duy này đã khiến cho chúng ta, người Việt chúng ta khát khao thành tích, quá nhiều ước mơ và một trong những ước mơ tương đối quá sức đó là việc chiến thắng tuyệt đối  Thái Lan bằng mọi giá. Câu chuyện thành tích đè nặng lên đôi vai của những con người quá trẻ. 

Chúng ta có một chiến thắng trong Seagames 1959 của người Việt để giành Huy chương vàng kỳ Seagames năm đó; một chiến thắng tương đối thuyết phục trước Thái Lan ngay tại Hà Nội năm 1998 mà người Việt nào chắc cũng nhớ. Nhưng đến giờ, nhìn nhận một cách công bằng, chúng ta không có chiến lược bóng đá bằng Thái Lan, kinh doanh bóng đá và thương hiệu bóng đá không bằng Thái Lan, đầu tư cho bóng đá cũng không bằng Thái Lan.

Vậy thì, với số tiền như vậy, với sự đầu tư như vậy, với chiến lược như vậy, chúng ta mong đợi gì ở vị huấn luyện viên người Áo ấy?

Tư duy kinh doanh bóng đá ít cập nhật của những người làm chính sách.

Ở nhiều nơi trên thế giới, bóng đá đã trở thành ngành công nghiệp không khói. Tư duy về bóng đá ở đó không còn khoanh vùng ở vị trí văn hoá - thể thao (một môn thể thao Vua) mà đã trở thành bóng đá - chính trị ; bóng đá - kinh tế và người dân cũng được lợi không ít từ ngành kinh doanh mới này.

Với tư duy của  những vị làm chính sách bóng đá của chúng ta, bóng đá là gì trong quần thể địa chính trị thế giới ngày nay, tôi khó lòng đoán định được. Tuy nhiên, chắc chắn là chưa hoàn toàn cập nhật với thế giới, bóng đá thế giới. Và đó là một lý do không nhỏ khiến cho bóng đá của ta khó lòng chiến thắng được thứ bóng đá của Thái Lan, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác.

Đâu là giải pháp?

Giải pháp không đâu hết là ở 03 con người quan tâm tới bóng đá:

Một là, cần những con người làm bóng đá có tư duy tốt, sạch sẽ và cập nhật với bóng đá, và càng trẻ càng tốt.

Hai là, cần một lớp bình luận viên thành tâm, công tâm và bình tâm với những định hướng tốt cho dư luận.

Ba là, một thế hệ người hâm mộ có văn hoá. Không nên để tái diễn lại một thảm cảnh sân Mỹ Đình trống hươ trống hoác khi trận chung kết Việt Nam – Thái Lan còn chừng mười phút nữa mới hết giờ, dù đội mình có sắp thua. Những người hâm mộ không nên tự lừa dối mình, mà hãy biết mình là ai, đứng nơi đâu trên bản đồ bóng đá, đặc biệt là vùng trũng ĐÔNG NAM Á này.

Tóm lại, mỗi người trong chúng ta hãy có sự suy nghĩ bình tĩnh hơn trong mỗi bước đi của đội tuyển, tư duy hợp tình hợp lý với cách làm chính sách bóng đá.Và, cùng dựng xây một ngành công nghiệp bóng đá mang tên Việt Nam!

HÀN SĨ HUY
hansihuy@gmail.com.

Chuyện đi hay ở của Riedl không nên là chuyện bàn cãi nữa. 5 người thì 10 ý mà thôi. Cũng không nên gắn chuyện đi - ở của ông với bệnh tật của ông.

Chuyện đạo lý khi chen nhiều quá vào cái chuyện tiền bạc nghe ra nói chiều nào cũng không hay. Tình nghĩa nhưng không có nghĩa là "ném tiền vào đống lửa". Ngược lại, không thể dùng cái kiểu nghe có vẻ "tiểu nhân" khi không dám đối diện sự thật, tận dụng kỳ chữa bệnh của ông ta để giải quyết vấn đề.

Ở đây, xin lạm bàn đôi câu: 1. Thành tích của đội tuyển VN ở AFF cúp trước khi vào giải, nó là yêu cầu tối thượng, vậy có đạt được không? 2. Chất lượng các trận đấu của đội tuyển có tương xứng với những gì chúng ta đã đầu tư và kỳ vọng không?

Xin hỏi, có ai dám nói trước giải rằng chúng ta đầu tư hàng năm trời rồi vào giải "xôi hỏng bỏng không?", không cần gì thành quả?

Khi đã có câu trả lời cho 2 câu hỏi trên rồi thì: - Các nguyên nhân là không có cầu thủ giỏi, điểm rơi không đúng, rồi thêm cả chuyện nghe có vẻ... dị đoan là cả giải chúng ta "xui"..., vậy trách nhiệm tìm người rồi huấn luyện, đào tạo cầu thủ giỏi trong cả năm trời là của ai, trách nhiệm tổ chức tham gia các giải tập huấn cho đội là của ai?

Không lẽ của tôi, của bạn, của các cầu thủ? - Nếu nói chất lượng các trận đấu vừa rồi trong giải của đội tuyển là đạt thì tại sao chúng ta không ghi được bàn thắng nào (Trừ trận gặp Lào). Hàng chục cơ hội không được tận dụng. Đấu pháp các trận đấu không hề có sự thay đổi ở từng trận. Tất cả chỉ là những bản sao nhạt nhoà của nhau mà thôi.

Chúng ta không thể ầu ơ ví dầu mãi được. Chúng ta đã mất nhiều tiền bạc, thời gian cho 1 kết quả không hề theo ý muốn. Cần nghiêm túc xem xét mọi góc cạnh của vấn đề để làm lại từ đầu.

Ngồi xem người Sing đá với Thái, nghĩ tới những giải trước dù thua, ta cũng vào tới trận cuối cùng, thấy tủi. Và thấy tủi thân khi nghĩ tới những buổi cùng mơ 1 "giấc mơ vàng" với người hâm mộ!

vu_thaonguyen@yahoo.com

Vừa rồi khi xem hai trận bóng đá Việt Nam và Thái Lan, tôi nhận thấy các cầu thủ của chúng ta còn thua kém Thái Lan về kỹ thuật nhận bóng và chuyền bóng, còn lúng túng, lụp chụp trong các pha phối hợp, không có sáng tạo, bị đối phương bắt bài.

Tôi muốn góp một ý kiến nhỏ để bóng đá Việt Nam phát triển là : Ngoài yếu tố huấn luyện viên, Liên đoàn bóng đá phải có kế hoạch đào tạo các nhân vật chính của bóng đá là các cầu thủ có đủ tài năng và đức độ. Tài năng là các cầu thủ nhuần nhuyễn trong kỹ thuật điều khiển trái bóng tròn : hãm bóng, chuyền bóng, lừa bóng cũng như tư duy và tầm nhìn chiến thuật nhạy bén trong trận đấu.

Còn đạo đức là để cầu thủ hết mình vì màu cờ sắc áo, không bán rẻ danh dự, không vì mục đích cá nhân, các cầu thủ phối hợp đồng đội nhuần nhuyễn, chuyền bóng cho nhau đẹp mắt và cuối cùng là chiến thắng đối phương.

Thời gian qua Liên đoàn chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức cho cầu thủ. Cụ thể qua sự việc sau đây : Các vị lãnh đạo liên đoàn bóng đá vui mừng vì một số cầu thủ trong vụ mua bán độ được hưởng án treo. Có vị còn cho rằng nhờ sự can thiệp của mình mà các cầu thủ này mới hưởng được bản án nhẹ như thế.

Nhưng lại để cho một người đội trưởng đức độ như Tài Em cảm thấy "cô độc, bị tẩy chay" (Báo Sài Gòn Giải Phóng) thì không thể nào làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho cầu thủ được. Để bóng đá Việt Nam phát triển, Tài Em phải được đề cao, phải là một tấm gương sáng cho các cầu thủ noi theo.

Trần Văn Hiệp
(
hieptv.gpc2@gpc.com.vn)

  • Cần "cải" cái "tổ" VFF

Chưa bao giờ tôi thấy Riedl nhận trách nhiệm về mình cả. Ông luôn luôn như thế. Trong hàng năm trời nắm đội tuyển với không ít lần tập trung, ông đã làm gì cho đội tuyển? Lúc nào ông cũng chỉ một lý do: Trong tay ông có vậy thôi. Nhiều người có trách nhiệm cũng tỏ ý đồng tình như thế.

Có khi nào chúng ta hỏi: Với chi phí cho một HLV như vậy, phải chăng ông không được giao trách nhiệm tìm kiếm nhân tài, hay là chỉ với những cầu thủ đã có sẵn danh tiếng, dưới bàn tay nhào nặn của ông, qua bằng đó thời gian, vẫn chỉ là một đội hình thiếu nhuần nhuyễn, không có người thay thế các vị trí chính thức trên sân?

Xin hỏi ông: Đội tuyển VN trong giải vừa rồi, ngoài trừ 9 bàn thắng vào đội tuyển lót đường Lào, chúng ta có ghi nổi 1 (Một) bàn thắng? Nên nhớ , trận với Indonesia, bàn thắng của VN là bàn đá phản lưới nhà của hậu vệ Indonesia. Vậy thì tại sao lại là "Đội chơi hay hơn đã không gặp may" như ông thường trả lời báo chí như vậy.

Theo tôi, nên coi đây là giải đấu chia tay ông. Người VN không bao giờ muốn phải sòng phẳng quá như thế. Nhưng trong thời buổi này, vì danh dự, vì sự vươn lên của bóng đá nước nhà, vì tấm lòng của người hâm mộ - cần phải như vậy, tốt cho chúng ta và tốt cả cho ông ta. Và trên hết, VFF cần xem lại chính mình trong cái cách làm bóng đá.

Nhà báo Linh Giao đã nói đúng những gì mà tôi đang "cảm". Bởi vì, sau phiên tòa, những người có tội thì đã được luận tội. Và những người lớn hơn thì dư luận đang đặt vấn đề gay gắt khi chưa có một bản án nào dành cho sự vô trách nhiệm của họ, thái độ dửng dưng đến vô cảm của họ trước sự việc.

Thế nhưng, ngay tại phiên tòa, trước công luận, chúng ta không hề có một lời nào dành cho hành động của Tài Em, người thanh niên chân chất đã vô tình không hiểu được "cái sự đời". Đối với người đời, việc có một số người "hận" Tài Em thôi thì cũng là cái lẽ bình thường, vì cuộc sống là như vậy. Nhưng với các cơ quan có trách nhiệm, với LĐBĐVN sau khi bản án được tuyên, sự im lặng dành cho Tài Em cứ như là sự "vào hùa" với điều "thường tình" đó.

Và còn với số cầu thủ bị án, nhất là số đã được sự ưu ái của pháp luật, của dư luận người hâm mộ, không biết họ nghĩ gì khi biết rằng Tài Em đang bị số ít dư luận đánh giá như vậy? Nếu đúng sự việc như bài viết của nhà báo Linh Giao thì dường như sau phiên tòa còn có bài học thứ hai dành cho Tài Em và cho những con người dũng cảm và đúng đắn khác, sau em. "Mình sai hay đúng?" Thật buồn!

Một lần nữa tôi nghĩ rằng: Cần phải "cải" cái "tổ" VFF. Có quá nhiều chuyện "thâm cung bí sử" trong chốn đó rồi! Chúng ta không có lý do gì đề lần lữa mãi việc này. Cả cái chuyện con con như việc tổ chức bán vé cho người xem trận đấu của đội tuyển thôi mà còn có chuyện đến nỗi Thủ tướng phải nhắc nhở thì việc gì mà người ta chẳng làm được. Chúng ta chắc chẳng còn ai muốn nghe các vị giải thích mãi nữa rồi. Cần "xóa bài làm lại"!

Thảo Nguyên
(vu_thaonguyen@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục