Đọc Lãng du trong văn hóa Việt Nam: Choáng ngợp hồn Việt trong từng trang sách

Đọc Lãng du trong văn hóa Việt Nam: Choáng ngợp hồn Việt trong từng trang sách

Hơn 1.000 trang giấy, với gần 500 bài viết, chẳng ai có thể ngờ tác giả của cuốn sách đồ sộ Lãng du trong văn hóa Việt Nam đã xấp xỉ cái tuổi 90.

Bước chân của người lữ khách

Lãng du trong văn hóa Việt Nam (NXB Thanh niên) của nhà văn hóa Hữu Ngọc thực chất là một tập hợp những bài báo ông viết cho tờ Vietnam News số chủ nhật ròng rã suốt 13 năm qua.

Cuốn sách hơn ngàn trang này đã được tái bản đến lần thứ 5 và được một số trường đại học ở Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo cho các ngành học về văn hóa Việt Nam. Chính vì bắt nguồn từ những bài báo tiếng Anh nên bản sách xuất bản đầu tiên cũng là tiếng Anh với nhan đề “Wandering through Vietnamese Culture” đã đoạt giải vàng sách Việt Nam năm 2006, một sự khẳng định giá trị của sách.

Đọc Lãng du trong văn hóa Việt Nam: Choáng ngợp hồn Việt trong từng trang sách ảnh 1

Các bài viết trong sách như một cuốn nhật ký mà tác giả ghi chép trên con đường lãng du này đây mai đó của mình, vì là những bài báo nên cách viết của tác giả cũng rất mộc mạc, giản dị, chữ ít nhưng lượng thông tin lại rất nhiều.

Không phải ngẫu nhiên mà tiến sĩ nghệ thuật Đức Gunter Giesenfeld đã nhận xét về ông: “Bậc thầy của những bài ký ngắn”. Với một cặp mắt đầy tinh tế, những dòng ghi chép ngắn của tác giả đã đưa không gian văn hóa Việt Nam hiển hiện trước mắt bạn đọc.

Có thể đấy là một vùng đất biên cương xa vắng, hoặc là một nơi sát cạnh thủ đô và thậm chí là cả giữa chốn thị thành phồn hoa.

Ở mỗi nơi, với góc nhìn người lữ khách tác giả khéo léo ghi lại mọi điều về vùng đất hay con người mà mình chứng kiến. Như những bài viết về vùng đất Cao Bằng, tác giả đã cho người đọc thấy từ những con người thông minh cần cù đến những nét đẹp văn hóa đặc sắc và cả những dấu ấn lịch sử góp phần vào sự hình thành văn hóa hiện tại của đất Cao Bằng.

Ví dụ khi nhắc đến hai quả chuông đồng chùa Viên Minh, tác giả đã nhắc lại giai đoạn nhà Mạc trị vì Cao Bằng. Hay như lúc miêu tả Vịnh Hạ Long, Hữu Ngọc đã để bài thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương tả cảnh. Cứ như thế, nét đẹp văn hóa đất Việt được hòa quyện từ những cảnh đẹp non sông, con người và lịch sử trở nên sống động trước mắt người đọc.

Không chỉ là cảnh đất nước, Lãng du trong văn hóa Việt Nam còn đưa bạn đọc theo chân tác giả đi đến những phương trời xa. Gần nhất là những vùng đất sát biên giới như Côn Minh, xa hơn là châu Âu, châu Mỹ. Nhưng những hành trình đó vẫn gắn liền với bản sắc văn hóa Việt như những chuyện bảo tồn giá trị gia đình của người Việt Nam ở nước ngoài hay ý nhị như câu chuyện chào cờ của người Việt và người Pháp.

Không chỉ có thế, tác phẩm còn đưa bạn đọc đến những vấn đề xã hội Việt Nam hiện nay như sự biến đổi các yếu tố văn hóa thông qua sự thay đổi về mỹ thuật, văn học, điện ảnh…

Không phải sách nghiên cứu cũng không phải sách hướng dẫn du lịch nhưng Lãng du trong văn hóa Việt Nam chứa đựng tất cả những nét cơ bản nhất mà người đọc cần để biết thêm về văn hóa, con người Việt Nam.

Người xuất nhập văn hóa

Sinh năm 1918, nhà văn hóa, nhà văn Hữu Ngọc nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng sức đi, sức viết của ông như nằm ngoài cái khái niệm thời gian. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì ông giống như: “một dòng sông cuồn cuộn luôn chảy xiết”. Và dòng sông đó đang chuyển tải những nét đẹp của văn hóa Việt Nam đi khắp thế giới.

Chính vì thế, nhiều người ví Hữu Ngọc như là một người xuất khẩu văn hóa Việt đến với bạn bè bốn phương. Bản thân sách không chỉ được in bằng tiếng Anh mà sắp tới còn được xuất bản bằng tiếng Pháp, Đức và có thể là nhiều ngôn ngữ khác nữa. Có điều, việc xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt lại là một nét mới lạ.

Người Việt Nam đọc được những gì về văn hóa của chính mình trong cuốn sách giới thiệu văn hóa Việt cho người nước ngoài? Đó là sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa mà đôi lúc vì quá quen thuộc nên nhiều người đã đánh mất đi phần nào.

Và Hữu Ngọc đã làm một công việc tưởng chừng kỳ lạ, “nhập khẩu” vào Việt Nam chính văn hóa Việt Nam và chuyến “nhập khẩu” này đã như lời nhắc nhở về một niềm tự hào mà mỗi con người Việt cần phải nâng niu và giữ gìn trong suốt cuộc đời mình. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục