Đổi mới chính sách thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước

Chiều 27-8, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM về chấp hành luật pháp tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC).

(SGGP).- Chiều 27-8, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM về chấp hành luật pháp tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC).

Theo báo cáo của UBND TPHCM, hiện TPHCM có 2.181 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp với tổng số 100.879 VC và 17.579 CC. Do yêu cầu nhiệm vụ kèm theo tốc độ tăng dân số quá nhanh nên nhu cầu biên chế CC-VC của TP mỗi năm một tăng thêm, ví dụ năm 2012, TP tuyển mới gần 7.000 CC-VC. Đặc biệt, TP có chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình 500 thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn. Nguồn học viên từ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TPHCM đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị ở TPHCM đã chủ động trong công tác tuyển dụng và tuyển dụng công khai, dân chủ nên chất lượng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc, vị trí cần tuyển dụng. Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng CB-CC-VC cũng được TP triển khai thực hiện một cách bài bản, gắn với quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm CB-CC-VC ở TPHCM cũng còn một số hạn chế, tồn tại như việc luân chuyển, điều động cán bộ gặp không ít vướng mắc, bất cập về thủ tục, thời gian và chưa tạo sự đồng thuận cao… Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã kiến nghị với đoàn giám sát nhiều vấn đề cần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc nêu trên. Cụ thể, cần đổi mới công tác tuyển dụng CC và phân biệt rõ loại hình đào tạo vì chất lượng đào tạo giữa các loại hình chưa ngang bằng nhau; phân cấp cho cơ quan sử dụng CC trong việc tuyển dụng.

Về luân chuyển cán bộ, đề nghị xem xét bỏ quy định thực hiện thủ tục tiếp nhận CC không qua thi tuyển đối với trường hợp CC được luân chuyển, điều động đến các đơn vị sự nghiệp, sau đó lại quay trở lại vị trí công tác quy định là CC; đề nghị kéo dài thời gian chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ là 5 năm để tạo sự ổn định cho đội ngũ CB-CC và không đưa VC vào diện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP. Xây dựng và hoàn thiện các chế độ chính sách đối với CC, đặc biệt là chính sách tiền lương. Cần đổi mới chính sách tiền lương theo từng vị trí việc làm, áp dụng hệ thống thang bảng lương có tính linh hoạt, mềm dẻo dựa trên cơ sở thực hiện quyền tự chủ về ngân sách của các địa phương.

Đối với các vị trí lãnh đạo thông qua thi tuyển trực tiếp, công khai, cho phép áp dụng hệ thống thang bảng lương riêng. Để thu hút nhân tài vào các cơ quan hành chính nhà nước, phải đổi mới chính sách với quy trình đơn giản, chế độ đãi ngộ phù hợp… Hiện vẫn còn tình trạng CC-VC được đào tạo nhưng sẵn sàng chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo để chuyển sang làm việc cho các đơn vị tư nhân và nước ngoài với mức lương cao hơn. Vì thế cần nghiên cứu cải tiến chế độ tiền lương theo hướng xem xét đến đặc thù của từng địa phương nhằm hạn chế nạn chảy máu chất xám khỏi khu vực nhà nước…

TPHCM cũng kiến nghị việc thay đổi trong đánh giá CB-CC-VC, xây dựng tiêu chí đánh giá, thang đánh giá cho từng chức danh chức vụ. Đề nghị Trung ương cho TPHCM chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng một số chương trình như kiến thức quản lý nhà nước, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, thanh tra viên, kiểm soát viên quản lý thị trường, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý…

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục