Đột phá từ công nghệ nhân giống invitro

Được đưa vào ứng dụng thực tiễn khoảng 4 thập kỷ, công nghệ ươm giống trong phòng thí nghiệm (invitro) đã giải quyết được vấn đề giống cây trồng chất lượng, có khả năng kháng bệnh cao, tạo bước đột phá, thúc đẩy nền nông nghiệp của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng phát triển. 
Công nghệ ươm giống trong phòng thí nghiệm, phần nào giải quyết được vấn đề giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Công nghệ ươm giống trong phòng thí nghiệm, phần nào giải quyết được vấn đề giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Mầm bệnh 

Từng có khoảng thời gian phải điêu đứng với tình trạng vườn hoa bị bệnh đốm héo gây hại, gia đình chị Trần Thị Thanh Hải (làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt) cho biết, gia đình chị có 4 sào (4.000m2) nhà kính trồng hoa cúc bị bệnh đốm héo tấn công từ năm 2017, nhưng thời điểm đó bệnh không gây hại nhiều nên chị khá chủ quan.

“Dù bộ rễ phát triển bình thường nhưng có triệu chứng gây hại là các lá ngọn bị teo nhỏ lại, lốm đốm vàng. Khi mới xuất hiện chỉ là các sọc màu đen, thời gian sau bị nhiễm đen cả đoạn, lúc này thân cây giòn, dễ gãy”, chị Hải kể lại.

Đầu năm 2018, bệnh hoành hành trên diện rộng, gây thiệt hại 80% diện tích của gia đình. Qua tìm hiểu, cán bộ khuyến nông nhận định có thể do mầm bệnh từ những vụ trước còn ủ trong khu vườn nên khi trồng vụ mới, bệnh tiếp tục phát triển diện rộng nên càng khó chữa.

Tại làng hoa Thái Phiên, tình trạng dịch bệnh xảy ra trên hoa cúc xuất hiện với mật độ ngày càng tăng, diện tích bị ảnh hưởng lớn.

Ông Đặng Bảo Vinh, cán bộ khuyến nông phường 12, TP Đà Lạt, nhận định nguyên nhân dịch bệnh xảy ra một phần xuất phát từ cây giống, một số gia đình có thói quen tự nhân giống trong vườn và có thể cây mẹ không sạch bệnh đã truyền qua cây con; sau đó thông qua loài bọ trĩ, mầm bệnh sẽ lây lan rất nhanh. 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay tại địa bàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương có 470ha đang bị nhiễm virus và bệnh gỉ sắt, dòi đục lá (tỷ lệ gây hại 20% - 50%), 330ha rau bị nhiễm virus đốm héo, bệnh sưng rễ và sâu tơ gây hại. Còn tại huyện Đơn Dương, dịch xoắn lá virus cũng khiến khoảng 500ha cà chua nhiễm bệnh, nhiều nhà vườn gần như bất lực khi không thể tự cứu được những vườn cà chua đang tàn lụi. Trước tình trạng sâu bệnh có dấu hiệu lây lan qua các mùa vụ, ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo người dân nên lựa chọn các loại cây giống có nguồn gốc, khu sản xuất phải đảm bảo “sạch” thì khả năng đẩy lùi bệnh dịch mới hiệu quả. 

Cải thiện nguồn giống

Từ những năm 1978-1979, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô đã bắt đầu hình thành tại TP Đà Lạt. Thời kỳ đó, nhằm đáp ứng nhu cầu giống để đảm bảo nguồn lương thực trong nước, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng đã sản xuất giống khoai tây từ các phòng cấy mô. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phải đến đầu những năm 2000, các cơ sở nuôi cấy mô tại tỉnh Lâm Đồng mới thực sự phát triển khi địa phương đẩy mạnh nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 51 cơ sở nuôi cấy mô (TP Đà Lạt 44 cơ sở), cung cấp ra thị trường 45 triệu cây/năm, đáp ứng được hầu hết nhu cầu về các loại giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và phục vụ xuất khẩu. 

Theo ông Nguyễn Minh Huy (phường 5, TP Đà Lạt, chủ cơ sở ươm cây giống) để cho ra đời giống cây có chất lượng, trước tiên phải chọn cây mẹ khỏe mạnh, sạch bệnh, khả năng kháng bệnh và năng suất cao. Cùng lúc phải nâng tầm quy mô của cơ sở và sản xuất ra nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc phát triển hệ thống các cơ sở nuôi cấy mô sẽ giảm thiểu đáng kể sản xuất cây giống ngay tại vườn nhà, từ đó hạn chế được mầm bệnh. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nuôi cấy mô còn gặp nhiều khó khăn, như việc tuyển chọn cây mẹ, thiếu quy trình nhân - nuôi, nguồn nhân lực công nghệ cao được đào tạo chuyên ngành còn hạn chế. Ngoài ra, hiện chỉ có 25/51 cơ sở có quy trình nhân giống invitro cây giống hoa chủ lực như cúc, cẩm chướng, địa lan, dâu tây… nhưng đều do các cơ sở tự xây dựng, áp dụng thực hiện ngay tại chỗ, chưa có quy trình của cơ quan nhà nước ban hành để hướng dẫn các cơ sở áp dụng và thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước trong nuôi cấy invitro.

Trong khi đó, chi phí để đầu tư một “box” cấy mô rất lớn, từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp ở các trung tâm nghiên cứu tại Lâm Đồng vẫn còn chậm, chỉ đạt ở mức lưu giữ gen các giống rau, hoa nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cho các nguồn gen và nhân nhanh một số giống sản xuất, chứ chưa chú trọng công tác chọn tạo một giống mới mang tính bản quyền. Chưa có cách kiểm soát việc nhân giống ở các cơ sở nuôi cấy mô; công tác tạo nguồn mẫu invitro ban đầu cũng chưa xây dựng quy chuẩn trong việc lựa chọn mẫu, test mẫu hoặc mẫu sạch bệnh. 

“Hiện nay, việc nuôi cấy đỉnh sinh trưởng đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ thuật cao và máy móc, trang thiết bị hiện đại nên các cơ sở chưa có đủ điều kiện thực hiện nhân nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để sản xuất cây giống khỏe và sạch virus. Vừa qua, được sự tài trợ của JICA, Công ty TNHH Himimeji (Nhật Bản) đã phối hợp với UBND TP Đà Lạt xây dựng trung tâm nghiên cứu và nhân giống hoa, với phòng nhân cấy mô và khu vườn ươm giống, sản xuất hoa hiện đại rộng 2.000m2. Dự án này có trị giá trên 21 tỷ đồng, được thực hiện trong 2 năm. Sau khi dự án kết thúc, toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị sẽ được chuyển giao cho UBND TP Đà Lạt quản lý và tiếp tục vận hành. Trong đó, đáng kể nhất đó là công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng trên cây hoa cúc, cẩm chướng nhằm tạo ra cây giống sạch virus lần đầu được áp dụng; qua đó sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống khỏe, sạch bệnh và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống rau, hoa trên địa bàn tỉnh”, ông Lại Thế Hưng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục