Đường Hồ Chí Minh trên biển: Thiên anh hùng ca trong lịch sử Việt Nam

Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức chương trình giao lưu “Đường Hồ Chí Minh trên biển” nhân kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 --  23-10-2016) diễn ra tối 22-10, tại Hải Phòng.
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Thiên anh hùng ca trong lịch sử Việt Nam

(SGGPO).- Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức chương trình giao lưu “Đường Hồ Chí Minh trên biển” nhân kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 --  23-10-2016) diễn ra tối 22-10, tại Hải Phòng.

Chương trình giao lưu nhân kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 -- 23-10-2016)

Kỳ tích trên biển

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên biển Đông, được thành lập ngày 23-10-1961 để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Việc thành lập đoàn tàu không số là chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Những chuyến đi của đồng bào Tây Nam bộ ra miền Bắc đã chứng minh việc có thể mở đường Hồ Chí Minh trên biển để chuyển vũ khí, thuốc men vào miền Nam.

Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, táo bạo, tất cả vì miền Nam ruột thịt, đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sức mạnh thần kỳ, tính độc đáo, sáng tạo; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến - nhân tố thường xuyên và quyết định thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh. Cùng với đường Hồ Chí Minh ở đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên 2 tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường Nam Bộ. Có thể nói, đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn tàu không số - Đoàn 125 Hải quân đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ-ngụy, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những thành tích đã đạt được, Đoàn 125 Hải quân vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT) nhân dân.

Có mặt tại buổi giao lưu, Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Văn Tân thuộc lớp thủy thủ đầu tiên của miền Nam vượt biển ra Bắc xin vũ khí đã cùng đồng đội tái hiện lại quá khứ. Đại tá Tân ở lại bến công tác theo chỉ đạo của cấp trên, làm Thuyền trưởng tàu vận tải cỡ nhỏ đưa vũ khí theo kênh rạch trực tiếp vào chiến trường. Ông cũng là người trực tiếp chở hai quả thủy lôi vào cho đặc công rừng Sác lập chiến công trên sông Sài Gòn.

Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Thơm, Biên đội trưởng của tàu Đoàn 125 đi giải phóng quần đảo Trường Sa tháng 4-1975, ông từng là Thuyền phó hỏa lực của tàu 43 vào bến Đức Phổ (Quảng Ngãi) Tết Mậu Thân 1968... Khi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Đại tá Nguyễn Xuân Thơm là cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp đón tàu Đông Phương 1 ở Cà Mau. Ông kể lại: "Trung ương giao chúng tôi trang bị tàu lưới chuẩn bị đón tàu vũ khí vào. Ngày thì giả vờ thả lưới, đêm căng mắt nhìn ra biển, cả chục ngày 4 anh em cứ nhìn thăm thẳm vào màn đêm để chờ đồng đội. Mãi đến đêm thứ 11, khi chuẩn bị thu lưới vào bờ thì nhìn thấy tàu to chạy vào, mừng lắm dù không biết tàu ta hay địch. Khi phát tín hiệu thì nhận được tín hiệu đáp trả, cả mấy anh em reo hò “tàu ta rồi các đồng chí ơi”. Sau đó, chúng tôi hướng dẫn, dẫn tàu vào bờ, khi gặp nhau, anh em nhảy cẫng lên, nước mắt giàn giụa kêu to “các đồng chí ơi, chúng ta đã mở đường trên biển thành công rồi”".

Các Cựu chiến binh (CCB) đường Hồ Chí Minh trên biển là những người trực tiếp làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa nay gắn bó cùng nhau trong Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Hội bao gồm các CCB  Đoàn tàu không số (nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) và CCB các đơn vị bảo đảm bến bãi trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao bức trướng cho Hội Truyền thống đường Hồ Chi Minh trên biển

Nguy hiểm chực chờ

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ: “Tôi đến đây còn với tư cách là con một nhân chứng của Đoàn tàu không số. Cha tôi - GS Nguyễn Thiện Thành đã mất cách đây ba năm, mỗi lần gặp con cái, ông đều nhắc lại việc trở về trên con tàu không số năm 1964. Cha tôi kể, trước khi xuống tàu không số, mọi người đều được làm lễ truy điệu, không mang giấy tờ gì và không biết khi nào sẽ đến nơi… Mọi người chỉ biết gửi gắm niềm tin vào những thuyền trưởng. Chuyến đi đó còn có cô Sáu Vân, phu nhân của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Chuyến tàu ra khơi được một thời gian thì phải quay lại vì gặp tàu Mỹ. Lần thứ hai, vào gần đến Cà Mau  lại gặp tàu địch và phải quay ra. Đến lần thứ 3 mới vào tới nơi. Tới nơi rồi, mọi người đều ôm lấy chú Năm Phước, Thuyền trưởng chuyến tàu đó mà nói “anh Năm Phước quá giỏi”".

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi sau này sẽ vẫn luôn tự hào, cảm phục, ngưỡng mộ những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng đường Hồ Chí Minh trên biển. Chúng tôi chiến đấu trên bộ, còn có đất, có rừng và nhân dân làm hậu phương. Còn khi các chiến sĩ Đoàn tàu không số ra khơi thì không có hậu phương, chỉ có biển cả và những nguy hiểm chực chờ. Những Đoàn tàu không số, dù có bí số, sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có nhân dân giúp đỡ, lập kho tàng lưu giữ vũ khí, thuốc men trên bờ, thậm chí còn sửa tàu. Đoàn tàu không số chất chứa những hy sinh của các chiến sĩ, cán bộ, sự đoàn kết của nhân dân…Nhiều chiến sĩ của những Đoàn tàu không số đã hy sinh. Biết bao nhiêu chiến sỹ đã không trở về để bảo toàn lực lượng, giữ bí mật và tiêu diệt địch. Những chiến sỹ đó không một ngày được nắm hương bên mộ vì không có mộ. Nhưng nhân dân luôn tin rằng những chiến sỹ, sỹ quan đã hòa mình vào biển, luôn cảm nhận được đồng đội, người thân và đồng bào các thế hệ không bao giờ quên các đồng chí đã hy sinh.

Tại buổi giao lưu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng bức trướng với dòng chữ “Đoàn kết, nhân ái, chung thủy, nghĩa tình dựng xây đất nước” cho Hội Truyền thống đường Hồ Chi Minh trên biển. Dịp này, đồng chí Ngyễn Thiện Nhân cũng đã đến thăm và tặng quà cho Bộ Tư lệnh Hải quân.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục