Duyên hải Nam Trung bộ đối mặt với hoang mạc hóa

Duyên hải Nam Trung bộ đối mặt với hoang mạc hóa

Trước thực trạng khô hạn, thoái hóa đất và xói mòn, một phần diện tích không nhỏ dọc duyên hải Nam Trung bộ đang đứng trước nguy cơ hoang mạc hóa. Tình trạng trên đã được bàn luận từ nhiều năm qua, nhưng tại hội thảo tổ chức mới đây ở Ninh Thuận do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cho thấy một sự nhìn nhận, đánh giá có hệ thống hơn của các nhà khoa học.

45% diện tích đất trống đồi trọc bị hoang mạc hóa

Duyên hải Nam Trung bộ đối mặt với hoang mạc hóa ảnh 1
Những dải cát di động như thế này đang khiến Ninh Thuận đối mặt nguy cơ sa mạc hóa. Ảnh: T.L.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, tình trạng thoái hóa đất và hoang mạc hóa tại vùng duyên hải Nam Trung bộ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hiện các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có diện tích đất trống đồi núi trọc khá lớn (gần 1,2 triệu ha đất hoang đồi núi và hơn 60.000 ha đất hoang đồng bằng trên tổng diện tích đất tự nhiên hơn 3 triệu ha), đất đai khô cằn, xói mòn thoái hóa và hoang mạc hóa diễn ra trên phạm vi nhiều địa phương.

Vùng duyên hải Nam Trung bộ cũng đã hình thành những dải cồn cát kéo dài khá liên tục từ Đà Nẵng đến Bình Thuận góp phần gây nên sa mạc hóa, nhất là phân bố ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, nhưng điển hình là 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ,  địa hình của dãy Kon Tum và hướng gió thổi gần song song với hướng địa hình ven biển đã ảnh hưởng và làm cho khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận trở nên khô nóng quanh năm, nhất là ở Ninh Sơn (Ninh Thuận), Tuy Phong và Bắc Bình (Bình Thuận). Tại đây có chế độ khí hậu bán khô hạn và được xem là vùng khô hạn nhất nước, đã tạo thành vùng cát hoang mạc hóa trên diện tích hơn 131.000 ha.

Hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình (Bình Thuận) có diện tích đất cát hoang hóa khoảng 35.000 ha phân bố trên chiều dài 50km bờ biển. Riêng các đồi cát di động ở đây có diện tích khoảng 5.000ha và hiện là nguy cơ suy thoái hàng đầu trong khu vực.

Với điều kiện khô hạn và gió mạnh, đã thường xuyên tạo ra những cơn bão cát đe dọa chôn vùi làng mạc, ruộng đồng, phủ lấp Quốc lộ 1A trên một phạm vi rộng hàng ngàn hécta. Nghiêm trọng nhất là khu vực cát di động ở xã Chí Công, Liên Hương, Bình Thạnh (Tuy Phong - Bình Thuận) ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của khu vực.

Hạn hán, khai thác rừng bừa bãi- “thủ phạm”!

Theo các nhà khoa học, hạn hán là một trong những đặc thù của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, có nguyên nhân chính do khí hậu tự nhiên. Tình trạng hạn hán vùng ven biển Nam Trung bộ không chỉ đe dọa các vụ đông-xuân, hè-thu với tổng diện tích chiếm tới 20,3% - 25% diện tích gieo trồng, mà còn là tác nhân chính gây nên tình trạng hoang mạc hóa.

Trong suốt 10 năm qua, các tỉnh trong khu vực luôn bị hạn hán đe dọa và chỉ trong năm 1998 có khoảng 203.000 người bị thiếu nước ngọt. Vùng khô hạn thường xuyên tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và phía Nam tỉnh Khánh Hòa có diện tích 200.000 - 300.000ha với lượng mưa hàng năm trung bình chỉ 500-700mm, khí hậu nắng nóng đã tạo thành vùng đất bán sa mạc, vùng cát vàng khô hạn với những trảng cây bụi thưa có gai rất khó phát triển sản xuất.

Cạnh đó, tình trạng phá rừng và hủy diệt lớp phủ thực vật do chiến tranh và các hoạt động do con người gây ra làm cho diện tích rừng bị thu hẹp, độ che phủ thảm thực vật thấp, sự xói mòn và thoái hóa đất xảy ra nghiêm trọng, làm tăng diện tích đất trống đồi núi trọc ở vùng đồi núi thấp của các tỉnh trong vùng. Việc khai thác rừng bừa bãi và sử dụng tài nguyên rừng không bền vững đã dẫn đến các tác hại to lớn đối với vùng đầu nguồn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước và góp phần gây thiếu nước.

Việc lập kế hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất chỉ dựa trên việc đáp ứng các nhu cầu trước mắt, không tính đến tác hại lâu dài về môi trường sinh thái cũng là nguyên nhân cơ bản. Mặt khác, công tác quản lý nguồn nước còn thiếu đồng bộ, thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành… đã khiến nguồn nước mặt cạn kiệt.

Việc sử dụng các biện pháp canh tác thiếu bền vững trong một thời gian dài, cơ cấu cây trồng không hợp lý, chưa chú trọng nhiều đến tính hiệu quả và bền vững trong khai thác sử dụng đất cũng là những nguyên nhân cơ bản của hiện tượng thoái hóa đất ở duyên hải miền Nam Trung bộ, dẫn đến tình trạng sa mạc hóa.

GS-TS Lê Sâm (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho rằng, nguyên nhân gây hạn hán, sa mạc hóa ở Ninh Thuận, ngoài địa hình đặc thù là các dãy núi cao  bao bọc xung quanh, diễn biến bất lợi về thời tiết được xem là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước, sử dụng nguồn nước mặt còn lãng phí… cũng là những nguyên nhân cơ bản.

Hàng năm, vào mùa khô tình trạng hạn hán, thiếu nước thường xuyên xảy ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh kinh tế của các địa phương. Một số đợt hạn hán xảy ra liên tục trong những năm gần đây như các năm 1997, 1998, 2002, 2004 và đặc biệt nghiêm trọng là năm 2005 đã làm cho nhiều người dân trong tỉnh lâm vào tình trạng thiếu ăn do không đủ nước tưới để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…

Còn theo nghiên cứu của nhà khoa học Nguyễn Công Vinh (Viện Nông hóa), dọc theo bờ biển, các cồn cát thường xuyên di động dưới tác động của gió, mưa, gây nên sự bồi lấp đồng ruộng, tạo nên các hoang mạc cát. Một số địa phương khai thác nước ngọt quá mức dẫn đến tăng áp lực nước mặn biển, tạo nên hiện tượng xâm nhập của nước biển.

Mặt khác, do nuôi trồng thủy sản đã gây nên mặn hóa những vùng đất ven biển. Điển hình là hoang mạc hóa xuất hiện ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Ninh Phước, Ninh Hải (Ninh Thuận). PGS-TS Hà Lương Thuần (Viện Khoa học thủy lợi) cũng cho rằng hạn hán và sa mạc hóa tại khu vực duyên hản Nam Trung bộ thường có mối liên hệ tương tác với nhau. Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống hạn hán và sa mạc hóa thường được tiến hành riêng lẻ, thiếu sự phối hợp thống nhất.

Phân tích của các nhà khoa học cho thấy thoái hóa đất và hoang mạc hóa đã, đang và tiếp tục xảy ra khá nghiêm trọng ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Quá trình hoang mạc hóa và thoái hóa đất ở khu vực này là kết quả của xói mòn đất, đá ong hóa, hạn hán, cát bay.

Hậu quả của các quá trình đó là đất hoang hóa bị xói mòn mạnh và bị đá ong hóa ở vùng đất dốc; đất bị khô hạn theo mùa hoặc vĩnh viễn ở nhiều vùng khác nhau; đất chịu tác động của cát di động và trượt lở đất dọc theo bờ biển. Vì vậy, người dân trong vùng phải đối mặt và biết sống chung để khai thác những lợi thế nhằm tồn tại và phát triển. 

* Nghiên cứu thực trạng hạn hán, hoang mạc hóa ở Ninh Thuận,  GS-TS Lê Sâm và cộng sự (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) đã ghi nhận: tổng số diện tích đất hoang mạc ở Ninh Thuận là hơn 41.000 ha, chiếm 12,21% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Và cho đến hiện nay, tình trạng hoang mạc hóa vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
* Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Xúc tiến phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho biết: trong tổng số khoảng hơn 852.000 ha đất trống đồi núi trọc và hoang hóa của vùng duyên hải Nam Trung bộ thì diện tích đã và đang chịu tác động mạnh bởi hoang mạc hóa vào khoảng 45%.  

HỮU BẰNG

Tin cùng chuyên mục