Gần 170.000 người dân thoát khỏi nguy cơ phơi nhiễm dioxin

Gần 170.000 người dân sống ở các khu vực xung quanh sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã thoát khỏi nguy cơ phơi nhiễm với chất da cam/ dioxin. Đó là thông tin được Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ tại hội nghị tổng kết Dự án "Xử lý dioxin tại các điểm ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam" do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP. Hội nghị diễn ra sáng nay, 19-3, tại Hà Nội.

(SGGPO).- Gần 170.000 người dân sống ở các khu vực xung quanh sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã thoát khỏi nguy cơ phơi nhiễm với chất da cam/ dioxin. Đó là thông tin được Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ tại hội nghị tổng kết Dự án "Xử lý dioxin tại các điểm ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam" do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP. Hội nghị diễn ra sáng nay, 19-3, tại Hà Nội.

Dự án được thực hiện từ năm 2010 với tổng kinh phí hơn 5 triệu USD, với mục tiêu giảm thiểu tác hại của dioxin đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người tại các điểm nóng là các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát.

Việc thực hiện dự án đã đem lại nhiều kết quả quan trọng như chôn lấp, cô lập hơn 7500 m³ đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát tại Bình Định, đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lý ngay; phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan xây dựng Kế hoạch tổng thể xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa; xây dựng các công trình ngăn chặn lan tỏa tạm thời trong sân bay Biên Hòa nhằm ngăn chặn sự phát tán dioxin ra môi trường bên ngoài sân bay; thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin và tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực trong nghiên cứu và lấy mẫu phân tích hàm lượng dioxin trong và ngoài các điểm nóng; xây dựng và đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ngưỡng dioxin trong môi trường cũng như tiến hành các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống phơi nhiễm dioxin tại các điểm nóng.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Thế Đồng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận xét: "Dự án đã thực hiện tốt các mục tiêu được đặt ra, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng đối với việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả phức tạp và lâu dài của chất da cam/dioxin tại Việt Nam".

Báo cáo đánh giá cuối kỳ thực hiện bởi tư vấn quốc tế độc lập đã ghi nhận những thành quả của Dự án. Các sản phẩm của Dự án đã được bàn giao cho Bộ Quốc phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và một số cơ quan có liên quan để tiếp tục sử dụng, duy trì và bảo quản theo sự phân công của Chính phủ.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục