Giải tỏa các chợ tạm trên địa bàn TPHCM: Những khó khăn từ quận 1

Di dời, giải tỏa các chợ tạm, chợ tự phát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các sở ngành, quận huyện tại TPHCM nhằm lập lại trật tự giao thông, hướng đến văn minh đô thị. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, công tác di dời, giải tỏa chợ vẫn chưa đúng tiến độ và hiệu quả mong muốn. Đâu là nguyên nhân?
Theo Sở Công thương TPHCM, toàn địa bàn TP hiện có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 54 chợ loại 2, 168 chợ loại 3 và chợ tạm.
Riêng tại quận 1 có 5 chợ đủ điều kiện, được công nhận chính thức (gồm các chợ Bến Thành, Tân Định, Thái Bình, Đa Kao, Dân Sinh) và 3 chợ tạm được cấp giấy đăng ký kinh doanh nhưng trong diện chấm dứt hoạt động, gồm chợ Tôn Thất Đạm (hoạt động trên lề đường Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, đoạn từ đường Hàm Nghi đến đường Huỳnh Thúc Kháng), chợ lề đường Cô Giang (đoạn Cô Giang - Đề Thám, thuộc phường Cô Giang và phường Cầu Ông Lãnh), chợ hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành). Ngoài ra, quận 1 còn có các chợ tự phát và phải giải tỏa trong tương lai như chợ ở hẻm 353 Phạm Ngũ Lão…
Điều đáng lưu ý, trong số 3 ngôi chợ tạm thì chợ Tôn Thất Đạm tồn tại từ trước năm 1975, chợ Cô Giang và chợ hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng hình thành từ trước năm 1994, tất cả đều không có nhà lồng chợ; không có hệ thống xử lý rác thải, nước thải; không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, giao thông tại khu vực.
Vì những lý do trên, ngay từ năm 2009, UBND quận 1 đã triển khai thực hiện Quyết định số 17 của UBND TPHCM theo lộ trình chợ Tôn Thất Đạm, chợ Cô Giang và chợ Nguyễn Văn Tráng nằm trong quy hoạch giải tỏa giai đoạn 2009-2015. Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ trên vẫn chưa thực hiện xong, hiện quận tiếp tục làm trong nhiệm kỳ hiện nay. 
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo SGGP về tình hình giải tỏa các chợ tạm trên địa bàn quận 1, ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết việc giải tỏa chợ từ trước đến nay chủ yếu được vận dụng theo Quyết định số 06/2007 ngày 22-1-2007 của UBND TPHCM ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn TP. UBND quận 1 đã thành lập tổ công tác làm việc với 72 hộ đủ điều kiện tại chợ Tôn Thất Đạm - nơi có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên - để xác định mức thu nhập sau thuế làm cơ sở xây dựng mức hỗ trợ.
Nhưng theo ghi nhận của tổ công tác, cả 72 hộ đều không xác định được các khoản chi phí thực tế phát sinh trong quá trình kinh doanh nên không xác định được mức thu nhập sau thuế. UBND quận 1 đã có văn bản báo cáo UBND TP, đồng thời tiếp tục kiến nghị chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp này. 
Tương tự, tại chợ Cô Giang, UBND quận 1 cũng chỉ đạo hoàn tất đo vẽ sơ đồ, vị trí hiện trạng điểm kinh doanh và niêm yết danh sách 349 hộ kinh doanh tại chợ để báo cáo và đề xuất UBND TP xem xét.
Riêng chợ hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng, quận cũng đã tổng hợp và lần lượt có các báo cáo, kiến nghị UBND TP; đồng thời, tổ chức giới thiệu các điểm kinh doanh còn trống tại chợ Tân Định 12 điểm, chợ Đa Kao 23 điểm để các hộ kinh doanh tại chợ tham khảo, đăng ký nếu có nhu cầu kinh doanh.
Theo ông Lưu Trung Hòa nhận định, một trong những nguyên nhân khiến việc giải tỏa 3 chợ tạm tại quận 1 không đạt như mong muốn là do các văn bản liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời đã trở nên lạc hậu so với thực tế.
Quyết định 06 ban hành tính đến nay đã 11 năm nên khi áp dụng là quá thấp so với tình hình kinh doanh của tiểu thương, đặc biệt đối với nơi có doanh thu cao như chợ Tôn Thất Đạm. Đồng thời, tại mỗi chợ có đặc điểm khác nhau và hộ kinh doanh chủ yếu áp dụng theo hình thức thuế khoán nên không thể xác định thu nhập sau thuế để tính mức hỗ trợ.
Trước tình hình này, tại buổi làm việc giữa UBND TP với UBND quận 1 về phê duyệt các nội dung triển khai nhiệm vụ năm 2018, quận đã báo cáo với lãnh đạo UBND TP về những vấn đề trên, đồng thời chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng tham mưu UBND quận 1 kiến nghị UBND TP sửa đổi Quyết định 06. 
Bên cạnh việc áp dụng các cơ chế chính sách chưa phù hợp, theo ông Lưu Trung Hòa, còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là tiểu thương chưa tìm được những vị trí kinh doanh phù hợp so với yêu cầu. Với hầu hết chợ còn mặt bằng trống mà quận đã khảo sát để giới thiệu cho tiểu thương thì mãi lực kinh doanh ngày càng giảm; trong khi đó, 3 chợ tạm tại quận 1 đều có lợi thế kinh doanh và có doanh thu khá tốt. 
“Dù muốn hay không, việc giải tỏa 3 chợ tạm trên và các chợ tự phát khác trên địa bàn quận 1 vẫn sẽ được tiến hành sớm. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được UBND quận 1 báo cáo cụ thể bằng văn bản đến UBND TP xem xét và có cơ chế thực hiện phù hợp nhằm thực hiện nghiêm Nghị định 02 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; đặc biệt là các chợ không nằm trong quy hoạch và chợ tự phát họp trên lòng, lề đường ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và trật tự công cộng”, ông Lưu Trung Hòa nói.

Tin cùng chuyên mục