Hồi âm loạt bài “Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi?” - Rõ hơn thực trạng “có sinh mà không có dưỡng”

Ông Huỳnh Thế Cuộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ NCL: Báo đã phản ánh đúng thực trạng

Loạt bài “Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi?” đăng trên Báo SGGP từ 24 đến 28-4-2009 được dư luận xã hội, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục đặc biệt chú ý. Bên cạnh một vài ý kiến của các nhà quản lý phản hồi đến báo cho rằng một số từ ngữ trong bài “khá nặng”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài viết, ý kiến của các nhà sư phạm, nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, quản lý các trường đại học (ĐH) công lập và ngoài công lập (NCL) đồng tình với quan điểm và giải pháp của Báo SGGP đặt ra. Nhiều ý kiến đưa thêm những giải pháp để chấn chỉnh những “khuyết tật” của hệ thống ĐH NCL mà loạt bài đặt ra. Báo xin trích đăng một số ý kiến cũng như bài viết nêu trên.

NGƯT-TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Không khó để tìm ra lời giải

Loạt bài về ĐH NCL rất có ý nghĩa về mặt thông tin vì người dân, sinh viên đang học, sinh viên tiềm năng của các trường NCL rất cần biết hiện trạng này. Theo chúng tôi, để điều chỉnh các khuyết tật đang có của hệ thống các trường NCL mà loạt bài đã phản ảnh, có cách làm trước mắt và cả cách làm lâu dài.

Trước mắt, cơ quan quản lý ngành cấp nhà nước có thể kiểm tra ngay tình hình thu chi tài chính 3 năm gần đây của các trường có vấn đề về cơ sở vật chất và điều kiện dạy-học. Sẽ không khó khăn gì để tìm ra xem đại đa số phần thặng dư giữa nguồn thu và khoản chi hợp lý đã được sử dụng như thế nào, và vì sao các trường này không tập trung phần lớn nguồn thu từ học phí ứng trước của người học để cải thiện cơ bản điều kiện học tập.

Sau khi có số liệu rõ ràng về việc trường đã không sử dụng phần xứng đáng thu nhập để nâng cấp điều kiện học hành, mở rộng lực lượng cán bộ, giảng viên, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, cơ quan quản lý có thể ra văn bản yêu cầu trường nói trên dành một tỷ lệ nguồn thu nhất định để mua sắm ngay cơ sở vật chất. Nếu yêu cầu này không được tiến hành trong vòng 1 năm, trường nói trên sẽ bị cắt chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc bị buộc ngừng tuyển sinh một vài năm để thực hiện điều này.

Cùng lúc đó, cơ quan quản lý đăng công khai tình hình cơ sở vật chất và những vi phạm của trường cho xã hội biết trên các phương tiện thông tin chúng. Sức ép này sẽ đủ để buộc các trường thiếu điều kiện phải có giải pháp chấn chỉnh ngay tình trạng yếu kém về cơ sở vật chất. Người học sẽ hưởng lợi ích từ cách làm này.

Về lâu dài, giải pháp mang tính thị trường là cơ quan quản lý cần xây dựng thông tin về tình hình giảng viên, viên chức cơ hữu, cơ sở học tập, hệ thống quản trị chất lượng, hệ thống kiểm định và đánh giá kết quả học tập, thư viện, sách và tài liệu nghiên cứu của tất cả các trường NCL…

Hàng năm vào trước đợt tuyển sinh 3 tháng, các trường phải công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho người học nắm được tiềm năng, để họ tự quyết định việc chọn trường nào. Bằng việc kiên trì xây dựng, cập nhật và công khai hệ thống thông tin này, sau một thời gian chừng 5-7 năm, tôi chắc rằng tình trạng như loạt bài viết nêu sẽ chấm dứt.

TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Không phải không biết, mà là không làm

Loạt bài nhiều kỳ, nhưng các vấn đề được nêu ra được giải quyết cụ thể trong từng bài một. Lần đầu tiên tôi đọc một loạt bài đầu tư công phu để phản ánh toàn cảnh về các trường ĐH NCL. Điều tôi khâm phục và tâm đắc nhất là 2 tác giả có thể đi sâu khai thác được những số liệu về thu chi của các trường.

Về mặt giải pháp ở bài thứ 5, tôi cho rằng báo đặt ra là hợp lý. Thiết nghĩ, những giải pháp, kiến nghị mà báo đưa ra nếu được các cấp quản lý, những người cầm cân nẩy mực tiếp thu và thực hiện thì những vướng mắc, những khuyết tật sẽ dần được khắc phục. Không chỉ riêng ở giáo dục mà ở nhiều ngành khác, người ta thường nói vui rằng đừng nghĩ người ta không biết mà phải hỏi tại sao người ta không làm.

Th.S Lê Minh Tiến - ĐH Mở TPHCM: Hậu kiểm bị bỏ quên

Loạt bài đề cập khá đầy đủ hiện trạng những bất cập của ĐH NCL. Phần giải pháp cũng mang ý nghĩa thiết thực, nhấn mạnh đến vấn đề hậu kiểm vì công tác này lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Cái mà tôi cho là đáng quý nhất là loạt bài có cái nhìn công tâm, tích cực, không phiến diện, mang tính xây dựng chứ không phê phán suông. Điều này thể hiện ở chỗ tác giả vừa nêu những khuyết tật, vừa ghi nhận những đóng góp của các trường ĐH NCL trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Chính phủ.

Có thể thấy những bất cập tại các trường NCL, hay chuyện hàng loạt trường ĐH dân lập mới thành lập yếu kém liên tục được ra đời chính là “con đẻ” của  sự buông lỏng về mặt quản lý nhà nước, không đóng đúng vai trò là người định hướng nền giáo dục của Bộ GD-ĐT, dù tại cơ quan quản lý này có đủ ban bệ.

Th.S Trần Đình Lý - Trường ĐH Nông lâm TPHCM: Hồi chuông cảnh báo

Tôi đồng tình với cách tiếp cận và cách đặt vấn đề của báo. Loạt bài như là hồi chuông cảnh báo để dư luận biết rõ thêm về thực trạng tồn tại của nền giáo dục nước nhà, mà cụ thể là khối các trường ĐH NCL. Cần thay đổi cách nhìn từ cấp vĩ mô đối với các trường NCL chẳng hạn như về quy chế thành lập, ưu tiên về đầu tư xây dựng cơ bản…

Riêng về vấn đề tài chính, thực tế như báo đã nêu là tỷ lệ % học phí  hiện nay là quá lớn, nhà nước hoàn toàn không bỏ tiền  mà chủ yếu huy động từ người học. Trong khi đó, ở các nước khác trên thế giới, tỷ lệ học phí được huy động chủ yếu từ các nguồn khác trong xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người học. Vì vậy, có thể chọn thí điểm một số trường ĐH NCL điển hình để công khai tỷ lệ % các nguồn thu chi cho các hạng mục để các trường tham khảo, nhà nước không đầu tư về vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các trường ĐH NCL. Ngoài ra, khi đưa ra những quyết sách, cần phải thăm dò lấy ý kiến của dư luận.

PGS-TS Võ Xuân Đàn - ĐH dân lập Ngoại ngữ, tin học - HUFLIT: “Có sinh mà không có dưỡng”

Loạt bài của Báo SGGP có cái nhìn tổng quan (tích cực và hạn chế) về diện mạo các ĐH NCL của Việt Nam. Nội dung bài viết khách quan, thể hiện tinh thần xây dựng trước một mô hình đào tạo mới mẻ nhưng không kém nhiều rủi ro. Đặc biệt, 5 chủ đề mà 2 tác giả đặt ra để phân tích, bình luận là minh chứng cho 5 vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay của các trường ĐH NCL. Đồng thời, loạt bài cũng đặt ra trách nhiệm ở tầm vĩ mô có nhiều sơ hở dẫn đến “có sinh mà không dưỡng” nên các trường tồn tại nhiều yếu kém. Tuy nhiên, nếu được, báo cũng nên làm rõ thêm trách nhiệm  của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương nơi trường đóng không quản lý chặt, theo sát sự phát triển của các trường.

Ông Huỳnh Thế Cuộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ NCL: Báo đã phản ánh đúng thực trạng

Loạt bài “Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi?” đăng trên Báo SGGP từ ngày 24 đến 28-4-2009 được đầu tư công phu, phản ánh đúng thực trạng đang tồn tại hiện nay ở các trường ĐH NCL và giúp xã hội có một cái nhìn khách quan hơn. Đặc biệt, bài thứ 5 “Đừng ác cảm với lợi nhuận” đưa ra 2 giải pháp tốt. Điều này giúp các nhà quản lý giáo dục nhìn nhận lại cách quản lý, đồng thời đưa ra được định hướng giúp các trường ĐH NCL phát triển đúng hướng.

Theo tôi, giải pháp thứ nhất mà báo chọn ra “ĐH tư không vì lợi nhuận” là hợp lý. Thực tế cho thấy, hiện nay ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, loại hình này phát triển phổ biến, điển hình như ở Mỹ. Trong 10 trường ĐH hàng đầu thế giới, có 8 trường ĐH của Mỹ và trong đó phần đông là các trường ĐH tư thục. 

LINH AN – THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục