Cô giáo tận tụy “đưa đò”

“Mẹ” của 28 đứa con khiếm khuyết
Cô giáo tận tụy “đưa đò”

Giáo viên dạy học sinh bình thường đã vất vả, người dạy các lớp học sinh khuyết tật càng bị áp lực và nhọc nhằn gấp bội. Ngoài trách nhiệm của một người thầy truyền thụ tri thức, họ còn đóng vai trò của một bác sĩ, một nhà tâm lý học khôi phục khuyết tật về mặt trí tuệ ở học sinh. Dù đồng lương và phụ cấp chưa tương xứng, những người thầy ấy vẫn lặng lẽ bám trường, đưa những đứa trẻ kém may mắn trở về cuộc sống thường nhật…

Cô Huỳnh Thị Hoa Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) hướng dẫn học sinh trong giờ tập viết.

Cô Huỳnh Thị Hoa Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) hướng dẫn học sinh trong giờ tập viết.

“Mẹ” của 28 đứa con khiếm khuyết

Có mặt tại lớp 1/5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5, TPHCM) vào giờ tập viết, quang cảnh lớp học có phần lộn xộn, nhốn nháo. Nhiều học sinh thản nhiên đi lại trong lớp, trêu ghẹo người này, giật tập và viết của bạn kia. Có em đang ngồi viết bỗng nhiên quăng tập xuống đất, gào lên thật to, cắn cả vào tay bạn ngồi bên cạnh. Không khí trong lớp chưa lúc nào yên tĩnh. “Cô Hồng, bạn K. nhéo con”, “Cô Hồng, Q. lấy tập con”, “Cô Hồng, mấy bạn lục giỏ cô kìa”... Giáo viên đứng lớp, cô Huỳnh Thị Hoa Hồng, đồng thời là chủ nhiệm lớp 1/5, cho biết: “Lớp có 28 học sinh là 28 trường hợp khuyết tật khác nhau, độ tuổi dao động từ 6-12. Nặng thì bị tự kỷ, tăng động, chậm phát triển, nhẹ hơn thì rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, chậm tiếp thu”.  “Do khả năng tiếp thu của các em không đồng đều, tuổi tác lại chênh lệch nhau nên giáo viên phải tùy vào mỗi trường hợp để biên soạn giáo án khác nhau. Đối với những em ở lại lớp nhiều năm liền, tôi phải dạy đi dạy lại cách viết những nét cơ bản như nét ngang, nét hất, nét sổ. Em nào tiến bộ hơn một chút thì giáo viên cầm tay viết một số chữ cái cơ bản. Em nào viết tốt, có thể bố trí cho ngồi một chỗ tự mình tập viết”, cô Hồng bày tỏ. Nhưng dù ở mức độ nào, giáo viên cũng phải vừa dạy vừa để mắt canh chừng 28 cá thể có thể gây hấn bất cứ lúc nào. Bởi chỉ cần lơ là đôi chút sẽ có học sinh đánh nhau hoặc bỏ chỗ ngồi đi lại lung tung trong lớp.

Sau mỗi 15 - 20 phút dạy học, cô lại ra hiệu lệnh cho cả lớp đứng lên, đồng thanh hát bài “Thể dục buổi sáng”. Chủ nhân của cách dạy học trên cho biết: “Do mỗi em có những đặc điểm riêng về tâm sinh lý, tôi phải kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau, cho các em vừa học vừa chơi để tránh thần kinh căng thẳng, kích thích cao độ sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường”. Áp lực, căng thẳng vì thế là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhờ có sự động viên, tin tưởng của phụ huynh, những câu nói cảm ơn, xin lỗi, nụ hôn có phần ngây ngô của học sinh đã giúp cô vượt qua hết những trở ngại đó. “Nhiều lúc chỉ cần dạy được một học sinh suốt nửa năm không tiếp thu được chữ cái, nay có thể đánh vần vài tiếng cơ bản đối với tôi đã là hạnh phúc lớn”, cô Hồng chia sẻ.      

Dạy học bằng một chữ “tâm”

Ngoài 30 tuổi, thân hình nhỏ bé, hạnh phúc cá nhân vẫn đang bỏ ngỏ. Giáo viên trong trường thường gọi đùa cô Hồng là người “vì nghĩa diệt thân”. Bản thân chưa một lần làm mẹ nhưng đối với cô, học trò chính là nguồn động lực vô giá. Người giáo viên ấy thuộc nằm lòng hoàn cảnh gia đình của từng em, hiểu rõ về tính cách, cũng như bệnh trạng, khả năng phát triển của từng cô, cậu học trò. Dù xã hội vẫn mang nặng định kiến đối với người khuyết tật, bạn bè thân không ít người cảnh báo “tiếp xúc lâu ngày với trẻ khuyết tật sẽ ảnh hưởng không tốt về sau” nhưng cô vẫn kiên định với con đường đã lựa chọn. Cô tâm sự: “Chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình các em mới hiểu được nỗi đau và sự mất mát to lớn đến dường nào. Chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm mọi việc làm phải xuất phát từ cái “tâm”. Chỉ khi tình thương có thể hóa giải được mất mát thì mọi áp lực, vất vả đều không còn ý nghĩa”. Đó là điều mà một giáo viên chưa từng qua trường lớp đào tạo về giáo dục đặc biệt nghiệm ra sau nhiều năm nghiên cứu và tiếp xúc với học sinh khuyết tật.

Nói về những mong muốn, dự định đang ấp ủ, cô chia sẻ: “Số lượng trẻ em khuyết tật trong xã hội không ít. Nếu được tạo môi trường thuận lợi, các em sẽ có cơ hội phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Vì vậy, tôi mong có thêm nhiều địa chỉ tiếp nhận học sinh khuyết tật, giáo viên đến với học sinh bằng tất cả tấm lòng để con đường trở về cuộc sống bình thường của các em không còn xa”. Song, thực tế hiện nay cho thấy không nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM tiếp nhận học sinh khuyết tật. Nơi nào chịu tiếp nhận thì sĩ số lớp học thường khá cao, giáo viên không có đủ thời gian sâu sát quá trình tiến bộ của những học trò “đặc biệt” này. Do đó, cần nhiều hơn nữa sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó việc xóa bỏ định kiến kỳ thị đối với các em là hết sức quan trọng.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục